Thế giới không 'phẳng', thế giới không 'nhanh'! (Kỳ cuối)

Bối cảnh phức tạp của thế giới trong mấy thập kỷ qua cho thấy, quyền được lựa chọn - một tiêu chí có ý nghĩa nhân văn, đang được diễn giải theo các nội dung khác nhau, và bối cảnh đó có căn nguyên từ khuynh hướng tư tưởng, mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích mà mỗi quốc gia theo đuổi. Hệ quả là sự tồn tại của một thế giới đa trị, mà nổi lên là các xu hướng: hoặc vừa tự chủ, vừa học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa; hoặc vì lợi ích thiển cận mà tìm cách phóng chiếu, áp đặt giá trị riêng của quốc gia này lên quốc gia khác; hoặc tự đánh mất mình… Đó là căn nguyên đẩy thế giới vào những chuyển dịch kinh tế - chính trị - xã hội đa dạng nh

Uber trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu phương tiện vận chuyển nào.

NDĐT - Bối cảnh phức tạp của thế giới trong mấy thập kỷ qua cho thấy, quyền được lựa chọn - một tiêu chí có ý nghĩa nhân văn, đang được diễn giải theo các nội dung khác nhau, và bối cảnh đó có căn nguyên từ khuynh hướng tư tưởng, mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích mà mỗi quốc gia theo đuổi. Hệ quả là sự tồn tại của một thế giới đa trị, mà nổi lên là các xu hướng: hoặc vừa tự chủ, vừa học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa; hoặc vì lợi ích thiển cận mà tìm cách phóng chiếu, áp đặt giá trị riêng của quốc gia này lên quốc gia khác; hoặc tự đánh mất mình… Đó là căn nguyên đẩy thế giới vào những chuyển dịch kinh tế - chính trị - xã hội đa dạng nh

Đó là những câu hỏi cần trả lời, và Chuyên luận của tác giả Nguyễn Hòa đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân Điện tử được xem như một cách tiếp cận về một số vấn đề L. Friedman đã đặt ra, mong được bạn đọc tham khảo, trao đổi ý kiến.

Kỳ cuối

Xét trên bình diện rộng và theo chiều lịch đại, có thể nghi ngờ các dẫn dụ mà Friedman đưa ra để chứng minh cho “thế giới nhanh”. Vì nếu lấy việc rút ngắn thời gian sự kiện và thời gian di chuyển làm tiêu chí định tính thời đại thì trên thế giới, “nhanh” đã có từ rất lâu rồi. Đó là khi động cơ hơi nước ra đời và sự xuất hiện của tàu hỏa hơi nước, tàu thủy hơi nước,… thay cho những đoàn xe ngựa, những con thuyền,… và thời gian di chuyển giảm xuống rất lớn. Đó là khi các phát minh như điện tín, sóng vô tuyến điện,… ra đời tạo ra bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong sự “nhanh”, làm cho các chú ngựa trạm chỉ còn là hình ảnh quá khứ. Hôm nay, có mặt trên chuyến bay vượt hàng vạn cây số qua đại dương, không phải quá cảnh (transit) ở sân bay trung chuyển không còn là điều xa lạ, nên liệu mấy ai còn nhớ một ngày năm 1903, anh em nhà anh em nhà Wright người Mỹ thử nghiệm thành công loại phương tiện người Việt Nam gọi là máy bay, từ đó làm nên bước ngoặt vĩ đại cho sự “nhanh” khi vượt khoảng cách không gian địa lý. Xét từ sự “nhanh” thì máy bay đã hiện thực hóa ước mơ của cha con Daedalus và Icarus trong thần thoại Hy Lạp, hiện thực hóa ước mơ “đằng vân giá vũ” với phép “cân đẩu vân” của nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du ký ở Trung Hoa. Vậy mà bao nhiêu bước ngoặt vĩ đại đó vẫn chưa đẩy tới kết luận về “thế giới nhanh”. Riêng với câu chuyện tốc độ cũng nên lưu ý, để trở thành vệ tinh của trái đất, vật thể được con người phóng lên không gian đã đạt tới tốc độ tối thiểu khoảng 8 km/s (tốc độ vũ trụ cấp I, tương đương 28.800km/h); còn để trở thành vệ tinh của Mặt trời, vật thể do con người phóng lên không gian đạt tốc độ tối thiểu khoảng 11,2 km/s (tốc độ vũ trụ cấp II, tương đương 40.320km/h)… Chẳng lẽ đó không phải là “nhanh”?

