Tàu hỏa, máy bay, ô tô... có từ khi nào?

Thế giới có được sự thịnh vượng và phát triển ngày nay không thể không nhắc tới những đóng góp của lĩnh vực GTVT. Nhưng không phải ai cũng biết các loại hình phương tiện được khởi thủy như thế nào?

Máy bay đầu tiên Flyer I

Giấc mơ chinh phục bầu trời

Nhắc tới lịch sử hàng không hai anh em nhà Wright được nhắc tới như những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho máy bay cất cánh, mở ra một kỷ nguyên mới cho một loại hình vận tải mới với nhiều ưu việt.

Ngày 17/12/1903, tại đồi Kitty Hawk, Bắc Carolina (Mỹ), chiếc máy bay Flyer I nặng 300 kg đưa Wilbur Wright và Orville Wright lên bầu trời. Lần bay đầu tiên, kéo dài 12 giây, với quãng đường 36,5m. Lần bay thứ hai dài 59 giây, với quãng đường 296m. Khi đó, chiếc máy bay chưa thể tự cất cánh mà phải nhờ một thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió. Sau đó, anh em nhà Wright thành lập một hãng máy bay mang tên mình. Nhưng sau đó làm ăn thua lỗ nên đã phải bán công ty.

Ngày 20/5/1927, phi công người Mỹ Charles Lindberg trở thành người đầu tiên trên thế giới bay xuyên Đại Tây Dương, trên hành trình dài 5.632 km từ New York tới Pháp. Khi hạ cánh tại Paris, trong bình nhiên liệu chỉ còn khoảng 1 lít. Lindbergh đã nhận được món tiền thưởng 250.000 francs và trở thành người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng máy bay.

Ngày 1/1/1914, hãng hàng không thương mại đầu tiên chính thức ra đời với chuyến bay từ TP St Petersburg tới Tampa ở bang Florida, Mỹ. Phi công điều khiển chiếc máy bay là Tony Jannus và hành khách duy nhất của ông là Abram C Pheil, cựu thị trưởng St Petersburg.

Hiện, KLM là hãng hàng không lâu đời nhất thế giới vẫn đang hoạt động, ra mắt năm 1920 với chuyến bay đầu tiên từ Amsterdam (Hà Lan) tới London (Anh). Boeing 747, phi cơ chở khách thân rộng, ra đời năm 1970 với khả năng chuyên chở hành khách vượt trội hơn hẳn so với những phi cơ cùng thời. Năm 1971, Southwest Airlines, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên trên thế giới ra đời.

Chiếc tàu thủy đầu tiên

Chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước được phát minh bởi Claude Jouffroy d’ Abbans, người Pháp vào năm 1783 với tên gọi Pyroscaphe và thử nghiệm lần đầu tiên diễn ra cùng năm trên sông Saône.

Hàng ngàn người ùn ùn kéo tới đi thử tàu Pyroscaphe, chuyến đi kéo dài 15 phút đã làm thay đổi ngành chế tạo tàu thủy. Năm 1807, tàu thủy thương mại chạy bằng hơi nước đầu tiên có tên North River hoàn thành hành trình từ TP New York tới TP Albany. Từ đây, các loại tàu thủy dần được cải tiến và thay đổi, đưa vào phục vụ vận tải. Tuy nhiên, ngành này thực sự phát triển vượt bậc kể từ khi container dành cho tàu thủy được phát minh từ những năm 50 của thế kỷ 20.

