Thân phận 'ca sĩ' bán kẹo kéo

Mới ngồi ở quán ăn hơn 30 phút, nhóm khách thanh niên đã bị 3 chiếc xe bán kẹo kéo mở nhạc, hát "sống" inh ỏi đến mời chào mua. Không được yên tĩnh để ăn và trò chuyện, khách nổi nóng mời "ca sĩ" đi nơi khác.

20 giờ tối, trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM, hai người trẻ đi chiếc xe Dream sờn màu chở giàn âm thanh gồm đầu đĩa karaoke và hai chiếc loa lớn màu đen, dừng lại trước một quán nhậu có đông thực khách. Người thanh niên dựng xe, điều chỉnh giàn âm thanh cho nhạc xập xình, rồi cầm micro tự giới thiệu và cao giọng hát: "Hãy cho tôi nụ cười người ơi. Hãy cho tôi một giây phút thôi. Để tôi thấy đời đáng sống. Em ơi có hay không...". Vừa hát, anh ta vừa cầm một nắm thanh kẹo trong tay đến từng bàn mời khách mua. Giọng vỡ tông, lạc nhạc của "ca sĩ", cộng với sự chèo kéo mua kẹo khiến nhiều người khách trong quán bực bội. Long, một người khách nói: “Càng ngày tôi càng dị ứng kiểu bán kẹo kéo này. Ban đầu còn hưởng ứng cho vui, nhưng bây giờ ca sĩ kẹo kéo cứ đeo bám hát mời khách mua, thật là phiền”. Anh Thịnh, ngồi bàn bên cạnh góp lời: “Ngày nhỏ tôi cũng chầu chực chờ ông bán kẹo kéo đi qua để mua hoặc đổi hạt điều lấy kẹo kéo. Nhưng hồi đó thấy kẹo ngon lắm, còn bây giờ kẹo được làm sẵn cho vào bọc nilon trông chẳng hấp dẫn gì cả, lại còn ca rất sến”. Đôi "ca sĩ" vẫn tiếp tục công việc vừa hát, vừa cầm kẹo năn nỉ mời chào khách. Song hầu như đến bàn nào, họ cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, xua tay. Những bài hát bị đứt đoạn để dành cho lời mời chào bán kẹo "mua dùm em với, cả tối nay chưa bán được cây nào". Lát sau, một ông khách mặt đỏ phừng phừng, cởi trần để hình xăm con rồng trên lưng, có vẻ đã khá xỉn, quát: “Biến ngay đi, ồn ào quá...”. Đôi bạn trẻ sợ hãi xin lỗi và vội vã bỏ qua quán lân cận. Thế nhưng mới chỉ vừa dừng xe định hát tiếp, họ lại bị nhân viên quán ra yêu cầu không được “phục vụ” và “mời” đi chỗ khác. Nam ca sĩ kẹo kéo Nguyễn Văn Nghi ngậm ngùi tắt nhạc và dắt xe ra ngoài. Nghi nói với VnExpress.net: “Ngày nào cũng bị khách đuổi thế này nên quen rồi, có hôm bọn em còn bị người ta dọa đánh nữa đấy. Nếu không nhịn nhục chắc đã bỏ nghề rồi”. Nghi, 17 tuổi cho biết, em từ Bến Tre lên thành phố để tìm việc và được ông chủ thuê bán kẹo kéo với lương gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Ban ngày Nghi phụ rửa chén tại một quán phở của chủ, tối đến đi bán kẹo từ 18 đến 23 giờ. “Hồi nhỏ em ước mơ làm ca sĩ nhưng nhà nghèo quá nên không dám nghĩ tới nữa. Giờ lên thành phố xin rửa chén ở quán phở, ông chủ thấy em có giọng hát khá nên sắm cho giàn karaoke đi bán kẹo kéo. Mỗi đêm về đến nhà đều mệt mỏi rã rời mà sáng phải dậy sớm nên lúc nào em cũng thèm ngủ”, Nghi nói. Nghi cho biết, trung bình mỗi đêm, em và cô bạn tên Lan mang về cho chủ khoảng 300 nghìn đồng, trừ chi phí làm kẹo, còn lời được hơn 200 nghìn đồng. Lan thân hình mảnh mai, làn da sạm nắng tâm sự: “Em mới làm được 2 tháng nay. Ông chủ bảo em ban đầu đi theo anh Nghi để học nghề. Sau này thành thạo, hai anh em sẽ tách ra mỗi người đi bán một xe riêng”. Lan cho biết thêm, đội bán kẹo kéo do ông chủ thành lập gồm 5 xe. Tối đến, mỗi xe được ấn định làm việc ở một địa bàn khác nhau. Trong số những người bán có cả các sinh viên được thuê làm. "Thường thì bọn em đến xin làm việc tại quán phở của ông chủ một thời gian sẽ được thử giọng để tuyển lên làm 'ca sĩ'. Còn ai không có giọng hát thì đi theo để phụ bán", Lan nói. Khi xe kẹo kéo của Nghi và Lan vừa đi khỏi, lại có những xe khác nối đuôi nhau đến mời kẹo ở những quán ăn, quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ. Có nhiều khách muốn được yên nên chịu bỏ tiền ra mua kẹo trước lời năn nỉ của người bán. Tuy nhiên cũng không ít khách tỏ ra lơ đễnh hoặc bực bội rồi xua đuổi họ bằng những lời lẽ khiếm nhã. Trao đổi với VnExpress.net, Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Ủy viên ban chấp hành Hội Âm nhạc TP HCM, Phó giám đốc Nhà văn hóa thanh niên cho rằng, hát karaoke bán kẹo kéo không phải là một loại hình nghệ thuật mà chỉ là công cụ kiếm sống của một bộ phận dân chúng. “Nhà nước không cấm mà cũng không khuyến khích loại hình kinh doanh này vì xét thấy nghề này cũng không có gì là bất hợp pháp. Thay vì xin tiền hoặc bán kẹo kéo đơn thuần, vài thanh niên đam mê ca hát còn trang bị thêm một giàn âm thanh karaoke để làm phương tiện kiếm sống”, ông Khương nói. Ông cho biết, hiện nay loại hình dịch vụ này chưa có tai tiếng gì. Chỉ có vài xe kẹo kéo mở nhạc quá to gây ồn ào làm phiền lòng thực khách nhưng không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội nên không thể cấm. Nhạc sĩ nói: “Tuy nhiên nếu quá lợi dụng hình thức kinh doanh này sẽ gây ra phản cảm trong đại đa số dân chúng”. Ông Khương nói thêm, việc các nghệ sĩ hát ở đường phố cũng không hiếm gặp, cả nước ngoài cũng có. Tuy nhiên họ chỉ hát vì đam mê nghệ thuật chứ không kèm theo hàng hóa để bán. Một số khán giả thích thì đến cùng hát với họ, trong đó số khác thì ủng hộ tiền hoặc hiện vật trên tinh thần tự nguyện. Ngoan Ngoan

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/doi-song/2010/06/3ba1cbce/