Thông tin mới về vụ nhà báo Hoàng Khương bị bắt

(VOV) - Ngày 6/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Đức Linh.

Đây là hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã bị bắt tạm giam).

Cùng ngày, cơ quan điều tra đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Linh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Đức Đông Anh (còn gọi là Pe, em vợ của phóng viên Hoàng Khương, cũng bị bắt tạm giam). Luật sư Phan Trung Hoài cho biết ông sẽ tham gia quá trình tố tụng theo đúng quy định của luật pháp.

Ngày 6/1, gia đình của phóng viên Hoàng Khương cũng đã hoàn tất thủ tục xin bảo lãnh tại ngoại gửi tới cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Nguyên nhà báo Hoàng Khương (cầm túi) bị bắt tạm giam (Ảnh:PL&XH)

Trước đó, Nhà báo Lê Xuân Trung, Tổng Thư ký báo Tuổi Trẻ cho biết, báo Tuổi trẻ mong vụ việc được cơ quan công an sớm làm sáng tỏ, xử lý “đúng người, đúng tội”. Ban biên tập báo cùng luật sư Phan Trung Hoài thực hiện các thủ tục đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát cho phóng viên Hoàng Khương được tại ngoại vì lý do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe cá nhân.

Liên quan đến vụ việc này, sáng 3/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, đồng thời khám xét nhà và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Đông Anh (SN 1989, ngụ 96/12 Đỗ Tấn Phong, phường 9, quận Phú Nhuận – TPHCM) về hành vi “Đồng phạm trong vụ việc đưa hối lộ của phóng viên Hoàng Khương”. Đông Anh là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt- Mỹ.

Hôm 28/11, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP HCM có văn bản gửi đến Cục Báo chí - Bộ Thông tin - Truyền thông và Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ đề nghị kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương (tức nhà báo Hoàng Khương).

Lý do, ông Khương có liên quan việc Trần Anh Tuấn (bị khởi tố về hành vi môi giới hối lộ) đưa tiền cho Huỳnh Minh Đức (nguyên Thượng úy CSGT Công an quận Bình Thạnh) để được giải quyết trái quy định cho xe vi phạm giao thông và đua xe trái phép. Qua điều tra, cảnh sát xác định hành vi của ông Khương đã có dấu hiệu của tội “đưa hối lộ”.

Trả lời báo Pháp luật và Xã hội, Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa - Lợi cho rằng, ông Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực.

Luật sư Vũ Lợi lấy ví dụ, một phóng viên khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, phóng viên phải nhập vai một con bạc. Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng phóng viên đó vào sới để đánh bạc. Nếu ông Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình.

Đồng quan điểm, Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng VPLS Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Trong vụ việc này, việc phóng viên Hoàng Khương cùng Trần Anh Tuấn đưa tiền cho Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ công an), lấy đó làm tư liệu để viết và đăng các bài báo chống tiêu cực có thể xem là không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng./.

Tin bài liên quan:

Báo Tuổi Trẻ trả lời về vụ bắt nhà báo Hoàng Khương Vụ nhà báo Hoàng Khương: Thêm 1 người bị bắt Khởi tố, bắt tạm giam nguyên nhà báo Hoàng Khương Đề nghị thu hồi thẻ Nhà báo trong vụ nhận hối lộ

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/thong-tin-moi-ve-vu-nha-bao-hoang-khuong-bi-bat/20121/196688.vov