Chiếc xe hơi đầu tiên Motor Car của kỹ sư Karl Benz năm 1886

“Cỗ xe không ngựa kéo”

Lịch sử ngành phát triển ô tô đánh dấu mốc bằng sáng chế của kỹ sư Karl Benz người Đức. Ông được mọi người vinh danh bởi thiết kế sáng tạo, sử dụng động cơ đốt trong dùng xăng giống với những chiếc xe hiện đại ngày nay. Karl Benz sản xuất chiếc Motor Car ba bánh đầu tiên vào năm 1886, gồm một động cơ đốt trong, hệ thống đánh lửa bằng điện. Với công suất 0,8 mã lực, chiếc xe có thể chạy với vận tốc nhanh nhất là 16 km/h. Ngay lập tức, sản phẩm này đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhiều người mỉa mai sáng chế này và gọi nó là “cỗ xe không ngựa lái”. Trong khi đó, số khác lại ủng hộ sáng chế này của Karl và khẳng định “chiếc xe sẽ là bước đột phá trong tương lai”.

Hai năm sau đó, vợ ông bà Bertha Benz cùng con trai sử dụng chiếc xe cho một chuyến đi dã ngoại. Cuộc hành trình 180 km thành công ngoài mong đợi càng thôi thúc Karl cải tiến chiếc xe khiến dư luận “tự tin” hơn vào sáng chế của ông. Ngay sau đó, ông mở rộng mô hình và cho ra đời nhà máy ô tô lớn nhất thế giới với tên gọi Benz & Co vào năm 1900.

Tuy Đức đưa ôtô vào sản xuất hàng loạt; nhưng Mỹ mới là nơi chứng kiến công nghiệp xe hơi lên ngôi với Henry Ford (1863-1947) - nhân vật tên tuổi nhất của nền công nghiệp ô tô Mỹ. Ông sáng lập Công ty Ford Motor, là người đầu tiên áp dụng sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp trong sản xuất ô tô, phân chia công việc từng phần cho các công nhân, từ đó tạo ra rất nhiều xe hơi giá rẻ chỉ 1.000 USD. Ông trở nên nổi tiếng và giàu có nhanh chóng. Henry Ford trở thành một trong ba người giàu nhất thế giới; ông để lại gần hết tài sản của mình cho Quỹ Ford, nhưng thu xếp để gia đình luôn giữ được quyền quản lý công ty. Các hãng khác lợi dụng xu hướng mà Ford tạo ra để phát triển thị trường. Cuối cùng Mỹ tạo dựng 3 hãng lớn nhất là Ford, GM (General Motor) và Chrysler..

Tại châu Á, chiếc xe đầu tiên của Nhật Bản có tên Takkuri, do Uchiyama Komanosuke, kỹ sư ôtô đầu tiên của nước này sản xuất năm 1907. Tuy nhiên, số lượng ít, giá thành cao khiến xe Nhật không thể cạnh tranh được với xe nhập từ Mỹ. Sau chiến tranh thế giới 2, Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ với các hãng xe hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Nissan, Mazda… được ưa chuộng bởi nhỏ gọn, ít tốn nhiên liệu, giá cả hợp lý và đặc biệt bền, ít trục trặc.

Hiện nay, châu Á vẫn là nơi sản xuất nhiều ôtô trên thế giới, với sự góp mặt của Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Đài Loan, Nhật Bản...

Xe lửa Rocket do George Stephenson phát minh được trưng bày tại bảo tàng ở London

Từ anh thợ mỏ thành nhà phát minh đầu máy xe lửa

Từ một thợ mỏ bình thường, George Stephenson (1781 - 1848) người Anh trở thành kỹ sư đi tiên phong về đường sắt và phát minh ra “Rocket” - đầu máy xe lửa nổi tiếng nhất thế giới.

Tương lai, di chuyển bằng đường sắt sẽ có thay đổi lớn khi mới đây Công ty Công nghệ giao thông Hyperloop (Mỹ) giới thiệu dự án tàu siêu tốc bằng đường ống mang tên Hyperloop. Dự án sẽ được triển khai năm 2025, có tốc độ lên đến 1.200 km/h, di chuyển trong một ống chân không. Khi đó, hành khách đi từ San Francisco đến Los Angeles (610km) chỉ mất 30 phút, với giá 30 USD.

