Thực hư việc tìm được thuốc chữa căn bệnh thế kỷ AIDS

(Phunutoday) - Các bệnh nhân AIDS có thể tìm thấy hy vọng được chữa khỏi với loại thuốc đặc biệt hiện nay đang được sản xuất ở Ural, khu vực Sverd-lốp, LB Nga, với tên gọi “Prô-phê-tan”, hay là An-pha phê-tô-prô-tê-in, một chất duy nhất chỉ được tạo ra ở phôi thai. Loại prô-tê-in này thâm nhập vào tế bào nhiễm vi rút, rửa trôi vi rút vào máu và từ đó vi rút bị tiêu diệt hoàn toàn bởi các loại thuốc kháng vi rút.

Đã có thuốc chữa khỏi AIDS?

Theo Tiến sĩ y học Sergey Rô-đi-ô-nốp, trưởng nhóm nghiên cứu, thành viên Viện Khoa học Tự nhiên LB Nga, phát hiện này hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên: “Chúng tôi thử nghiệm trên một số bệnh nhân mang cả hai bệnh - viêm gan C và AIDS vốn rất phổ biến trong xã hội, và chỉ sau 1 tháng không phát hiện được vi-rút suy giảm miễn dịch trong cơ thể họ nữa! Số lượng kháng thể đã giảm 100 lần so với ban đầu. Để kiểm tra lại kết quả, các nhà khoa học đã tiến hành thử điều trị trên 1 nhóm người nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch (HIV) và kết quả đã được khẳng định 1 lần nữa, sau khi phân tích mẫu máu của các bệnh nhân này. Trong tất cả các mẫu máu không có dấu hiệu sự tồn tại của vi rút.”

Ông Rô-đi-ô-nốp lý giải sự ưu việt của dược phẩm này là do các loại dược phẩm hiện nay trong điều trị bệnh nhân nhiễm HIV không có hiệu quả cao vì không thể thâm nhập vào tế bào nhiễm vi rút.

Dự kiến trong tháng tới, Quỹ Skol-kô-vô sẽ tài trợ cho một cụm sản xuất dược phẩm tại Ural để thiết kế trang thiết bị cho việc sản xuất loại dược phẩm mới này. Hiện nay, 42 chuyên gia nước ngoài đang làm thủ tục để có thể làm việc trong khu vực cấm, nơi sẽ xây dựng sản xuất hàng loạt dược phẩm có khả năng chữa khỏi AIDS cho tất cả những người nhiễm trên toàn thế giới này (theo Tổ chức Liên hợp quốc về AIDS UNAIDS cuối năm 2010 có khoảng 34 triệu người nhiễm HIV).

Để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này, giáo sư Rô-đi-ô-nốp bắt đầu giảng dạy trong trường đại học và sẽ tuyển chọn các sinh viên trẻ ưu tú nhất với mức đầu tư không hề nhỏ: khoản tiền do cụm sản xuất đài thọ là 200 000 nghìn rúp (hơn 60 000 đô la Mỹ) trong vòng 2 năm.

Trong quá trình sản xuất “Prô-phê-tan” sử dụng công nghệ vi sinh, toàn bộ dây chuyền công nghệ được bố trí trong phạm vi 5 m2, lò phản ứng chỉ chứa 10 ki lô gam dược phẩm. Trong 1 gram An-pha phê-tô-prô-tê-in chứa đến 30 000 liều, tương đương với 8,5 triệu đô la Mỹ theo giá thị trường. Theo Thông tấn xã LB Nga, loại thuốc này đã đăng ký bằng sáng chế và từ năm 2012 sẽ có mặt trên thị trường.

Hiện nay, phần lớn bà bầu đều được kiểm tra An-pha phê-tô-prô-tê-in. An-pha phê-tô-prô-tê-in có đặc điểm là ngăn chặn cơ thể người mẹ đào thải dị vật (bào thai) và kiểm soát quá trình di truyền gen của phôi thai. Sau khi đứa trẻ ra đời thì chất này cũng biến mất nhưng lại xuất hiện trở lại khi có tế bào ung thư phát triển. An-pha prô-tê-in có khả năng bám dính lên bề mặt khối u ác tính, do đó, loại prô-tê-in này còn được sử dụng trong phát hiện khối u.

