Sưu tầm xe đạp cổ - thú chơi đắt đỏ

(PL&XH) -Cái sự yêu thích xe đạp cổ nói riêng và xe đạp nói chung đang ngày một lan tỏa không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều nơi trên đất nước…

Đã gọi là “thú chơi” thì thường gắn liền với sự đam mê khó cưỡng. Ở đời có nhiều đam mê nhưng bỏ ra một đống tiền, săn lùng mang về những chiếc xe đạp “cổ lỗ sĩ” sau đó hì hục phục chế, hàng ngày bảo dưỡng thì quả là một sự đam mê khác lạ…Ấy thế nhưng cái sự yêu thích xe đạp cổ nói riêng và xe đạp nói chung đang ngày một lan tỏa không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều nơi trên đất nước…

Đam mê khó cưỡng…

Sáng cuối tuần, nếu có dịp đi qua đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội, bạn sẽ bị cuốn hút bởi những chiếc xe đạp cổ hiệu: Mercier, Aviac, Peugeot,... do Pháp sản xuất được chủ nhân dựng ven hồ. Họ gặp nhau trao đổi về những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống nhưng chủ đề lớn nhất vẫn là tình yêu với xe đạp cổ. Họ là thành viên của CLB xe đạp cổ Hà Nội Xưa và Nay.

Được biết, việc sưu tầm xe đạp cổ ngoài việc chi phí mua xe còn đòi hỏi người chơi kỳ công trong việc “săn lùng” để mua được xe. Tìm được chiếc xe ưng ý nhưng với những chiếc xe có tuổi đời vài chục năm trở lên thì thường không bao giờ được nguyên bản. Lúc đó, người chơi xe lại phải lùng mua từng phụ kiện, đôi lốp, đôi phanh, con ốc vít… “đúng đời” của xe để lắp ráp lại. Nếu mua được một chiếc xe nguyên bản và được mang về từ nước ngoài là một “của hiếm”.

Một buổi sinh hoạt của hội những người yêu xe đạp cổ tại Hà Nội. Ảnh: TL

Trong CLB xe đạp cổ, ông Vũ Thành Công là người nổi tiếng với hơn 100 đầu xe, trong đó có nhiều chiếc được "liệt" vào hàng quý hiếm và khó tìm. Ông cho biết: “Trong bộ sưu tập của tôi có một chiếc xe do hãng Lion của Pháp sản xuất từ năm 1925. Một người bạn thân đã mua giúp tôi từ Pháp mang về, chiếc xe vốn là vật sở hữu của một nữ tu sĩ tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp). Với tôi, chiếc xe này là vô giá nên tôi không bao giờ chuyển nhượng”.

Niềm đam mê xe đạp của ông bắt nguồn từ khi còn trẻ. Khi mới bắt đầu sửa xe, ông thường phải đi tìm phụ tùng xe đạp khắp các con phố. Năm 1972, ông đã bán chiếc xe đạp hiệu Peugeot trong một lần mua nhà tại phố Huế, và… chiếc xe có giá trị bằng nửa căn nhà. Ông ước tính tại Việt Nam hiện nay còn hàng nghìn chiếc xe đạp cổ chờ được tìm kiếm, phục chế và có những chiếc được sản xuất từ những năm 1930.

Ông Trần Như Tô vốn là nhân viên của Bộ Ngoại giao làm việc tại Pháp, tình yêu với xe đạp của ông thật tình cờ khi mua chiếc xe Nicholas Barra với giá 200 Euro trong một lần đi công tác tại Lyon. Ông chia sẻ: “Mới nhìn nó lần đầu mình đã kết ngay, sau đó khi khám phá nguồn gốc con Aviac này mới đâm ra mê. Sự đam mê tăng lên mỗi ngày và tôi trở thành tín đồ của xe đạp cổ từ đó”. Trong những năm trước khi nghỉ hưu, ông thường đi xe đạp đi làm vì quá mê xe đạp cổ.

Chiếc xe Aviac dòng Nicholas Barra được sản xuất từ những năm 1930 của ông là một chiếc xe độc đáo. Khung xe làm từ magiê và hợp kim nhôm lại được chủ nhân chăm sóc chu đáo nên lúc nào chiếc xe cũng sáng bóng. Điều đặc biệt ở chiếc xe này mà bất cứ dân chơi xe đạp cổ nào cũng ao ước chính là chiếc yên sau với biểu tượng 4 chàng lực sĩ. Chỉ nguyên chiếc yên sau này hiện nay đã được trả giá gần 3.000 USD. Ngoài ra, hiện nay ông còn sở hữu một bộ sưu tập xe đạp “khủng”, trong đó có hai chiếc Peugeot đời 1954 dòng Smilar related, chiếc xe đang đi và chiếc Aviac đời 1950 dòng Gnome et Rhuone đều là “hàng hiếm” ở Việt Nam.

Nói về niềm đam mê xe đạp, thành viên của CLB vẫn thường nhắc tới cụ Nguyễn Danh Điền, năm nay cụ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tình yêu với xe đạp thì chắc nhiều người phải “kính nể”. Cụ Điền là tay đua xe kỳ cựu thời Pháp thuộc và đã từng được chính quyền Pháp mời sang Paris để đua xe vào thập niên 40. Cụ đang sử dụng chiếc xe Aviac đời 1960 dòng A Duravia. Cụ yêu xe đạp cổ tới mức, ngoài việc thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng, cụ còn để xe trong phòng điều hòa để chống rỉ cho xe.