Thừa hưởng từ cha đầu óc và tư chất của một kỹ sư, ông Stephenson dù làm việc ở hầm mỏ nhưng vẫn chăm chỉ đọc, viết, nghiên cứu về kỹ thuật trong thời gian rảnh. Làm việc qua nhiều hầm mỏ khác nhau khắp khu vực Đông Bắc nước Anh và Scotland, ông đã quá quen với các động cơ hơi nước. Từ vốn kiến thức này, năm 1814, Stephenson đưa ra thiết kế đầu máy xe lửa đầu tiên mang tên Blucher để chở than tại Killingworth Colliery gần TP Newcastle. Điều thú vị, chiếc xe lửa này chỉ chạy được với tốc độ 6km/h nhưng có thể kéo tới 30 tấn hàng hóa. Năm 1821, ông Stephenson bắt đầu bước chân vào ngành đường sắt khi được bổ nhiệm làm kỹ sư xây dựng đường sắt Stockton & Darlington. Công ty đường sắt này được mở cửa năm 1825 và trở thành công ty đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới.

Đến những năm 1870, phần lớn các nước châu Âu đều có các tuyến xe lửa chính và con đường hầm xuyên qua rặng núi Alps để nối nước Pháp với hai nước Ý và Thụy Sĩ bằng các tuyến xe lửa hình thành. Năm 1883, tuyến xe lửa chở khách the Orient Express nối Paris (Pháp) với Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đi vào hoạt động.

Nhật Bản là nước đầu tiên xây dựng đường sắt riêng biệt cho tàu cao tốc. Hệ thống tàu cao tốc Shinkansen đầu tiên khánh thành năm 1964, có tốc độ 210 km/h. Hiện tại công ty JR Central đang chuẩn bị khởi công tuyến Chuo Shinkansen nối giữa Tokyo và Nagoya (286km) với công nghệ đệm từ, dự kiến hoàn thành vào năm 2027 nhằm rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố này xuống còn 40 phút.

Bạch Thái Bưởi - “Vua vận tải thủy” đầu tiên

Lật lại lịch sử, doanh nhân đầu tiên đưa vận tải đường thủy Việt Nam nở rộ chính là Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932, quê Yên Phú, Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), được coi là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam thành công trong ngành vận tải thủy. Chiến lược hiệu quả và thành công của ông Bưởi trong ngành này rất nhiều nhưng ở đây chỉ xin nói tới khía cạnh: ông là người đầu tiên khơi gợi tình yêu, niềm tự hào dân tộc trong buôn bán, nói theo cách ngày nay hay dùng là khơi gợi tâm lý “người Việt dùng hàng Việt”. Điển hình, năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã thuê lại tàu của Marty - D’Abbadie - hãng tàu Pháp tại Bắc Kỳ ba chiếc tàu và đổi tên thành: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long. Ông bắt đầu cuộc đột phá cho chạy tàu thủy trên các tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Thời gian này, các chủ tàu người Pháp và người Hoa rất mạnh, đặc biệt, những tuyến đường thủy trên là vùng hoạt động trọng điểm của các chủ tàu người Hoa nên nổ ra cuộc cạnh tranh hết sức quyết liệt. Bên cạnh chiêu mời khách uống trà miễn phí hay giảm giá, ông Bạch Thái Bưởi còn cho người tới các bến tàu, xuống tận tàu để vận động dân chúng rằng: Người Việt cần hỗ trợ công nghiệp Việt làm dấy lên tinh thần tương thân, tương ái và hút được lượng khách rất đông. Sau này, khi hãng vận tải Marty - D’Abbadie của Pháp phá sản, ông Bạch Thái Bưởi nhanh chóng mua lại rất nhiều tàu kể cả những con tàu to, tốt nhất của Marty để phát triển dịch vụ, đưa hãng tàu của ông phát triển tới đỉnh cao. Việc kinh doanh thành công của ông Bạch Thái Bưởi đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Việt Nam trong vận tải đường thủy.

Trang Trần - Hương Giang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tau-hoa-may-bay-o-to-co-tu-khi-nao-d118352.html