Về nguyên tắc, không chỉ lấy một thí dụ Friedman đưa ra để nghi ngờ kết luận của ông về “thế giới nhanh”, song tiếp xúc với một số thí dụ khác của ông cũng khó thấy thuyết phục, như ông nói: “thế giới đang chuyển động nhanh, mọi thứ đều trở nên phức tạp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao… Uber trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu phương tiện vận chuyển nào, Facebook là hãng truyền thông phổ biến nhất nhưng không có bài viết nào, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc là nhà bán lẻ giá trị nhất nhưng không lưu trữ hàng hóa… trong thời đại đang thay đổi nhanh chóng, mỗi quốc gia đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như sự cạnh tranh, biến đổi khí hậu hay sự tác động của toàn cầu hóa” (Tác giả “Thế giới phẳng”: Thế giới hiện đại không còn phẳng - vietnamplus, 18-6-2015). Phải thừa nhận Friedman nhận xét chính xác về tốc độ sự kiện, về tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của thành tựu khoa học, công nghệ với việc tổ chức cuộc sống, các hoạt động giao dịch, cũng như sự ra đời một số hình thức dịch vụ mới dù “ảo” nhưng rất “thực” như taxi Uber hay thương mại điện tử. Với tính đột phá của nó, taxi Uber là dịch vụ được đánh giá là vừa rẻ hơn, hay hơn, tốt hơn, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Song không phải Uber đã là cái gì hoàn hảo, vẫn có vấn đề liên quan không thể không giải quyết, như ý kiến của tác giả S. Finkelstein qua bài Uber taxi là "nhà cách mạng" kinh tế? đã đăng trên BBC ngày 24-6-2015: “Mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Lyft, Airbnb, Couchsurfing, TaskRabbit đang trên con đường cách mạng làm ảnh hưởng tới các ngành đã có chỗ đứng từ lâu theo cách mà trước đây ít người có thể mường tượng ra. Nếu bạn làm nghề taxi hoặc lái xe limousine thì Uber, Lyft là cơn ác mộng ghê gớm nhất”. Với Uber, theo S. Finkelstein thì: “Kết quả là một lượng lớn cá nhân đã thực sự làm việc cho Uber mặc dù thực tế họ không có hợp đồng thuê mướn chính thức. Tiền dịch vụ hoàn toàn do Uber xác định mà không liên quan đến bất kỳ quyền hạn nào của người làm thuê. Có thể gọi họ là nhân viên không biên chế, không được hưởng an sinh xã hội”. Tương tự Uber, các loại hình khác như dịch vụ Airbnb “cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ ở ngắn hạn” qua việc tính phí giao dịch mỗi lần đặt chỗ thành công” với quảng bá: “Bạn có dư phòng và mong muốn cho thuê? Với Airbnb bạn có thể dễ dàng kiếm nhiều gấp ba lần cho thuê dài hạn. Chúng tôi kết nối bạn trực tiếp tới hàng chục triệu khách du lịch trên toàn thế giới”; dịch vụ TaskRabbit “một ứng dựng trên di động để mọi người có thể thuê người khác làm việc hay thực hiện những nhiệm vụ được giao từ giao hàng đến các việc lặt vặt tại công sở” qua việc “liên kết người có việc cần làm xong với người có thể làm việc đó cho họ, thí dụ đi mua hàng, viết bài luận, dọn dẹp nhà để xe”; dịch vụ DogVacay giúp “người nuôi chó sẽ không phải bận tâm với cún yêu của mình nữa, vì nó sẽ được tạm chăm sóc bởi một khách hàng muốn nuôi nó trong khi bạn đi vắng. Dịch vụ này rẻ hơn so với khi bạn phải thuê dịch vụ chăm sóc thú cưng chuyên nghiệp nhưng là nơi hoàn hảo để cho những chú chó của bạn trú ngụ”; dịch vụ RelayRides “giúp mọi người có thể thuê xe hơi từ hàng xóm của họ, theo giờ hoặc theo ngày. Nếu xe được trang bị dịch vụ OnStar, người dùng có thể mở xe tự động qua ứng dụng di động”… Các dịch vụ này huy động, tận dụng nguồn lực dư thừa của xã hội, nhưng có gì bảo đảm qua đó, con người sẽ không lười nhác, ỉ lại hơn, và người nghèo thể hưởng các dịch vụ đó? Sự kiện cuối tháng 6.2015, hai nhà quản lý của dịch vụ taxi Uber bị bắt giữ tại Pháp để tra hỏi về “hoạt động trái phép” xuất phát từ một cuộc biểu tình của tài xế taxi tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã ra lệnh cấm dịch vụ chia sẻ ô tô Uber POP sau một ngày biểu tình của tài xế taxi, chẳng nhẽ không đáng lưu tâm?