Các nghiên cứu dược tính đã chứng tỏ được hiệu quả của An-pha phê-tô-prô-tê-in trong việc điều trị các bệnh tự miễn dịch (như bệnh thấp khớp), bệnh dị ứng, bệnh tim mạch (chỉ có An-pha phê-tô-prô-tê-in mới có khả năng làm tan xơ vữa động mạch), các loại viêm gan và thậm chí được sử dụng trong các dược phẩm làm đẹp do có tác dụng làm trẻ hóa. Ở Ix-ra-en vừa hoàn thành điều trị thử nghiệm “Prô-phê-tan” cho các bệnh nhân mắc viêm gan C.

Viện sĩ A-be-lép, người sáng tạo ra phương pháp miễn dịch chẩn đoán khối u, trong những năm 50 của thế kỷ trước đã phát hiện ra sự tổng hợp An-pha prô-tê-in trong các khối u và do đó đã được nhận giải thưởng Rockefeller và giải thưởng Nhà nước Xô Viết.

Mùa xuân năm nay, ở Mỹ đã có thông tin về một loại dược phẩm mới có khả năng điều trị nhiều bệnh nhân viêm gan C. Đây là thành tựu của các nghiên cứu trong hơn 15 năm qua trong việc tìm ra dược phẩm tốt nhất để điều trị cho căn bệnh ở hơn 170 triệu người trên trái đất này. Viêm gan C lây qua máu, dẫn đến xơ và ung thư gan. Vi rút này thường lây lan do dùng chung kim tiêm và trong một số trường hợp qua đường tình dục, do hút chích ma túy hoặc trong quá trình hiến máu (trước khi có quy định về bắt buộc kiểm tra máu của người hiến).

Để sử dụng “Prô-phê-tan” trong điều trị, bệnh nhân viêm gan C cần chi phí là 45 nghìn rúp/tháng, tương đương 1500 đô la Mỹ, nếu điều trị kèm với interferon thì chi phí điều trị tăng lên thành 60 - 70 nghìn rúp/tháng, tương đương 2000 - 2300 đô la Mỹ. Hiện nay, tại Nga, điều trị bệnh nhân viêm gan C mất một năm và tổng chi phí điều trị sử dụng 2 loại thuốc trên là 1,756 triệu rúp, tương đương gần 600 000 đô la Mỹ.

Các quan ngại về dược phẩm “Prô-phê-tan”

Tuy nhiên, các bác sĩ làm việc ở Trung tâm khu vực Sverd-lốp trong lĩnh vực dự phòng và điều trị AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho rằng, thông tin này cần được kiểm chứng thêm. Bà Ria-mô-va, Cục trưởng Cục Chẩn đoán lâm sàng chia sẻ: “Chúng tôi đã tiến hành phân tích các tài liệu khoa học và thấy rằng, hiện nay, mới chỉ có tài liệu tiếng Nga về việc sử dụng dược phẩm này trong việc điều chỉnh interferon trong liệu trình điều trị viêm gan C như là tác nhân điều biến miễn dịch (immune modulator), còn trong tiếng Anh thì chưa thấy nghiên cứu nào về dược phẩm này”.

Đồng thời, nghiên cứu trên chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thử nghiệm lâm sàng như chưa đánh giá mức độ an toàn của dược phẩm, trong nghiên cứu không có nhóm so sánh, không có xử lý dữ liệu thống kê cũng như không có đánh giá về khía cạnh đạo đức. Trong tài liệu khoa học chưa có tài liệu nào chứng minh rằng, người có kết quả dương tính với HIV đã được điều trị khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ Pô-đư-mô-va, Giám đốc Trung tâm nói: “Tác dụng của dược phẩm này cần được kiểm chứng và hiện nay không được khuyến nghị sử dụng trong điều trị AIDS và viêm gan C. Nếu nghiên cứu kết quả sử dụng dược phẩm này có đủ cơ sở khoa học và thực nghiệm và có đăng ký với Bộ Y tế theo đúng luật pháp của LB Nga thì chúng tôi sẽ là người tiên phong trong việc phổ biến loại dược phẩm đó. Việc các bệnh nhân yêu cầu ngừng sử dụng các loại thuốc đang được chỉ định để điều trị hiện nay sẽ mang đến cho họ nguy cơ bệnh trở nặng và thậm chí dẫn đến tử vong”.

