Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời

Ông là người được nhiều giới viết thành truyện, báo chí đăng, loan truyền bằng miệng... Trong đó có nhiều cách diễn tả khác nhau làm cho người nghe bị cuốn hút về những câu chuyện tài tình của ông.

Qua cuốn sách Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời, tác giả TS Dương Thanh Biểu - Nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao đã viết về những thăng trầm vinh quang và oan trái của cuộc đời ông. Do nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản 1.000 cuốn, phát hành vào năm 2015.

Năm 1947 - 1949 ai cũng thích nghe chuyện về Đội biệt động Hà Nội do Tạ Đình Đề chỉ huy. Bà con Hà Nội thời đó ai cũng ca ngợi những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt của Tạ Đình Đề và các chiến sĩ Đội biệt động thành. Nhiều người kể rằng, bọn lính Pháp và bọn Việt gian bán nước vô cùng lo sợ Tạ Đình Đề và các chiến sĩ của ông. Họ biết tài xuất quỷ nhập thần không có sức mạnh nào ngăn nổi.

Vào những năm 1950 Tạ Đình Đề hoạt động ở những vùng tiếp giáp giữa khu III và khu IV. Ở các quán nước hay những nơi tụ tập đông người thường kể chuyện về ông. Tạ Đình Đề học trường Võ bị của Tưởng Giới Thạch được chúng giao nhiệm vụ ám sát Bác Hồ nhưng được Bác cảm hóa và trở thành người cận vệ trung thành của Bác. Có lần, Tạ Đình Đề phát hiện và tiêu diệt nữ quái gián điệp của địch được giao nhiệm vụ ám sát Bác Hồ còn biết bao nhiêu chuyện nữa: Ông Đề tóm gọn tên chùm buôn lậu khét tiếng ở Thanh Hóa. Ông Đề thi bắn súng với quan Tàu, chuyện ông ngăn chặn công an viên lộng hành ức hiếp nhân dân...

Chuyện về Tạ Đình Đề thời ấy được lan ra và truyền tụng trong dân gian, cho đến hơn nửa thế kỉ sau. Chuyện về ông vẫn được nhắc trên công luận Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP.HCM... Những câu chuyện về Tạ Đình Đề đã trở thành huyền thoại, được nhân dân truyền tụng thêu dệt, thêm thắt, khát vọng Anh hùng, lòng yêu nước, thương dân những câu chuyện ấy đan xen nhau giữa thực và ảo khiến cho người nghe cảm thấy hấp dẫn vê ông".

Theo thông tin Thanh niên chống phản động với cách diễn tả về hoạt động của ông, có phần hấp dẫn và lôi cuốn người đọc khâm phục và kính nể Người anh hùng tài tình như có một phép lạ hơn người.