Còn thương mại điện tử (như Tổ chức Thương mại thế giới - WTO, đã định nghĩa: “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng, phân phối sản phẩm được mua bán, thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như các thông tin số hóa thông qua mạng internet”) giúp người tiêu dùng không cần di chuyển, chỉ ngồi ở nhà cũng có thể nắm bắt thông tin lựa chọn hàng hóa phù hợp nhu cầu, sở thích, khả năng kinh tế, chọn lựa người bán hàng tin cậy, thanh toán trực tuyến,… Với thương mại điện tử, từ khi đặt hàng đến khi nhận hàng diễn ra trong một quá trình gồm cả “thực” và “ảo”, đó là: thực (mua hàng) - ảo (giao dịch) - ảo (nhận hàng). Trên thực tế, internet không thể tuyệt đối chi phối quá trình này, nên: doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có thể mất uy tín vì người giao hàng; khả năng hàng hóa thất thoát (nhất là với dịch vụ tự phát); sự an toàn của thanh toán điện tử; nạn hàng giả, hàng nhái được giới thiệu, giao dịch; nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, bán hàng đa cấp bị biến tướng thành lừa đảo theo mạng lưới,… Và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba được Friedman ca ngợi cũng có vấn đề của nó, như bản tin Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Alibaba bán hàng giả đăng trên doanhnhansaigon ngày 28-1-2015 cho biết: “Cục Quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại Trung Quốc (SAIC) vừa công bố cáo buộc Alibaba cho phép các thương gia không có giấy phép kinh doanh phân phối hàng hóa. Báo cáo còn cho biết Alibaba đã cho phép các cửa hàng trái phép hợp tác với những thương hiệu lớn để phân phối rượu và túi xách giả ra thị trường. Nhân viên của Alibaba đã nhận hối lộ và gã khổng lồ thương mại điện tử đã không điều chỉnh các thông tin do khách hàng phản hồi lẫn hệ thống tín dụng nội bộ. “Trong thời gian dài, Alibaba đã không chú ý nhiều đến vấn đề pháp lý của các doanh nghiệp hoạt động trên website của mình cũng như có những động thái giải quyết hậu quả vấn đề này”, báo cáo cũng cho biết “Hệ quả là Alibaba không chỉ đối diện với cuộc khủng hoảng tín nhiệm lớn nhất từ ngày thành lập, mà còn làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh thương mại trực tuyến một cách hợp pháp”…”. Bài Cảnh giác với cú lừa hàng hiệu xuyên biên giới trên VietNamNet ngày 25.9.2014 còn cho biết: “Một số trang web ở Mỹ, Pháp rao bán các sản phẩm hàng hiệu nhưng thực ra là đồ fake lấy trực tiếp từ kho ở Quảng Châu. Những chiếc váy Herver Leger mới giảm giá 70% hay giày Giuseppe Zanotti giá bằng 1/10 giá gốc… trên những trang này là fake nhưng vẫn thu hút khách hàng… Tại Mỹ, chỉ trong 2 năm từ 2011 - 2012, gần 300 website đã bị đóng cửa vì bán đồ fake. Thậm chí trang chuyên bán hàng hiệu bluefly nổi tiếng còn từng bị tố cáo trà trộn hàng rởm lẫn hàng xịn để tiêu thụ”.

