Thống đốc NHNN: "Ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu"

(HQ Online)- Nút thắt về vốn cho doanh nghiệp đã khơi thông, tỷ giá ổn định, nợ xấu dần được xử lý... Kết quả này được ghi nhận trong cuộc họp báo đánh giá điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 và định hướng năm 2013 tổ chức tại NHNN mới đây.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu nên không cần phải bao cấp cho những người kinh doanh mặt hàng này. (Ảnh minh họa, nguồn Internet).

Năm 2012, NHNN đã 5 lần điều chỉnh các mốc lãi suất cơ bản với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến, để cuối năm đưa trần lãi suất huy động ngắn hạn về mức 8%/năm và trần cho vay các lĩnh vực ưu tiên về 12%/ năm. Bức tranh lãi suất đã được cải thiện theo hướng tích cực, theo đó, lãi suất huy động giảm từ 3 – 6%, lãi suất cho vay giảm từ 5 – 9% so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Động thái này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chi phí vay vốn và khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Bắt bệnh” thị trường tiền tệ những năm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận xét: Cốt lõi của bất ổn là mất cân đối tích lũy trong nước và đầu tư “lệch”. Việt Nam chưa thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài để bù đắp thiếu hụt. Nếu chỉ phát hành tiền thì chỉ phục vụ mục tiêu trước mắt nhưng sẽ đẩy lạm phát tăng cao. Để thoát vướng mắc này, Việt Nam cần thu hút nhiều các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài nhưng phải đúng và trúng, ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoặc công nghệ cao chứ không phải là các dự án bất động sản. Đã đến lúc phải tạo trào lưu và khuôn khổ pháp lý mới thu hút FDI vào Việt Nam một cách có trọng tâm, trọng điểm. Để đạt được điều này, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu – làm nền tảng để phát triển và tái cấu trúc nền kinh tế... Bởi vậy, điều hành lãi suất của NHNN trong năm 2013 vẫn bám sát mục tiêu này.

Tại buổi họp báo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Cùng với sự ra đời của Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Nghị định 95 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đưa thị trường vàng miếng vào vòng quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất tới lưu thông, tạo chuyển biến tích cực. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh nhưng không có hiện tượng “sốt vàng”.

Hiện khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam đang cao hơn thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng nhưng Thống đốc cho rằng Nghị định 24 không đặt nhiệm vụ đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới mà đặt trọng tâm là bình ổn kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa. Việc chênh lệch giá là có nguyên nhân khách quan, từ nhu cầu của người dân và do các TCTD tất toán để cân bằng trạng thái vàng – nhu cầu này rất lớn.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu nên không cần phải bao cấp cho những người kinh doanh mặt hàng này. Mục tiêu chính trong điều hành là bình ổn thị trường vàng. Bởi vậy, sau khi "đóng" xong quan hệ cho vay bằng vàng của các TCTD sẽ chuyển sang quan hệ mua – bán với mục đích tăng dự trữ quốc gia. Nếu trước đây giá vàng do thương nhân hoặc đầu nậu làm giá thì nay NHNN sẽ kiến tạo và điều khiển thị trường nhạy cảm này. "Thời gian tới,nên chuyển vàng thành tiền phục vụ sản xuất kinh doanh; nền kinh tế chỉ nên giữ tiền, còn ngân hàng giữ vàng", Thống đốc nhấn mạnh./.

Thu Hằng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thong-doc-nhnn-chi-ha-lai-suat-khi-kiem-soat-duoc-lam-phat.aspx