Tháng 6/2011, các bác sĩ người Đức ở bệnh viện Charite, Béc-lin, đã lần đầu tiên chữa khỏi cho bệnh nhân 42 tuổi người Mỹ Timothy Ray Brown bị nhiễm HIV/AIDS bằng việc ghép tủy xương của người mang gen đề kháng với HIV (chỉ có 1% dân số mang gen này). Cho đến thời điểm đó, các dược phẩm chỉ có tác dụng ngăn cản sự phát triển của vi rút trong cơ thể người. Anh Timothy nhiễm HIV từ năm 1995, năm 1999 các bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh bạch cầu và ghép tủy xương cho anh.

Sau 3 năm, kết quả xét nghiệm chi tiết cho biết, trong cơ thể anh không còn dấu vết vi rút HIV và cả bệnh bạch cầu. Hiện nay, anh sống ở San Fran-sít-scô và được các bác sĩ ở Đại học Ca-li-for-nia theo dõi. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật rất lớn và liệu pháp điều trị này khó có thể được áp dụng cho đại đa số dân chúng. Bên cạnh đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho anh chưa loại trừ khả năng tái phát bệnh và mong muốn tiến hành các phân tích bổ sung.

Năm 2010, ở Ix-ra-en các nhà khoa học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem đã tìm ra phương pháp tiêu diệt tế bào nhiễm HIV. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu AIDS Research and Therapy. Trước đó, họ đã tìm ra một hỗn hợp dược phẩm có tác dụng kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân AIDS bằng cách chuyển thành bệnh mãn tính, nhưng không thể chưa khỏi hoàn toàn.

Phương pháp mới này nhắc lại chính phương thức nhiễm HIV của tế bào. Vi rút HIV sau khi thâm nhập vào cơ thể người tiết ra một số prô-tê-in cho phép chúng xâm nhập qua màng tế bào vào bên trong tế bào. Khi có mặt trong nhân tế bào, vi rút HIV làm thay đổi cơ chế di truyền của tế bào, khiến cho tế bào không sinh sản ra tế bào mới mà lại sinh sản ra các thế hệ vi rút HIV mới.

Các nhà khoa học đã tìm ra cách làm cho tế bào nhiễm vi rút tạo ra ADN của vi rút ở quy mô khiến cho cơ chế gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis), hay còn gọi là cơ chế tự hủy diệt, có thể diễn ra. Trong điều kiện bình thường, Apoptosis là cơ chế điều tiết tự nhiên quyết định tuổi thọ của mỗi tế bào. Ở bệnh nhân ung thư hoặc nhiễm vi rút HIV, chúng làm hỏng chương trình này và phát triển không ngừng, thế chỗ những tế bào bình thường và do đó dẫn đến tử vong.

Các tác giả của phương pháp này giải thích rằng, chế phẩm của họ chỉ có tác dụng khi được sử dụng cùng hỗn hợp thuốc giảm tốc độ sinh sôi của các tế bào nhiễm vi rút HIV kể trên. Họ đã hoàn thiện giai đoạn nghiên cứu thí nghiệm và chuyển sang nghiên cứu áp dụng trên động vật.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến hết tháng 12/2008, toàn quốc hiện có 138000 trường hợp nhiễm HIV còn sống, 29500 bệnh nhân AIDS còn sống và đã có 41000 trường hợp đã tử vong do AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV trên thực tế có thể cao hơn số liệu báo cáo và quản lý được. Với các ca nhiễm HIV mới và sự mở rộng của chương trình điều trị ARV, do đó, sẽ kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV, số lượng người nhiễm HIV ở Việt Nam được ước tính sẽ tăng lên 254000 người (0,29%) vào năm 2010 và 280000 người (0,31%) vào năm 2012.

Cần lưu ý là do điều trị ARV sẽ kéo dài thời gian sống của bệnh nhân HIV, do đó, tỷ lệ hiện nhiễm sẽ vẫn cao và có nhiều người cần chăm sóc và điều trị ARV hơn. Việc chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng cũng như các nguồn lực khác là yêu cầu được đặt ra để sẵn sàng đáp ứng với việc gia tăng số người cần chăm sóc và điều trị HIV.

Nếu thực sự dược phẩm do các nhà khoa học Ural tìm ra có khả năng chữa khỏi AIDS với giá thành rẻ như vậy thì những người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam sẽ rất có tương lai được chữa khỏi căn bệnh thế kỷ này. Chúng ta rất mong dược phẩm “Prô-phê-tan” được nghiên cứu và kiểm chứng thật kỹ để sớm xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Ngọc Thúy

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xahoiol/doisong/201112/Thuc-hu-viec-tim-duoc-thuoc-chua-can-benh-the-ky-aidS-2115554/