Như vậy, thuận tiện, hiệu quả đến mức nào thì taxi Uber, thương mại điện tử (với các tập đoàn như Amazon, Alibaba, Ebay,…) cũng chỉ phản ánh trình độ văn minh, tính hiện đại khi trong tổ chức cuộc sống, rất ít phản ánh ý nghĩa văn hóa, quan điểm chính trị - xã hội của con người trong sự sinh tồn, đặc biệt là về quan hệ chính trị giữa các quốc gia. Riêng với việc Friedman cho rằng “Facebook là hãng truyền thông phổ biến nhất nhưng không có bài viết nào” thì nên xem xét lại. Coi Facebook là một hãng truyền thông cũng có nghĩa là đánh đồng mạng xã hội - nơi con người có thể kết nối, giao tiếp với người khác, thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình, bàn luận về một (những) vấn đề họ quan tâm,… với truyền thông - nơi mọi hoạt động cần phải bảo đảm tiêu chí, yêu cầu nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, vai trò cơ quan chủ quản và phải tuân thủ các quy định của luật pháp. Và thiết tưởng cũng nên trích dẫn một đoạn từ entry nhan đề Facebook trở thành con quái vật tung thông tin giả tạo! của tác giả Jon Rappoport nổi tiếng công bố ngày 24-6-2015, trong đó viết: “Facebook, với số lượng khán giả toàn cầu mà nó cầm giữ, đang dẫn đầu cuộc tấn công. Đây là phiên bản Chim mồi mới nhất và có vẻ lành tính. Nhưng dưới bề mặt ấy, nó đã thổi vào cuộc sống mới một nghề rất cũ là: chế tác hiện thực sai lạc cho công chúng. Hơn một tỷ người, hầu hết đang bận tâm với việc đăng tải hình ảnh của mình, phát ngôn thiển cận và nông cạn, đang bị biến thành đối tượng bị thôi miên, bị cuốn vào cái ống hút khổng lồ có quy mô toàn cầu, tiếp nhận các tin tức giả đã được nhào nặn làm ra vẻ quan trọng, chắc chắn và như thật. Tâm trí thụ động sẽ càng thụ động hơn với các thông tin giả tạo ra đời từ một thế giới ảo lại được coi như là thực tế”!

Từ “thế giới phẳng” đến “thế giới nhanh”, Friedman chủ yếu dựa trên thành tựu khoa học, công nghệ và ứng dụng của thành tựu này trong cuộc sống mà nổi lên vai trò của internet cùng người sử dụng interne. Chính ở đây, cần đặt một câu hỏi là các kết luận của ông có liên quan số cư dân trên thế giới không hoặc chưa sử dụng internet, mà số cư dân đó hiện giữ tỷ lệ áp đảo? Theo bài Hơn 3 tỷ người trên thế giới sử dụng dịch vụ internet hằng ngày đăng trên vietnamplus ngày 25-11-2014 thì: “Hiệp hội thông tin điện tử quốc tế công bố báo cáo cho biết hiện trên thế giới có hơn 3 tỷ người hàng ngày sử dụng đều đặn dịch vụ internet, và công nghệ thông tin này đang tiếp tục phát triển rất mạnh tại hầu hết các quốc gia… Giới chuyên gia truyền thông dự đoán đến cuối năm nay (2014), khoảng 44% số hộ gia đình trên toàn thế giới có kết nối internet, tăng 4% so với năm ngoái, 14% so với bốn năm trước đó… Hiệp hội thông tin điện tử quốc tế cũng chỉ ra các hạn chế của quá trình phát triển internet, chẳng hạn hiện có tới 4,3 tỷ người chưa biết gì về phương tiện liên lạc này, đương nhiên chưa một lần “nhấp chuột” để liên lạc với người khác qua internet, hay sử dụng các tiện ích khác của internet. Điều đáng nói là 90% số người “mù internet” này đang sống tại các nước đang phát triển, 2,5 tỷ người trong số đó là công dân 42 quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất thế giới… So với internet, số thuê bao điện thoại di động trên toàn thế giới nhiều hơn hẳn, khoảng 7 tỷ thuê bao, tương đương dân số toàn cầu, nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi người trên thế giới đều đang sử dụng một thuê bao điện thoại di động, bởi không ít khách hàng sử dụng một số thuê bao khác nhau. Về sóng điện thoại di động, tổ chức trên cho biết hiện có 450 triệu người đang sống tại các khu vực nằm ngoài vùng phủ sóng của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, hoặc có sóng song rất chập chờn”. Còn theo bài Bạn có biết, hơn 4 tỷ người trên thế giới vẫn chưa có cơ hội sử dụng internet? đã đăng trên thegioididong: “hiện còn đến 4,2 tỷ người trên tổng số 7,4 tỷ người trên toàn thế giới đang đứng ngoài xu hướng kết nối mạng, không truy cập e-mail, tin nhắn, mạng xã hội, bản đồ số, thậm chí là những con số thống kê về chính họ. Nhìn chung, khoảng 35,3% số người ở các nước đang phát triển sử dụng internet, so với con số 82,2% ở các nước phát triển, theo dữ liệu từ Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Với các quốc gia kém phát triển, chỉ có khoảng 9,5% số người sẽ được tiếp cận internet vào cuối tháng 12-2015”.

