Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu nhi dịp Tết Trung thu và 1/6

(DVT.vn) - Trung thu đến gần, đọc lại những bức thư này khiến chúng ta thêm nhớ và hiểu về Bác. Người cả cuộc đời luôn quan tâm và yêu thương thiếu nhi.

(DVT.vn) - Trung thu đến gần, đọc lại những bức thư này khiến chúng ta thêm nhớ và hiểu về Bác. Người cả cuộc đời luôn quan tâm và yêu thương thiếu nhi. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ khá nhiều bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu niên nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Những bức thư này do Văn phòng Trung ương Đảng chuyển giao cho Bảo tàng từ trước năm 1959. Đáng chú ý là cuốn sách có nhan đề Tập thư Bác Hồ, tập hợp một số bức thư Bác gửi cho thiếu nhi từ năm 1945 đến năm 1954, của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cứu quốc Liên khu V, miền Nam Trung Bộ. Năm 1954, cuốn sách đã được in ra thành nhiều bản để phát hành và tuyên truyền vào dịp Tết Trung thu với mong muốn “Các em sẽ chăm chỉ đọc ôn lại các bức thư của Bác, ghi sâu và làm theo lời Bác dạy để xứng đáng là cháu yêu của Bác”. Sách có kích thước 14,5 x 10 cm, gồm 18 trang, in 2000 quyển và được kiểm duyệt theo giấy phép in số 493 của Ban Ấn loát miền Nam Trung Bộ. Bác Hồ vui tết Trung thu với các cháu thiếu nhi Hà Nội và Quốc tế, ngày 27/9/1958. Năm 1945, nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu niên nhi đồng cả nước. Với tình cảm thương yêu trìu mến nhất, Người hòa mình với các em: “Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vỡ sao? Là vì… Trung thu năm nay đã được tự do và các em đã thành những tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Người gửi tới các cháu “trăm cái hôn thân ái”. Tiếp đến là Thư Trung thu 1948. Đó là năm đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nên thư của Người cũng chất chứa bùi ngùi thương xót. Người thấu hiểu những khó khăn mà thiếu nhi phải chịu đựng: “Nhiều cháu phải xa cha mẹ đến núi đỏ rừng xanh. Nhiều cháu chịu khó nhọc, hăng hái giúp các anh bộ đội. Nhiều cháu ở hậu phương thấy đồng bào hi sinh cực khổ, không nỡ ăn Tết Trung thu vui sướng một mình”, và Người thấy “áy náy”, thấy “căm giận bọn thực dân phản động Pháp”. Người đã thay mặt toàn thể đồng bào hứa với các cháu: “Sớm đuổi bọn thực dân phản động để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi”. Cuối thư, Người khuyên các cháu “ra sức học hành” và không quên “gửi lời hôn các cháu”. Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi quốc tế trong đêm liên hoan mừng ngày Quốc tế thiếu nhi tổ chức tại Phủ Chủ tịch, ngày 31/5/1960. Năm 1949 là năm kháng chiến thứ ba và cũng là Trung thu thứ ba các cháu thiếu nhi “phải ăn Tết thiếu thốn hơn trước”. Đó cũng là ý đầu tiên trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ và chia sẻ. Dù vậy, Người vẫn chúc các cháu “vui hơn”. Bằng lời lẽ giản dị phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, Người phân tích để thiếu nhi thấy những thành tích cụ thể, thiết thực mà các cháu đã làm được trong khó khăn của cuộc kháng chiến, qua đó biểu dương và khen ngợi. Từ sâu thẳm lòng mình, Người bộc bạch: “Trung thu năm nay, Bác cũng chưa có quà gì biếu các cháu, nhưng Bác chắc chắn rằng sau này các cháu sẽ có Tết Trung thu linh đình là Tết Trung thu kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Bây giờ các cháu hãy nhận cái hôn Bác Hồ”. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1950, Người cũng có thư gửi các cháu. Vẫn là sự băn khoăn “Đáng lẽ các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như con trẻ Liên Xô”, Người phân tích cho thiếu nhi hiểu dân tộc ta kháng chiến thắng lợi thì các cháu “sẽ đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”. Dù còn nhiều khó khăn, vui buồn, Người vẫn không quên “gửi các cháu nhiều cái hôn”. Trung thu 1951, Người mở đầu thư bằng bốn câu thơ: Trung thu trăng sáng như gương Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng Sau đây Bác viêt mấy dòng Gửi thăm các cháu tỏ lòng nhớ nhung. Sau khi thông báo đã nhận được thư của nhi đồng vùng tạm bị chiếm và thư của nhi đồng các nơi báo cáo thành tích thi đua, Người giải thích về ý nghĩa của ngày 1/6 và căn dặn thêm các cháu những việc nên làm, phải làm trong sinh hoạt đội, trong học tập và cả khi vui chơi để trở thành người có ích cho Tổ quốc. Bác Hồ và các cháu thiếu nhi Hà Nội và Quốc tế vui tết Trung thu, tại vườn hoa Phủ Chủ tịch. Trung thu 1952 là năm đất nước đang bước vào thời kỳ kháng chiến cam go. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ niềm thương nhớ thiếu nhi ở mọi vùng đất nước. Lời lẽ trong thư Người ẩn chứa nỗi buồn lo cho các cháu. Người biểu dương tinh thần tiến bộ của thiếu nhi, “đã biết yêu nước, ghét giặc, đều chăm học, siêng làm… biết đoàn kết, thương yêu cha mẹ, giúp đỡ bộ đội và thương binh, giúp tăng gia sản xuất và tiêt kiệm”. Đặc biệt, Người tỏ lòng thương xót khi thấy tinh thần chiến đấu hi sinh dũng cảm của các cháu ở vùng tạm chiếm “đã giữ bí mật để giúp đỡ các cán bộ và bộ đội”. Cuối thư, Người lại có bài thơ: Ai yêu các nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh. Tính các cháu ngoan ngoãn. Mặt các cháu xinh xinh… Năm 1952, nhân ngày 1/6, Người gửi thư cho thiếu nhi, nhấn mạnh tinh thần Quốc tế để các cháu hiểu rõ và cùng nhau giữ gìn hòa bình, dân chủ. Trung thu 1953, Người lại có bài thơ gửi cho các cháu với mong muốn “Thu sau so với thu này vui hơn”. 1/6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng tới toàn thể thiếu nhi trong nước và quốc tế. Người mong các cháu “ngoan ngoãn, mạnh khỏe, vui vẻ, tiến bộ”. Có thể nói, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu niên nhi đồng chiếm một mảng lớn trong tâm hồn của Người. Thực tế, chúng ta thấy, ở đâu và lúc nào bên cạnh Người cũng có các cháu. Không chỉ thiếu nhi trong nước mà thiếu nhi quốc tế cũng luôn quây quần quanh Bác . Năm 1954, nước ta được hưởng nền hòa bình sau chín năm kháng chiến chống Pháp. Điều trước tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ đến là các cháu thiếu niên nhi đồng. Người viết thư (khi là văn xuôi, khi bằng những vần thơ) để khen ngợi, biểu dương tinh thần của các cháu trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Đồng thời, Người cũng bày tỏ lòng thương yêu, nhớ nhung thiếu nhi ở cả hai miền Nam, Bắc. Người viết cho các cháu bằng cả tấm lòng thương yêu vô hạn: "Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam". Tình cảm bị kìm nén bấy lâu, đến năm 1954 Người mới được thỏa lòng vì thiếu nhi miền Bắc đã được sống trong cảnh hòa bình. Trong thư, Người tỏ ý xin lỗi "Vì bận việc quá" nên "không rảnh làm thơ gửi các cháu". Cuối thư, Người không quên chúc các cháu "Vui mạnh khỏe, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành", để: Đến ngày Nam Bắc vui chung Các cháu xúm xít thì lòng ta vui. Nhưng, niềm vui của Người chưa trọn vẹn vì Người còn một điều trăn trở. Một nửa đất nước chưa được độc lập. Người vẫn còn một nỗi niềm khi nhớ đến các cháu thiếu nhi miền Nam. Các cháu vẫn còn phải sống trong hoàn cảnh chưa có hòa bình, chưa có tự do. Từ xúm xít được Người thể hiện trong hai câu thơ kết của bức thư làm chúng ta cũng xúc động theo Người. Ước vọng đó của Người ngày nay chúng ta đã làm được: Bắc, Nam đã liền một dải. Đất nước hòa bình thịnh vượng đang sánh vai tiến bước cùng các nước trong khu vực và toàn cầu. Thiếu niên nhi đồng Việt Nam cũng đang được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, được cả xã hội quan tâm và yêu thương. Vui Tết Trung thu, đọc lại những bức thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến chúng ta thêm nhớ và hiểu về Người. Người cả cuộc đời luôn quan tâm và yêu thương thiếu nhi. Người được cả thế giới ngưỡng mộ và gọi bằng cách thân mật là Bác Hồ! Bác Hồ kính yêu! Lê Minh Độ

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/20110829111954264p0c93/thu-chu-tich-ho-chi-minh-gui-thieu-nhi-dip-tet-trung-thu-va-16.htm