Tăng học phí: "Khó" cho sinh viên nghèo?

(HQ Online)- Việc tăng học phí sẽ khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn, vì hiện nay đa phần sinh viên đến từ các vùng nông thôn, kinh tế không khá giả.

Tăng học phí, sinh viên thêm nhiều gánh nặng. Ảnh Nguồn internet.

Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-12-2015), bình quân học phí có thể tăng thêm hơn 10%/năm. Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên được tính theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Cụ thể, khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản tăng từ 1,75 triệu đồng (từ năm học 2015-2016) lên 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên (năm học 2020- 2021). Học phí khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ 2,05 triệu đồng lên 2,4 triêụđồng/tháng/sinh viên; Học phí khối ngành Y dược từ 4,4 triệu đồng lên 5,05 triệu đồng/sinh viên/năm.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo được quy định: Khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản tăng từ 610.000 đồng lên 980.000 đồng; Học phí khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ 720.000 lên 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Với quy định mới này, một sinh viên nếu đỗ đại học ở các khối trường y dược, tính cả tiền học phí cộng thêm chi phí ăn, ở, sinh hoạt thì ít nhất cũng phải bỏ ra từ 40 đến 50 triệu đồng/sinh viên/năm. Đây là khoản tiền được cho là "quá sức" với nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong khoảng thời gian 4-5 năm theo học.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ giáo dục- Đào tạo) cho rằng: Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẽ chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn cho con vào học các ngành "hot" có mức học phí cao. Nhưng cũng sẽ có những gia đình, tuy có mong muốn, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên đành "lực bất tòng tâm". Với quy định này, nếu các trường không có chính sách để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì xu thế đây sẽ trở thành trường của "con nhà giàu" .

Về vấn đề này, theo ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thì: Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh viên, đặc biệt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù, nhà nước có chính sách cho sinh viên vay vốn, nhưng khoản vay đó cũng khó thể giúp các em chi trả việc học. Đồng thời, khi ra trường sinh viên sẽ chịu một khoản nợ khá lớn mà với mức lương cơ bản 3 triệu/tháng các em sẽ khó có thể trả nợ được ngay khiến việc thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Khuyến, các quỹ học bổng của các trường cần đảm bảo cho sinh viên đủ chi trả học phí và tập trung vào những đối tượng sinh viên đặc biệt khó khăn. Có như vậy những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới có đủ khả năng theo học đại học.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Thực tế không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường sẽ tăng. Theo ông Nhĩ, Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính. Cụ thể như: trước đây học phí cũ thế nào, trường được Nhà nước cấp định mức trên đầu sinh viên bao nhiêu đến khi tự chủ, học phí mới gồm những khoản chi gì…Tất cả phải được công khai hóa.

Mặt khác theo ông Nhĩ thì cùng với việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, nhà nước cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn dài hạn không lấy lãi hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học. “Hãy nghĩ đến những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Họ sẽ mất đi cơ hội được học ở giảng đường đại học nếu không có chính sách hỗ trợ”, ông Nhĩ nhấn mạnh.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-hoc-phi-se-tao-ra-khoang-cach-giua-cac-sinh-vien.aspx