Khi mà trên thế giới đang có tới 4,2 tỷ người chưa sử dụng internet có nghĩa là 4,2 tỷ người chưa sử dụng các tiện ích do internet đem lại, cũng tức là họ đã nằm ngoài mối quan tâm, sự khảo sát của Friedman trước khi ông đưa ra kết luận từ “thế giới phẳng” đến “thế giới nhanh”. Như vậy trong “thế giới phẳng, thế giới nhanh” của Friedman chí ít không có sự hiện diện của 4,2 tỷ người, cụ thể hơn, quan niệm của ông đã không khái quát được hơn nửa còn lại của thế giới. Nên tác giả Nguyễn Vạn Phú đã viết một cách có lý trong bài Thế giới phẳng hay không? đăng trên báo Tuổi Trẻ: “Một số nhà phê bình đã đưa ra những nhận xét khá xác đáng khi chê Friedman. Thế mạnh của một nhà báo cũng là điểm yếu của Friedman khi kể lể hết chuyện này đến chuyện khác như một trường thiên phóng sự, còn lập thuyết thì chẳng bao nhiêu. Nếu viết gọn lại, chỉ nói vào điểm chính, Thế giới phẳng ắt chỉ còn vài chục trang (cuốn sách dịch sang tiếng Việt dài hơn 800 trang - Markazine). Ông cũng đã đơn giản hóa mọi việc đến độ cực đoan, vì dựa vào khuôn mẫu định kiến, bỏ qua sự khác biệt văn hóa và tính phức tạp của tôn giáo, nhất là thế giới Hồi giáo. Có lẽ thế giới của Friedman chỉ giới hạn trong các sân golf, nhà hàng năm sao, xe Limousine; nhãn quan của Friedman trùng hợp với giới nhiều tiền và quyền lực mà ông quen phỏng vấn. Tờ San Francisco Chronicle viết: “Xét cho cùng, tác phẩm của Friedman không gì hơn là quảng cáo. Mục tiêu không phải là bán các sản phẩm công nghệ tân kỳ miêu tả hết trang này đến trang khác, mà là bán một lối sống - một nhãn quan thế giới vinh danh tư bản và tiêu dùng như là con đường duy nhất để tiến bộ”…”.

Nếu coi quan niệm “thế giới nhanh” chỉ là sự nối dài quan niệm về “thế giới phẳng”, thì thiển nghĩ những đánh giá về quan niệm “thế giới phẳng” của Friedman vẫn ít nhiều có giá trị. Như khi đánh giá về tác phẩm Thế giới phẳng, trong bài Thế giới phẳng của tác giả Trần Hữu Quang đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-9-2006 viết: “Theo GS J.J. Salomon, tác giả đã quá giản lược hóa sự phân kỳ lịch sử đến mức chỉ còn quan tâm tới thế giới kinh doanh và vai trò của các đại công ty mà quên đi những thực tại vô cùng phức tạp khác của thế giới như đời sống công nghiệp, như vai trò của các quốc gia, của các lực lượng xã hội hay tôn giáo. Salomon cho rằng cái nhìn thiển cận của tác giả Thế giới phẳng đã dẫn ông ta đến chỗ lầm lẫn giữa quá trình toàn cầu hóa với quá trình “Mỹ hóa”…”. Và trong khi nhiều học giả đang sướng run về “thế giới phẳng”, thì một nhà báo lại viết: “Tôi tin rằng bất kỳ ai sau khi gấp lại quyển The World Is Flat... của Thomas L. Friedman cũng thừa nhận rằng thế giới chưa phẳng, trừ những người có quá ít thông tin về hiện tượng toàn cầu hóa đã vội vàng và hớn hở có “niềm tin” khi cho rằng The World Is Flat đáng là một quyển sách gối đầu giường, đặc biệt những người chưa từng đọc một quyển toàn cầu hóa khác của Friedman thú vị hơn nhiều (The Lexus and the Olive Tree...). Trong The World Is Flat, Thomas L. Friedman đã đẩy ông đi quá xa và ép mình quá nhiều để thuyết phục độc giả khi cố chứng minh thế giới đang phẳng... The World Is Flat là một thiên phóng sự xuất sắc về những câu chuyện đang diễn ra trên thế giới nhưng nó không là quyển sách đủ sức thuyết phục khi tác giả khiên cưỡng trong chứng minh “nó phải phẳng” hoặc “rồi sẽ phẳng hơn nữa”, dù chính ông cũng thừa nhận thế giới còn lâu mới phẳng. Viễn kiến về một thế giới trong đó “niềm tin” là “rất quan trọng” để tất cả vui vẻ hòa thuận bắt tay cùng nhau “làm phẳng” thế giới rõ ràng tỏ ra rất mơ hồ đối với một quyển sách nghiên cứu (phi hư cấu, non-fiction) như The World Is Flat. Không chỉ mơ hồ, nó còn phi thực tế” (Mạnh Kim, Thế giới còn lâu mới “phẳng”, Sài Gòn giải phóng, 30.10.2006).