"Vào một ngày đẹp trời, hôm ấy Bác Hồ sau khi giải quyết hết công việc, Người rời nơi làm việc về nhà ăn sớm hơn mọi ngày. Các đồng chí cận vệ chuẩn bị bữa trưa cho Bác. Khi mâm cơm đã chuẩn bị xong, trước khi ngồi vào bàn Bác nói với một anh cận vệ: "Cho Bác xin thêm một cái bát và một đôi đũa nữa". Mỗi lần Bác dùng cơm với người này, người khác Bác thường báo cho các cần vụ biết trước để tiện chuẩn bị nên anh cần vụ ngạc nhiên và hỏi lại: - Thưa Bác, hôm nay Bác có khách ạ? Bác gật đầu và nói: - Có, có chứ! Mang bát đũa lên anh cần vụ còn hỏi thêm: - Thưa Bác, khách hôm nay là ai, sao chưa tới nơi? Bác Hồ cười và nói: - Khách đã đến từ lâu rồi mà các chú không biết nên không đón tiếp mời vào đấy thôi! Các cán bộ cần vụ ngơ ngác nhìn Bác, chưa hiểu ý Bác nói gì, nhưng mặc dù đã đem thêm bát đũa lên, mà Bác vẫn chưa bắt đầu ăn, thì rõ ràng là Bác còn đợi ai đó. Mọi người lấy làm lo lắng dòm trước, ngó sau song tuyệt nhiên không thấy ai vậy mà Bác bảo là khách đã đến từ lâu rồi! Hiểu rõ ý nghĩ và tâm trạng của các cần vụ, Bác Hồ quay đầu hướng mắt về phía buồng ngủ, nói lớn tiếng: - Xin mời anh Tạ Đình Đề vào ăn cơm trưa với tôi! Các chiến sĩ cận vệ ngạc nhiên vô cùng. Cái tên mới nghe lần đầu, mà theo hướng nhìn của Hồ Chí Minh thì người ấy đang có mặt ở phía buồng ngủ của Bác, song không phải ở trong phòng, mà là... ở trên mái nhà. Mọi người lo lắng thật sự vì cứ như thái độ, cử chỉ và lời nói của Bác thì quả thật có một tên Tạ Đình Đề nào đó đã lọt vào được bên trong khu vực cần bảo vệ. Bác Hồ nhỏ nhẹ nói với các cần vụ: - Người này tài tình lắm, các chú không đối phó nổi đâu. Nói xong, Người quay đầu và hướng mắt về phía trên mái bếp, nói lớn tiếng: - Tôi mời anh vào ngồi ăn, sao anh lại chuyền sang nóc nhà bếp? Giọng nói của Bác đầy trách móc, nhưng thân mật, vừa kẻ cả vừa tha thứ. Theo phản xạ Cận vệ vừa rút súng ra khỏi bao, vừa chạy đến cầm ống nghe của máy điện thoại định gọi báo động, nhưng Bác đã ra hiệu gác máy, cất súng. Các anh cận vệ vẫn ở trong tư thế sẵn sàng bảo vệ Bác, còn Bác Hồ vẫn bình tĩnh ngồi yên trên ghế, xoay nửa người hướng mắt về phía người khách, nhìn qua mái đúc vách xây dõng dạc nói: - Đấy, anh lại phi thân đến bên trên người khác rồi. Tôi thành thật khen anh giỏi! Anh đã lọt vào được rồi, ngay giữa ban ngày và mãi cho đến phút này vẫn chưa bị lộ... quả là có tài.

Thế rồi như tia chớp, một “Ninh giang“ khỏe mạnh nhanh nhẹn đã bỗng nhảy xoẹt một cái từ trên mái lầu xuống sân, rồi mau lẹ phóng ngay vào phòng khách, xông vào phòng ăn đứng ngay trước mặt Bác. Sau giây phút yên lặng nhìn nhau, Bác Hồ lên tiếng trước: - Chào anh Tạ Đình Đề! Trông anh già dặn hơn trước nhiều, song có phần gầy, đen hơn lúc mới ra trường! Vị khách, trong bộ đồng phục giống như một môn phái võ nghiêng đầu đáp lễ và nói: "Thưa Bác nếu tôi muốn, thì dù Bác có báo động và huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ để truy bắt tôi, nhưng tôi vẫn có thể thoát khỏi nơi đây như thường". Bác Hồ đứng dậy, tiến đến vị khách không mời chìa tay thân thiện nhìn với ánh mắt thiện cảm. Bác chỉ ghế, mời Tạ Đình Đề ngồi xuống, bên bàn ăn.

Tạ Đình Đề vẫn đứng thẳng người, chắp hai tay trước bụng, lễ phép nói: - Thưa Bác, trước hết tôi xin bày tỏ lòng khâm phục của tôi đối với Bác. Thú thật , đứng trước mặt Bác, tôi linh cảm có một sức mạnh vô hình thúc đẩy tôi phải đổi hẳn từ thế thù nghịch sang niềm kính yêu. Vậy tôi quyết định chấm dứt công tác của địch giao cho, và xin đặt mình dưới quyền sử dụng của Bác kể từ hôm nay. Bác Hồ đặt tay lên vai Tạ Đình Đề như một cử chỉ thân thiện. - Tôi hiểu, tôi tin anh, và tôi đồng ý nhận anh.

Tạ Đình Đề rút trong người ra một khẩu súng lục có gắn một ống giảm thanh, tháo những viên đạn có đầu sơn đỏ ra, cùng với một ống nhòm, một bản đồ Dinh Chủ tịch, một số giấy tờ tùy thân được làm giả v.v... trao cho nhân viên cận vệ. Xong đâu đấy Tạ Đình Đề móc từ trong kẽ răng ra một viên thuốc độc dành cho mình trong trường hợp bại lộ đặt lên thành mâm cơm trên bàn ăn.

Từ đó Tạ Đình Đề trở thành cận vệ thân tín của Bác Hồ. Và nhiều lần ông đã chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình. Từ vai của kẻ đi ám sát trở thành người bảo vệ trung thành của Bác".

Phạm Đức Minh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/ta-dinh-de-nhung-goc-khuat-cuoc-doi-171598.html