Thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần với Mỹ: Được gì và mất gì?

Đến nay, đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam.

Một trong những Hiệp định quan trọng được ký kết nhân chuyến viếng thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ hồi tháng 7 vừa qua là thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần (DTT) giữa hai quốc gia. Đây là hiệp định được mong chờ từ rất lâu trong cộng đồng doanh nghiệp hai nước kể từ bình thường hóa quan hệ cũng như thông qua hiệp định thương mại song phương (BTA) vào năm 2001.

Từ năm 1998 đến nay, tổng vốn đăng ký của Mỹ được ghi nhận chính thức là 11,1 tỉ USD, đứng thứ 7 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam - một con số có thể xem là khá khiêm tốn so với tiềm lực của nhà đầu tư Mỹ cũng như căn cứ vào mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa 2 quốc gia.

Với thỏa thuận lần này, tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam đã tăng lên 70, trong tổng số hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có giao lưu thương mại và đầu tư.

Hãy quay trở lại với DTT. Hiệp định này được dùng để loại bỏ việc đánh trùng thuế, như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lãi suất, thuế cổ tức.. cho các đối tượng cư trú tại các quốc gia tham gia ký kết. Lấy ví dụ, doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam có thể chịu tới hai khoản thuế thu nhập cho một khoản lợi nhuận làm ra ở Việt Nam.

Việc đánh trùng thuế được xem như một rào cản cho thương mại và đầu tư, hạn chế tâm lý đầu tư xuyên quốc gia cũng như góp phần thúc đẩy hành vi trốn thuế của doanh nghiệp và cá nhân. Do đó, DTT lần này sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định cũng giới hạn mức thuế suất đánh trên một số khoản thu nhập của đối tượng tại nước phát sinh thu nhập. Ví dụ, nếu thuế suất theo quy định của luật trong nước cao hơn mức thuế suất quy định tại hiệp định thì áp dụng mức thuế suất theo hiệp định. Các đối tượng nộp thuế cũng sẽ được khấu trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài.

Giữa hai quốc gia cũng sẽ hình thành hệ thống trao đổi thông tin để ngăn ngừa việc trốn thuế. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện tượng lách thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tinh vi ở Việt Nam.

Nhưng có lẽ sẽ cần thêm thời gian để hiệp định này có hiệu lực. Theo hãng kiểm toán EY, hiệp định DTT sẽ phải chờ sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp hai quốc gia. Về phía Mỹ, EY cũng cảnh báo rằng hiệp định này có thể bị trì hoãn thông qua tại Thượng viện, giống như một số hiệp định tương tự đã ký với Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ mới đây.

Theo một số thượng nghị sĩ Mỹ, cơ chế trao đổi thông tin trong DTT có thể vi phạm đến các quyền riêng tư của người nộp thuế Mỹ. Từ năm 2010 đến nay, Thượng viện Mỹ chưa thông qua thêm một DTT nào cả và đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải rất nỗ lực thuyết phục Quốc hội gật đầu đồng ý trong thời gian tới.

Về phần mình, Việt Nam cũng đang gặp những vấn đề trong quá trình triển khai các hiệp định DTT đã ký với các đối tác khác do chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng ngành thuế còn hạn chế.

Đánh giá về hiệu quả của các hiệp định DTT trước đây mà Việt Nam tham gia, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Huyền, chuyên gia tài chính, cho rằng ở Việt Nam, các chính sách cải cách thủ tục hành chính thuế thường xuyên thay đổi, khiến cho doanh nghiệp khó theo dõi và thực hiện, đặc biệt các đối tượng thuế là người nước ngoài.

Tiến sĩ Huyền cũng cho rằng Việt Nam cần phải rà soát lại các DTT, đặc biệt là các thỏa thuận với những quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thấp hơn Việt Nam, được xem như thiên đường thuế như British Virgin Islands, Cayman…

“Khả năng tìm tiếng nói chung thấp, bởi nước nào cũng có tâm lý bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế nước mình. Đây là một nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả của công tác chống chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, bà Huyền nhận định.

Nếu giải quyết được các thách thức này, có thể Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được luồng vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư Mỹ. Theo nghiên cứu của 3 giáo sư kinh tế thuộc Đại học Kinh tế và Chính trị London là Fabian Barthel, Matthias Busse và Eric Neumayer, các hiệp định DTT thực tế đã đưa đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn cho các quốc gia trên thế giới. Điều này có thể lặp lại ở Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang chuẩn bị cùng với Mỹ gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau vòng đàm phán cuối tháng 7 không đạt được nhiều kết quả tích cực, hiện các thành viên tham gia TPP đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới. Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ TPP nhờ xuất phát điểm là một nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng ngày càng mở cửa so với các thành viên khác trong hiệp định TPP.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm gần đây

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2035, so với trường hợp cơ sở, TPP có thể giúp GDP thực của Việt Nam tăng thêm 8%, giá trị xuất khẩu thực tăng thêm 17% và tăng vốn cổ phần của đất nước lên thêm 12%.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 29,4 tỉ USD năm ngoái, tăng mạnh 19,6% so với năm trước. Trong số các nước ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ vị trí thứ 6 năm 2000 đã vươn lên dẫn đầu vào năm 2014. Gần đây, những tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ như Intel, Microsoft đã đầu tư vào Việt Nam.

Sơn Nguyễn

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/thoa-thuan-tranh-danh-thue-hai-lan-voi-my-duoc-gi-va-mat-gi-3284066/