Vốn nhiệt tình ủng hộ lý thuyết tân tự do kinh tế, Friedman không chỉ kêu gọi các nước nghèo hãy tự do hóa kinh tế vì “các thị trường mở và cạnh tranh là phương thức bền vững duy nhất để đưa một quốc gia thoát khỏi nghèo đói”, ông còn có khuynh hướng coi nước Mỹ là kiểu mẫu phát triển duy nhất đúng đắn trên thế giới ngày nay. Theo Salomon, do chỉ tiếp xúc với những chuyên gia thuộc tầng lớp ưu tú ở các nước, Friedman tưởng rằng ở đâu người ta cũng nói cùng một thứ ngôn ngữ, sống, vui chơi và làm việc giống như nhau khi ông ta nhìn thấy những bảng hiệu IBM, Microsoft, HP, Texas Instruments hay cái mũ có nhãn 3M trong sân golf ở Bangalore - một thung lũng Silicon của Ấn Độ. Ông quên chỉ cần bước ra ngoài cái hàng rào của những cái lõm công nghệ cao của các công ty đa quốc gia ấy thì người ta có thể ngay lập tức chứng kiến các thực tại khốn khổ của sự nghèo đói, thất học và phân hóa xã hội của một đất nước đông hàng tỷ người này.

Theo M. Sandel (Đại học Harvard), lối nói về sự hợp tác hàng ngang trong thế giới phẳng thực ra “chỉ là một cái tên hoa mỹ để gọi khả năng thuê mướn nhân công rẻ ở Ấn Độ”. R. Gonzalez, Giáo sư nhân học ở San Jose State University, cho rằng mục tiêu của cuốn sách của Friedman là “quảng cáo” cho một lối sống, đề cao một thế giới quan chỉ biết tôn vinh các công ty đa quốc gia, ca ngợi một xã hội tiêu thụ, coi đó là những con đường duy nhất đi tới sự tiến bộ xã hội… Friedman đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng nhân tố kỹ thuật đóng vai trò quyết định đối với sự chuyển biến của cấu trúc xã hội cũng như của các lĩnh vực văn hóa và chính trị. Quan niệm của Friedman thực chất phản ánh lý thuyết quyết định luận kỹ thuật ngây thơ và ảo tưởng mà nhiều người từng mắc phải mỗi khi xuất hiện một loại kỹ thuật mới, tương tự như khi ra đời đài phát thanh hay truyền hình ở nửa đầu thế kỷ 20. Điển hình là quan niệm của nhà nghiên cứu nổi tiếng về truyền thông, M. McLuhan, từng cho rằng các phương tiện truyền thông điện tử có thể làm cho thế giới hiểu biết nhau hơn, gắn kết, gần gũi nhau giống như trong một “ngôi làng toàn cầu”.

