Sưu tầm tư liệu mẹ Việt Nam anh hùng

Từ năm 1994 đến năm 2010, qua 16 đợt tặng và truy tặng, cả nước đã có hơn 50.000 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). TPHCM có 2.086 mẹ VNAH và hiện chỉ 183 mẹ còn sống. Dự án sưu tầm tư liệu về các mẹ VNAH TPHCM (do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chủ trì thực hiện, phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM) vừa triển khai, được coi là một công trình tri ân các mẹ VNAH và cung cấp những bài học bổ ích cho thế hệ trẻ.

Trang sử sống của dân tộc Góp sức thầm lặng mà vô cùng to lớn cho cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc là sự hy sinh vô bờ bến của hàng ngàn mẹ VNAH. Khi đất nước cần, những người mẹ giàu lòng nhân hậu, yêu nước thiết tha sẵn sàng hy sinh những gì mình yêu thương nhất. Những người chồng, những đứa con lần lượt ra trận và có những khi đi không trở lại. Khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng các mẹ vẫn kiên trung, vững vàng một khí tiết cách mạng, một lòng với Tổ quốc. Theo thời gian, danh sách các mẹ VNAH qua đời ngày càng nhiều. Hiện nay, TPHCM chỉ còn 183 mẹ VNAH còn sống, các mẹ phần đông đều tuổi cao sức yếu. Đây là thực tế đang diễn ra và làm mất dần những minh chứng sống động về truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam. “Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý mẹ VNAH là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao trời biển của các mẹ, là việc làm thiết thực nhằm tri ân và giáo dục thế hệ trẻ. Các mẹ VNAH giờ đây đã trở thành di sản văn hóa truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Việc bảo lưu và gìn giữ những giá trị truyền thống về các mẹ là việc cần làm, bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, có giá trị về văn hóa, xã hội và đậm tính nhân văn” - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Vũ Kim Anh, người rất tâm huyết và cũng là người khởi xướng dự án này, cho biết. “Năm 2010, lúc chúng tôi khảo sát để làm dự án, TP còn khoảng 200 mẹ VNAH, nhưng thống kê mới nhất hiện chỉ còn 183 mẹ VNAH còn sống thôi. Dự án này lưu giữ những câu chuyện, bài học sống động cho thế hệ trẻ” - bà Nguyễn Thị Hiển Linh, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chia sẻ. Bài học quý Cùng phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và sự hỗ trợ của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sẽ thực hiện sưu tầm các hình ảnh, kỷ vật, tư liệu liên quan đến các mẹ VNAH tại TPHCM. Lâu nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng sưu tầm và lưu giữ trên 100 hiện vật, ghi hình 200 mẹ VNAH nhưng chỉ là thống kê rải rác, chưa tập trung. Nay khi thực hiện dự án này, bảo tàng sẽ đưa tất cả tư liệu lên website của đơn vị để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập cho học sinh, sinh viên. Tất cả thông tin về mẹ VNAH sẽ được thống kê khoa học, nên khi cần, chỉ cần truy cập sẽ tìm được tất cả những tư liệu cần thiết. Dự án Nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về mẹ VNAH TPHCM hiện đang triển khai thực hiện tại huyện Củ Chi - địa phương có số mẹ VNAH còn sống nhiều nhất TPHCM - 66 mẹ. Dự án cũng là tiền đề để bảo tàng đưa vào hệ thống trưng bày mới và đây còn là cơ sở để cơ quan chức năng đề xuất các chế độ chính sách đối với các mẹ VNAH tuổi cao sức yếu có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Những kết quả đầu tiên của dự án này sẽ ra mắt người dân tại trưng bày chuyên đề “Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh” nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12-2011. MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/5/257284/