Thị trường bất động sản tại khu vực đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội): Bài 2: Kẻ bán người mua - mỗi bên nhìn một hướng

Bên cạnh sự hỉ hả, lãi ròng tiền trăm, bạc tỷ của người mua bất động sản quanh chuỗi khu đô thị (KĐT) trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài, vẫn còn đó những giọt nước mắt đắng cay của nhiều người mua nhà, bởi họ không đồng tình với những lý do “trời ơi” mà một số chủ đầu tư đưa ra để “cò kè” thêm chút giá. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư cũng “xót ruột” không kém, khi mức giá gốc họ đưa ra cho khách hàng chỉ bằng 10% giá thị trường hiện tại...

Khách hàng kêu thiệt, chủ đầu tư “quanh co” Những ngôi nhà biệt thự, nhà thấp tầng mọc lên san sát tại Dự án làng Việt kiều Châu âu (Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã làm cho cảnh quan của vùng quê này ngày càng thêm văn minh, hiện đại. Chủ đầu tư của công trình này là Cty TSQ Việt Nam. Những ngôi nhà (biệt thự) hoàn thiện được quét lên mình màu vàng trang nhã. Khác hẳn với những ngôi biệt thự nhem nhuốc đang trong quá trình hoàn thiện nằm cách đó không xa. Thấy chúng tôi chụp ảnh, một tốp người đứng ven đường đang xem công nhân xây dựng tiến lại hỏi chuyện. Biết chúng tôi là phóng viên báo chí, một anh xưng tên là V.L thổ lộ: "Cuối tháng 10.2007, chúng tôi và nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với Cty TSQ để mua nhà tại Dự án làng Việt kiều Châu âu. Theo kế hoạch (dự kiến), vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 sẽ bàn giao nhà. Thế nhưng, đến nay, chúng tôi vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao nhà. Nhà báo thấy thế có được không?". Một chị đứng bên cạnh tiếp lời: "Chủ đầu tư cam kết làm mái bê tông cốt thép, tường xây bao quanh... Thế nhưng, như anh chị thấy đấy, họ làm mái bằng khung thép liên kết để lợp ngói. Tường giữa các căn hộ liền kề được xây dựng chung, mà không tách biệt riêng từng nhà. Chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế, vật liệu xây dựng mà không nói gì với chúng tôi cả". Theo phản ánh của những khách hàng này, chủ đầu tư Dự án Làng Việt kiều Châu âu còn sử dụng gạch tự đúc với nguyên liệu là xi măng - cát vào xây dựng công trình; công ty yêu cầu khách hàng ký vào phụ lục "điều chỉnh giá trị ngôi nhà", theo đó giá trị ngôi nhà tăng lên so với giá trị ghi trong hợp đồng trên dưới 30%....?! Mang theo những bức xúc của khách hàng mua nhà nói trên và bụi bẩn tại công trường thi công, chúng tôi thẳng tiến về trụ sở công ty TSQ Việt Nam ở gần đó. Nói về những khiếu nại của khách hàng, một nhân viên - Quản lý khách hàng (Cty TSQ Việt Nam) thẳng thắn nói về lý do thay đổi kết cấu mái nhà các dãy liền kề: "Theo dự kiến ban đầu là mái bê tông cốt thép, nhưng do các dãy nhà liền kề được thiết kế theo từng Block từ 8-10 nhà nếu hệ mái được thiết kế toàn bộ bằng kết cấu bê tông cốt thép thì tải trọng sẽ rất lớn, dẫn đến tốn kém trong quá trình xử lý nền móng. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích của khách hàng và Cty, phía TSQ Việt Nam đã dùng giải pháp thay đổi từ hệ mái bê tông cốt thép nặng nề, tốn kém sang hệ thống mái nhẹ Bluscop (của úc) bằng vật liệu khung thép gia cường và lợp mái, ổn định và giá thành rẻ hơn. Mặt khác, "Cty có sơ suất là chưa thông báo cho khách hàng biết về sự thay đổi này". Ngoài ra, nhân viên này còn cho biết thêm, bắt đầu từ cuối năm 2007 đến nay, giá vật liệu tăng rất nhiều so với thời điểm ký Hợp đồng mua bán, có thời gian một số vật liệu cơ bản tăng từ 150- 300%. Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình, Cty chỉ tiếp tục thi công những dãy nhà đang thi công và tạm thời chưa khởi công xây dựng những dãy mới. Một lý do khác liên quan đến việc chậm tiến độ, theo nhân viên này là do việc sáp nhập tỉnh Hà Tây (cũ) vào Hà Nội. Vì vậy, tháng 8/2008, UBND TP Hà Nội đã có quyết định tạm dừng một số dự án của tỉnh Hà Tây (cũ) để rà soát thủ tục hành chính và đến tháng 9.2009 mới cho một số dự án tiếp tục được triển khai, trong đó có Khu đô thị Mộ Lao mà Dự án làng Việt Kiều Châu âu TSQ là một dự án thứ phát của khu đô thị này. Về việc sử dụng gạch xi măng, nhân viên này giải thích, đây là loại gạch này đã được kiểm định chất lượng tại đơn vị kiểm định của Nhà nước và sẽ được dùng vào một số vị trí thích hợp của ngôi nhà. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ Dự án Làng Việt Kiều Châu âu TSQ là khách hàng bởi khi mua giá đất chỉ từ 7,5 - 9 triệu đồng/m2 (Cty không thay đổi giá này) nhưng hiện tại, giá đất khu vực này lên đến 60- 70 triệu đồng/m2. Hiếm hoi chủ đầu tư nhượng bộ Mới đây, hàng trăm khách hàng mua nhà chung cư CT2 tại khu đô thị do công ty Cổ phần Sông Đà 6 làm chủ đầu tư được một phen tá hỏa khi biết tin phải nộp trên dưới 100 triệu đồng (giá bán căn hộ bằng đơn giá tạm tính trong hợp đồng mua bán các căn hộ tăng thêm 12%). Cụ thể, giá tạm tính theo hợp đồng mua bán nhà ban đầu là 6.280.000 đồng/m2, nay sẽ tăng lên thành 7.033.600 đồng/m2. Chủ đầu tư là Cty Cổ phần Sông Đà 6 (Sông Đà 6) đưa ra lý do: giá vật liệu trên thị trường tăng, mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước tăng từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng và 800.000 đồng... Trong khi đó, chủ đầu tư chưa quyết toán công trình và có thỏa thuận trước với khách hàng. Ngay lập tức, trên dưới 200 khách hàng đang đóng tiền mua nhà tại đây đã có phản ứng dữ dội. Quá trình tiếp xúc với khách hàng, ông Hồ Sỹ Hùng - Chủ tịch HĐQT của Cty Sông Đà 6 thừa nhận có thiếu sót và xin lỗi khách hàng. "Để sửa sai, đến lúc quyết toán (tháng 4.2010), Cty sẽ thu tiền của khách hàng. Còn hiện tại, khách hàng không phải đóng thêm số tiền chênh lệch 12%. Ai đã đóng số tiền này, thì được trả lại" - ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh. Việc chủ đầu tư sửa sai trước khách hàng mua nhà kể trên là hoàn toàn hợp tình hợp lý và đáng hoan nghênh. Bởi suy cho cùng, đây là quan hệ mua bán: "thuận mua, vừa bán". Tuy nhiên, đây là bài học cho những doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, không phải lúc nào và khi nào cũng có thể tự ý tăng giá bán theo ý chí chủ quan của Cty. Việc tăng giá bán nhà phải tuân thủ đúng pháp luật và hài hòa với lợi ích chung của khách hàng. Anh Tuấn _ Minh Lý Đất dịch vụ trên giấy...được rao bán với giá cao Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài không chỉ khiến đất đai xung quanh trục đường này trở nên "sốt", mà cả những khu vực xa hơn một chút như Dương Nội, La Phù cũng được "thơm" lây. Một lần đi tìm kiếm mua đất ở đây, tôi được một trùm buôn bất động sản tên là T ở La Phù chào mời mua đất dịch vụ. T giải thích nhiều người dân ở La Phù bị thu hồi đất nông nghiệp nên được đền bù bằng đất dịch vụ. Người được 20, người được 30, có người được cả gần trăm m2 tùy theo số đất nông nghiệp bị thu hồi. Nhưng khổ nỗi, hiện tại chỉ có mỗi mảnh giấy...chứng nhận được đền bù, còn vị trí cụ thể thì cũng chưa ai được rõ. Theo T thì đó sẽ là đất nằm ven khu đô thị, (sẽ được xây dựng sau này), còn hiện tại chính là khu vực cánh đồng nằm giữa xã Dương Nội và La Phù. Ngó trước thời cơ, T đã vay mượn rất nhiều tiền để thu gom, mua lại đất (mới chỉ có giấy chứng nhận) của những người dân được đền bù. Giữa năm 2009, T chào mời tôi...giá chỉ 5 triệu đồng/m2...nhưng vừa rồi T "hét" phải trên 10 triệu đồng/m2 mới bán. ông Tạ Duy Long, cán bộ địa chính xã La Phù cho biết: đúng là có việc người dân bị thu hồi đất nông nghiệp ở đây được chứng nhận đền bù bằng đất dịch vụ. Nhưng vì hiện thời, mọi thứ mới nằm trên giấy nên xã không thể chứng thực bất kỳ việc mua bán nào mà do người dân tự chuyển nhượng cho nhau. Về mức độ rủi ro trong mua bán thế nào, ông Long cũng không thể trả lời được.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=3355&lang=vn&zone=5&zoneparent=0