Chính vì rơi vào quan niệm giản lược hóa yếu tố kỹ thuật mà Friedman đã không trả lời được cho vấn nạn mà B. Gates đặt ra, khi Gates nói: “Phải, thế giới đã nhỏ đi, nhưng có phải nhờ thế mà chúng ta nhìn thấu được điều kiện sống của mọi người không? Hay là thế giới vẫn còn rộng lắm, đến nỗi chúng ta vẫn chưa thể thấy hết hoàn cảnh nghèo khổ của người khác” và “tôi lo rằng sẽ chỉ có một nửa thế giới trở nên phẳng, tình trạng đó sẽ không thay đổi”. Lúc này, chúng ta mới thấy Friedman buộc phải thoát ra khỏi phần nào quan điểm quyết định luận kỹ thuật khi nói, một cách rất chung chung và mơ hồ, rằng: “Lối thoát duy nhất giờ đây là sự hợp tác giữa các phần phẳng và không phẳng của thế giới”.

Nhận xét chung về cuốn sách, một bài điểm sách trên tờ The Economist cho rằng Thế giới phẳng của Friedman là một sự “thất bại ảm đạm”, vấn đề không phải là thiếu các chi tiết, mà là có quá ít cái để nói thông qua các chi tiết ấy, và tác giả lúc nào cũng lặp đi lặp lại rằng thế giới này đang nhỏ đi, quá trình này là không thể tránh khỏi, bao nhiêu thứ đang thay đổi, và chúng ta không nên sợ điều này... Còn GS R. Gonzalez thì đánh giá nặng nề hơn khi cho rằng đây là một cuốn sách “thông tin sai lạc về văn hóa, thiếu sót về lịch sử, nghèo nàn về trí tuệ”. Khi so sánh mình với Colombo, người đã khám phá ra châu Mỹ năm 1492 mà cứ tưởng là mình đã khám phá ra Ấn Độ (vì thế mới gọi người da đỏ là “Indians”), Friedman cho rằng mình đã khám phá ra “thế giới phẳng” khi đến Ấn Độ - nhưng có lẽ chính ông cũng một lần nữa lại rơi vào ngộ nhận vì thế giới này thực ra không hề phẳng như ông mong muốn!”.

Đáng tiếc là ở Việt Nam, những bài viết như của Nguyễn Vạn Phú, Trần Hữu Quang, Mạnh Kim hầu như bị chìm lấp giữa một “biển” những lời trầm trồ, xuýt xoa trên báo chí và thiếu vắng tinh thần phản biện. Để rồi “thế giới phẳng” như đã trở thành “đồ trang sức” giúp một số tác giả làm đẹp “sản phẩm trí tuệ”, mà khi tiếp xúc với các sản phẩm ấy, đôi khi không khỏi hồ nghi về khả năng nắm bắt vấn đề của tác giả, và liên tưởng tới sự nối dài tình trạng vội vàng hồ hởi rồi nhanh chóng xẹp xuống như thời nhiều người đã từng hồ hởi chạy theo ca ngợi, vận dụng quan niệm của L. Vandermersch, A. Toffler, S. Hutington,… rồi sớm vắng bóng.

Trong tiến trình phát triển, với khả năng sáng tạo như không có giới hạn của con người, thế giới tiếp tục còn tiếp tục thay đổi, muốn định tính sự thay đổi trong tiến trình liên tục đó, không cách nào khác là phải tiếp cận một cách toàn diện, từ bản chất của sự thay đổi để phát hiện các tính chất, các đặc trưng, các quy luật tất yếu mới có thể đánh giá tương đối chính xác, từ đó dự báo “gần đúng” về tương lai. Nói là “tương đối”, “gần đúng” vì dù có tiếp cận một cách toàn diện và từ bản chất, dù là thiên tài thì trước tính đa dạng và “dường như là vô thường” của sự vận động phát triển, vẫn rất khó có thể đoán định tương lai xã hội, con người một cách chính xác. Nếu chỉ dựa trên các thành tựu phát triển khoa học, công nghệ để định tính thế giới, liệu Friedman có phải liên tục chạy theo sự thay đổi để liên tục khái quát hay không? Cuối cùng, khi tiếp cận quan niệm về “thế giới phẳng, thế giới nhanh” của Friedman không thể bỏ qua điều tác giả Nguyễn Vạn Phú đã viết trên báo Tuổi Trẻ: “Có thể thế giới là phẳng về mặt kinh tế, nhưng nó vẫn còn chưa phẳng về mặt chính trị, văn hóa, tôn giáo và muôn đời sau vẫn thế”!

N.H

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dien-dan/item/27607502-the-gioi-khong-%e2%80%9cphang%e2%80%9d-the-gioi-khong-%e2%80%9cnhanh%e2%80%9d-ky-cuoi.html