Chiếc xe đạp hiệu Peugeot của một người sưu tầm xe đạp cổ tại Hà Nội. Ảnh: T.Dũng

Sự lan tỏa của một thú chơi…

Trước đây, mọi người thường nghĩ sự đam mê với xe đạp cổ chỉ dành cho người già và trên địa bàn Hà Nội nhưng hiện nay thú chơi này đã lan tỏa rộng khắp. Nếu có dịp ghé qua quán cà phê nhỏ trên đường Lê Lợi, TP Quảng Ngãi bạn sẽ bắt gặp hội những người đam mê xe đạp cổ thường gặp nhau vào sáng chủ nhật. Mỗi người một tâm sự nhưng tựu trung lại vẫn là sự “mê mẩn” xe đạp cổ. Ông Nguyễn Văn Thành, trú tại đường Võ Thị Sáu, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi chia sẻ: “Thời Pháp thuộc, tôi làm nghề sửa xe đạp nên có điều kiện tiếp xúc với xe đạp của Pháp đưa sang Việt Nam. Dòng xe này là loại tốt, sườn xe bằng nhôm, có độ bền và chịu lực cao, nên tôi mua một chiếc với giá 20 đồng, chỉ thấp hơn chiếc xe máy lúc đó 5 đồng. Tôi giữ tới bây giờ và không có ý định bán lại cho ai”.

Anh Nguyễn Thiên Vân, là người chuyên đại tu những chiếc xe đạp cổ cho biết: “Nhìn những chiếc xe đạp cổ mình rất thích vì chúng vừa đẹp vừa bền. Xuất phát từ niềm đam mê đó nên nghe tin ở nơi nào có xe đạp cổ là mình tới tìm mua. Mình cùng một số anh em ở đường Võ Thị Sáu đã nhiều lần vào tỉnh An Giang hay Gia Lai để sưu tầm loại xe cổ này. Loại xe này chủ yếu chỉ còn tồn tại ở vùng nông thôn, người dân dùng để chở lúa mùa vụ là chính…”. Hiện nay ở khu phố Võ Thị Sáu đã “quy tụ” được 40 chiếc xe đạp cổ từ khắp mọi miền đất nước.

Hình ảnh chàng lực sĩ trên yên sau của chiếc xe Aviac dòng Nicholas Barra được sản xuất từ những năm 1930. Ảnh: TL

Đến với cửa hàng sửa chữa, khôi phục xe đạp cũ của bác Trần Anh Vũ trong một ngõ nhỏ cạnh hồ Tây, bạn sẽ choáng chợp trước hàng loạt chiếc xe đạp mang những nhãn hiệu tên tuổi như Alcyon, Peugeot, Helium, Mercier. Những chiếc xe ấy đang chờ được bác “trùng tu”, bác chia sẻ: "Lúc đầu tôi sưu tầm, sửa chữa chỉ vì tình yêu với xe đạp cổ, nhưng không ngờ được nhiều người biết đến nên giờ đây cũng là một công việc mang lại lợi nhuận". Hiện nay, anh Trần Kiệm Anh, con trai của bác lại nối tiếp sự đam mê chơi xe đạp cổ nơi ông.

Tình yêu với xe đạp cổ không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, địa giới. Rất bình lặng nhưng “thấm” thật sâu và khó dứt. Hầu hết những người chơi xe đạp cổ đều cảm nhận được sự tăng cường về sức khỏe, bảo vệ môi trường mỗi khi đạp xe trên phố. Ngoài ra, chơi xe đạp cổ còn là một cách lưu giữ ký ức thông qua một đam mê. Giờ đây, một bộ phận giới trẻ cũng tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ, bảo dưỡng những chiếc xe đạp có tuổi đời hơn tuổi mình nhiều lần. Với họ, chơi xe đạp cổ cũng là một cách xả bớt căng thẳng, học cách sống chậm để hiểu sâu hơn mọi việc trong cuộc sống.

Còn gì đẹp và bình yên hơn khi mỗi sáng lại được chứng kiến những vòng quay của xe đạp với tiếng moay ơ “lách tách” giữa phố phường Hà Nội mờ sương.

Ông Nguyễn Kim Thắng – Phó chủ nhiệm CLB xe đạp cổ Hà Nội Xưa và Nay chia sẻ: “Chơi xe đạp cổ làm mình như được sống lại thời bao cấp khi phải nhặt nhạnh từng phụ kiện để lắp ráp nên một chiếc xe hoàn chỉnh. Để lắp được một chiếc xe, trung bình chúng tôi phải mất từ 3 – 6 tháng với giá không dưới hàng chục triệu đồng/chiếc”. Có những chi tiết phụ kiện dễ tìm nhưng có những phụ kiện hoặc những chiếc xe phải nhờ tới cơ duyên mới gặp được.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131117095034350p1001c1049/suu-tam-xe-dap-co-thu-choi-dat-do.htm