Tăng cường công tác quản lý kê khai, kế toán thuế

Thu thuế tại điểm thu Ngân hàng BIDV chi nhánh Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội

Năm 2010, ngành thuế được giao thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 361.000 tỷ đồng, ước thu đạt 400.800 tỷ đồng, vượt 11% so dự toán, tăng 21,4% so với năm trước. Trong đó: Thu từ dầu thô ước vượt 6,8%, tăng 17%; thu trong nước vượt 12%, tăng 22,4%. Thu tiền sử dụng đất vượt 52,2%. Những điểm nổi bật về thu NSNN năm 2010 là: Cơ cấu thu tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng thu trong nước trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng, từ 61% (năm 2009) lên 62,5% (năm 2010); thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (chiếm tỷ trọng 72% tổng thu nội địa), tăng 28,7% so với năm 2009. Tỷ lệ huy động thu NSNN trên GDP đạt 27,3%, trong đó từ thuế, phí đạt 25,1%. Có 15/15 khoản thu, sắc thuế ước đạt và vượt dự toán; 8/15 khoản thu có mức tăng trưởng so năm trước, đặc biệt thu từ khu vực dân doanh đạt mức tăng trưởng cao nhất, tăng 37,5%. Có 62/63 địa phương thu đạt, vượt dự toán và tăng trưởng. Có 17 địa phương thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó 10 địa phương thu hơn 5.000 tỷ đồng; 25 địa phương thu đạt từ hơn 1.000 tỷ đến 3.000 tỷ đồng; 15 địa phương thu đạt từ 500 tỷ đến 1.000 tỷ đồng, chỉ còn sáu địa phương thu đạt mức dưới 500 tỷ đồng. Ngành thuế đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu và chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả Luật Quản lý thuế. Công tác kê khai và kế toán thuế là một nội dung quan trọng trong quản lý thuế, là nguồn dữ liệu đầu vào để xác định, theo dõi và quản lý thu ngân sách thông qua việc quản lý số lượng người nộp thuế, các tờ khai thuế hằng tháng, chứng từ thu, nộp ngân sách... Ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác này như: Sử dụng tờ khai mã vạch hai chiều trong kê khai thuế hằng tháng, kết nối thông tin nộp thuế với kho bạc, kê khai thuế điện tử, kết nối với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để quản lý số lượng người nộp thuế,... Đến nay, hầu hết người nộp thuế đã sử dụng tờ khai mã vạch hai chiều trong kê khai thuế. Trong năm 2010, ngành thuế triển khai thí điểm kê khai thuế qua mạng tại 19 tỉnh, thành phố với gần 6.000 doanh nghiệp và tiếp tục triển khai mở rộng nhiều doanh nghiệp hơn cho giai đoạn sau. Công tác quản lý, cấp mã số thuế, kê khai thuế, theo dõi biến động đối tượng nộp thuế đã được hiện đại hóa bằng công nghệ thông tin, cùng với việc thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý kê khai thuế. Công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và có những chuyển biến tích cực. Số lượng tờ khai phải nộp, đã nộp, nộp đúng hạn tăng lên cả về số lượng và chất lượng, thể hiện ý thức chấp hành kê khai thuế của người nộp thuế nâng lên rõ rệt. Thuế giá trị gia tăng là loại thuế có số lượng tờ khai thuế lớn, việc khai và nộp tờ khai thuế này đúng hạn, ít sai sót bảo đảm khả năng huy động nguồn thu lớn vào NSNN. Công tác hoàn thuế đã thực hiện nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quay vòng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, vượt qua khó khăn của giai đoạn suy giảm kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2006 đến nay đã hoàn thuế cho hơn 90.000 doanh nghiệp (đạt 95% số hồ sơ đề nghị) với số tiền khoảng 138.000 tỷ đồng. Mười tháng đầu năm 2010 hoàn thuế 31.844 tỷ đồng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN. Trong giai đoạn 2006-2010, ngành thuế đã tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, triển khai phương pháp thanh tra theo kỹ thuật quản lý rủi ro, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra, tăng số lượng đơn vị được thanh tra và mở rộng phạm vi chấn chỉnh trong công tác quản lý thuế. Ký kết quy chế phối hợp với cơ quan Công an điều tra nhiều vụ tội phạm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, thu hồi cho NSNN và xử lý hình sự. Tính đến tháng 11-2010, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra 18.141 đơn vị, bằng hơn 95% so cùng kỳ. Tổng số thuế truy thu, tiền phạt là 4.014 tỷ đồng. Năm 2010, quán triệt tinh thần Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ, toàn ngành đã tập trung thanh tra, kiểm tra giá, kiểm soát chi phí, giá thành sản phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thép, viễn thông... góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Chú trọng thanh tra chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản xuất, kinh doanh chè tại Lâm Đồng..., truy thu thuế 133,4 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Quản lý nợ thuế là một lĩnh vực quan trọng trong công tác quản lý thuế hiện đại. Ngành thuế đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, từ việc giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị (từ năm 2008), rà soát, phân loại nợ, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế để có cơ sở xử lý các khoản nợ thuế còn vướng mắc về chính sách, đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế, đến việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế nợ thuế. Việc theo dõi, quản lý số nợ thuế đã được thực hiện bằng ứng dụng tin học, đáng chú ý là năm 2010, đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai trên phạm vi cả nước ứng dụng quản lý nợ cấp chi cục thuế. Nhờ đó, công tác quản lý nợ đọng thuế đã đạt những kết quả tích cực, từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn ngành thu hơn 75% số nợ thuế có khả năng thu, phân loại và có biện pháp xử lý giảm ít nhất 25% số nợ khó thu và nợ chờ xử lý của năm trước chuyển sang. Riêng năm 2010, tính đến ngày 31-10-2010, đã thu 14.450 tỷ đồng nợ thuế, đạt 89,5% chỉ tiêu đề ra. Thực hiện các biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, nhằm hạn chế và loại bỏ những vi phạm pháp luật thuế do sự thiếu hiểu biết, giúp cán bộ thuế thực hiện và hướng dẫn thực hiện đúng chính sách, pháp luật thuế. Trong năm 2010, ngành thuế đã tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và cộng đồng xã hội dưới nhiều hình thức: tuyên truyền, giải thích, giải đáp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, tư vấn trực tiếp, mở trang thông tin điện tử. Đặc biệt, thực hiện cơ chế 'một cửa' trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế khi đến giao dịch tại cơ quan thuế. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời các vấn đề phát sinh, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống. Triển khai thí điểm giai đoạn I đưa nội dung giảng dạy thuế vào các trường học tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, TP Hải Phòng. Hoàn thành các dự án tin học phục vụ công tác hỗ trợ người nộp thuế. Mở nhiều lớp tập huấn cho người nộp thuế khi thành lập doanh nghiệp mới... Năm 2011, ngành thuế tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt mức ít nhất 5% nhiệm vụ thu NSNN năm 2011, đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 451.300 tỷ đồng, trong đó: Thu từ dầu thô là 69.300 tỷ đồng, thu nội địa 382.000 tỷ đồng. Đẩy mạnh tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế. Trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành thuế giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch triển khai các đề án liên quan, tổ chức thực hiện các bước công việc, bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng đã đề ra. Với kết quả đã đạt được của việc thực hiện Đề án 30, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế gắn với việc giám sát thực hiện và duy trì các kết quả đã đạt được, bảo đảm yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế. Thực hiện đồng bộ và kết hợp chặt chẽ việc quản lý tài chính, quản lý cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cấp cơ quan thuế và mỗi cá nhân trong xử lý công việc, tạo bước chuyển biến thật sự về kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành. Triển khai toàn diện các giải pháp về thu NSNN: công tác phân tích, dự báo; rà soát, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng nguồn thu NSNN trên địa bàn. Thực hiện tốt Nghị định số 51/NĐ-CP về hóa đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, đồng thời phòng, chống những vi phạm gây thất thu ngân sách. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị triển khai các luật thuế mới. Tiến hành phân tích, đánh giá thực chất của khoản nợ đọng thuế, có biện pháp đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin quản lý rủi ro, kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Đổi mới và đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/i-s-ng/i-s-ng-tin-chung/t-ng-c-ng-cong-tac-qu-n-l-ke-khai-k-toan-thu-1.279401