Thiết bị chống ngủ gật công nghệ... thùng rỗng kêu to

Các thiết bị chống ngủ gật driver alarm, driver alert, wake up...có nhiều điểm bất lợi mà người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi lựa chọn sản phẩm.

Khi thường xuyên làm việc căng thẳng, thi cử, lái xe đường dài...chỉ cần bỏ ra từ 50 - 200 nghìn lại có thể lấy lại được sự tỉnh táo, vì thế nhiều người tìm mua dụng cụ chống buồn ngủ mà không tìm hiểu kỹ những bất tiện mà sản phẩm này mang lại.

Thiết bị ở bên trong có lắp cảm biến vị trí điện tử, chuông báo, dùng 3 pinLR14 (1.5V) tạo điện năng kích hoạt chuông và cảm biến, giúp dụng cụ hoạt động.

Người dùngđeo thiết bị ngoài vành tai, khi đầu ngả về phía trước (tư thế ngủ gật) khoảng15-30 độ, phần cảm biến điều khiển máy rung lên hoặc phát ra âm thanh báo động đánh thức. Sản phẩm được quảng cáo trở thành trợ thủ giúp luôn “tỉnh như sáo", thậm chí báo được tình trạng sức khỏe của người dùng.

Tuy nhiên chị Huyền Trang (nhân viên kinh doanh) chia sẻ chị rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi mua thiết bị này. "Mình thường buồn ngủ vào đầu giờ chiều, sợ ảnh hưởng công việc nên mua về dùng thử. Cảm nhận là bất tiện kinh khủng, thử tưởng tượng mỗi lần khẽ cúi xuống khoảng 10 độ thôi là chuông đã réo lên ầm ĩ bên tai rồi, chứ không phải chờ đến khi ngủ gật 20 - 30 độ nữa".

Vì được gắn lên tai, nên nếu dùng thường xuyên, phần tiếp xúc giữa tai và thiết bị gây cảm giác khó chịu, việc đứng lên đi lại không thoải mái vì có thể làm rơi dụng cụ do phần móc ngắn, độ bám không hiệu quả.

Hơn nữa tiếng chuông kéo dài, như sóng âm liên tục dẫn tới tình trạng mất tập trung, bị làm phiền xảy ra thay vì giúp tỉnh ngủ.

Cũng than phiền về sản phẩm này, Hoàng Thọ (sinh viên đại học Thăng Long) cho biết: "Đến đợt thi cuối kỳ, mình mua một cái về dùng, ai dè mới được một tuần thì pin yếu, tiếng kêu rè rè, nhiều khi ngủ quên không biết vì cái máy cũng "ngủ gật" cùng luôn, không thấy báo động gì như hồi mới mua".

Hơn nữa, dụng cụ này chỉ đối phó được cơn buồn ngủ cường độ ít, những trường hợp thường xuyên mệt mỏi như lái xe, thức khuya...thì không thể có tác dụng lâu dài. Việc ép tinh thần tỉnh táo miễn cưỡng sẽ gây căng thẳng, áp lực, đầu óc kém minh mẫn.

Dùng thiết bị tạo âm thanh không có lợi cho sức khỏe tâm thần. Thay vì "cố thức" bằng dụng cụ không tiện ích này, người dùng nên vượt qua tình huống buồn ngủ đúng cách như rửa mặt, vận động nhẹ nhàng. Nhất là những người lái xe đường dài, nên dừng lại thư giãn cho đến khi thật tỉnh táo mới tiếp tục lên đường, tránh xảy ra tai nạn do cố thức.

Ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức, hoạt động trí óc căng thẳng, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể ...sẽ giúp tỉnh táo, làm việc hiệu quả thay vì phụ thuộc vào một dụng cụ đầy bất tiện.

Ngọc Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/cong-nghe/thiet-bi-chong-ngu-gat-cong-nghe-thung-rong-keu-to-564642.html