Tháo gỡ những hạn chế, khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ

Chiều 10/1, các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2012 đã chia thành 6 tổ thảo luận. Cùng với việc báo cáo các kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục và nêu những kiến nghị cụ thể đến Ban Tổ chức Trung ương.

(ĐCSVN)-

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu tại tổ thảo luận số 6.
Ảnh: HH

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đã cho ý kiến vào những vấn đề sau: Việc ban hành hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng; Việc bố trí biên chế thêm cho cán bộ văn phòng đảng ủy và UBKT đảng ủy xã, phường, thị trấn; một số bất cập trong thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; về phương thức đánh giá cán bộ; chế độ phụ cấp công chức đảng, đoàn thể khi luân chuyển, tăng cường xuống xã; về sinh hoạt đảng ở nước ngoài và sinh hoạt đảng đối với cán bộ lãnh đạo cấp xã và đảng viên ở một số loại hình TCCSĐ đặc thù; về công tác cán bộ; về đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài và về cơ chế phát huy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công việc của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu…

Nhất trí với đánh giá trong báo cáo tổng kết do Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải trình bày, tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2011 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục như: Việc tham mưu cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa sát với tình hình thực tiễn; có nơi việc tổ chức quán triệt Nghị quyết còn hình thức, chiếu lệ, không bảo đảm chất lượng. Công tác tham mưu ban hành quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng còn chậm.

Về công tác chuẩn bị bầu cử, có nơi chưa thực hiện đúng quy trình giới thiệu nhân sự để bầu đại biểu hội đồng nhân dân. Nhiều nơi tỷ lệ đại biểu là nữ, trẻ, đại biểu dân tộc thiểu số đạt thấp, không bảo đảm chỉ tiêu đề ra. Một số địa phương không nắm chắc tình hình nên một số nhân sự do Trung ương, do cấp ủy giới thiệu khi bầu đạt kết quả thấp, không trúng cử.

Về tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ chưa rõ ràng; chưa tinh giản được biên chế, một số nơi tuy giảm số đầu mối đơn vị nhưng lại tăng số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý, tăng đầu mối bên trong đơn vị đó. Việc thẩm định tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, biên chế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn một số khó khăn, vướng mắc…

Việc nghiên cứu, tham mưu đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện trong công tác cán bộ còn chậm, nhất là tham mưu ban hành quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và đổi mới cơ chế, phương pháp, quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Bên cạnh đó, việc phân cấp trong công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Một số địa phương chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chưa tham mưu thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh; chương trình, nội dung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên chưa sát thực tế, hiệu quả thấp. Việc định hướng chuyên ngành cho cán bộ đào tạo tại nước ngoài chưa được quan tâm…

Công tác đánh giá cán bộ còn hình thức, chưa phản ánh đúng cán bộ, chưa thực sự căn cứ hiệu quả công tác và sự đánh giá của quần chúng nhân dân là thước đo chủ yếu. Theo đại biểu Ngô Bé, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, quan trọng nhưng lại có phần yếu nhất. Hiện nay, khâu đánh giá cán bộ có phần còn nặng về cảm tính, cả nể, do đó chưa đánh giá được chính xác trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ. Vấn đề này, theo đại biểu Ngô Bé nên có hội thảo để đề ra giải pháp nhằm định hướng công tác đánh giá cán bộ một cách khoa học, khả thi nhất.

Cũng theo đại biểu Ngô Bé, quy trình đánh giá cán bộ hiện nay rất dài, mất nhiều thời gian và còn nhiều thủ tục rườm rà. Ở một số vùng, miền được coi là “vùng trũng trí thức”, số lượng cán bộ giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ không cao, trong khi mặt bằng cán bộ đòi hỏi cao. Do đó, khi tìm cán bộ đủ tiêu chuẩn đưa đi đào tạo là rất khó. Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu đạt chuẩn về cán bộ ở cấp tỉnh còn đạt 100%, nhưng ở cấp huyện, xã thì yêu cầu này chưa đạt.

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại các tổ. Ảnh HH

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cũng băn khoăn khi địa phương mình không có cán bộ trúng cử các cấp và tỉnh thì băn khoăn vì không có cán bộ trúng vào Trung ương. Nhiều đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nhiều hơn đối với cán bộ cấp xã và cán bộ bán chuyên trách cấp xã bởi họ chính là những người gần dân, sát dân và là cầu nối thiết thực nhất giữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. Tuy nhiên, lương cán bộ xã như hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đến từ Tập đoàn kinh tế, đại biểu Phạm Xuân Cảnh, Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam kiến nghị, trong các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nên có những mục riêng dành cho các Tập đoàn kinh tế. Hiện nay, mô hình các Tập đoàn kinh tế được vận dụng tương đương quận huyện, tuy nhiên, cán bộ làm tại các Tập đoàn kinh tế còn nhiều cơ chế và công việc đặc thù khác nhau so với cán bộ huyện nên rất khó áp dụng.

Đại biểu của Đảng ủy ngoài nước chia sẻ: Đảng ủy ngoài nước có nhiều đặc thù. Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) hoạt động của Đảng ủy Ngoài nước gặp nhiều khó khăn trong phối hợp với các cơ quan liên quan. Đồng chí đề nghị Trung ương sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 38-NQ/TW về tổ chức đảng ngoài nước.

Đại biểu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng Hướng dẫn về chế độ phụ cấp cán bộ làm công tác đảng chưa tính đến số cán bộ diện điều động, luân chuyển, tăng cường, nên số cán bộ này thiệt thòi và đây cũng là một khó khăn trong công tác cán bộ.

Đại diện Thành ủy Hải Phòng chia sẻ thông tin về việc Chương trình 100 đã đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho Thành phố. Song, những chuyên ngành Thành phố cần như kinh tế biển, quản lý đô thị, môi trường… không có. Các đồng chí được cử đi học có chuyên ngành kinh tế chính trị, quản lý kinh tế… lại chưa thực sự cần. Ngoài ra, hiện chưa có tiêu chí đánh giá số cán bộ sau khi đi học nước ngoài về. Thêm vào đó, hiện tượng nhiều gia đình cho con du học ở nước ngoài về chưa có chính sách thu hút vào lĩnh vực công. Đây là một số vấn đề trong lĩnh vực đào tạo cán bộ mà Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu.

Về tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong quy hoạch cán bộ, nhất là ở một số bộ, ngành, theo các đại biểu nên có quy định về tỷ lệ cán bộ nữ sát thực tế hơn. Đơn cử như Bộ Xây dựng chỉ có 20% cán bộ là nữ, rất khó để đảm bảo tiêu chuẩn 30% cán bộ nữ trong quy hoạch. Về chính sách cán bộ, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách thu hút cán bộ làm công tác đảng. Quy định về chế độ, chính sách cho cán bộ chuyên trách công tác đảng ở các đảng bộ khối, các bộ còn chưa rõ ràng, còn thấp. Cần sớm ban hành hướng dẫn về chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, một số đại biểu có ý kiến về các nội dung như biên chế cho khối đảng ở xã, tăng thêm chức danh phó giám đốc sở, phó bí thư huyện, thị để tạo điều kiện cho luân chuyển cán bộ; về những bất hợp lý trong quy định trợ cấp 30% cho cán bộ làm công tác đảng.

Kết thúc buổi thảo luận, các đồng chí chủ trì các tổ đã có những giải đáp thắc mắc của các đại biểu./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=501342&co_id=30077