Sức trẻ phi thường từ lòng tự tôn dân tộc

1. Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam có 10 lời thề danh dự. Riêng với những người lính đảo Trường Sa, họ còn có thêm lời thề thứ 11, lời thề bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam có 10 lời thề danh dự. Riêng với những người lính đảo Trường Sa, họ còn có thêm lời thề thứ 11, lời thề bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tướng Lê Đức Anh trong buổi lễ ngày 7/5/1988 tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Nguyễn Viết Thái)

Sáu giờ sáng ngày 14/3/1988, quân xâm lược đổ bộ lên đảo Gạc Ma, tiến về phía lá cờ Việt Nam đang tung bay. Dựa vào thế đông áp đảo, giặc xông vào định giật cờ Việt Nam. Lập tức thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng kháng cự, lập thành đội hình “vòng tròn bất tử” quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo. Giặc đâm lê và bắn hạ sỹ Lanh bị thương nặng; thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội, bị đối phương bắn và anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Phương đã hô to: "Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc”…

Cùng lúc đó tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ Tổ quốc trên đảo. Khi tàu đồng đội HQ-604 bị trúng đạn và đang chìm dần xuống biển, thuyền trưởng tàu HQ-505 cho tàu nhổ neo, phóng hết tốc lực, ủi lên bãi. Phát hiện tàu ta đang chuẩn bị ủi bãi, hai tàu giặc quay sang tấn công, ngăn cản. Bất chấp hiểm nguy, HQ-505 lao lên, ủi được 2/3 thân tàu lên đảo Cô Lin…

Tại đảo Len Đao, lúc 8h20’ sáng cùng ngày, tàu giặc nã pháo dữ đội vào tàu HQ-605 của Việt Nam. Con tàu bốc cháy, dần dần chìm xuống. Dù tương quan lực lượng chênh lệch, vũ khí hạn chế, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam vẫn chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh, tuân thủ phương châm hết sức kiềm chế, chiến đấu tự vệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Cô Lin, Len Đao và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Trong trận chiến bi hùng này, 64 người con của đất Việt đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển của Tổ quốc.

Ngày 7/5/1988, tại Lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước) ngay trên đảo Trường Sa đã biểu dương Hải quân Việt Nam tích cực, kiên trì thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Vị tướng nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”. Kể từ đó, lời thề này được xem như lời thề thứ 11 với những người lính Trường Sa. Để mỗi khi vang lên, lời thề đó lại đánh thức lòng tự hào, tự trọng và ý chí của mỗi quân nhân, mỗi con dân đất Việt. Không tự hào sao được, khi giữa biển trời, mênh mông nước, ngút ngàn gió, ngước nhìn lên luôn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay, khẳng định chủ quyền không gì thay đổi được.

Lời thề này cũng đã đi vào thơ ca với bài thơ “Lời thề” của tác giả Ánh Hồng: “Vị tướng già đứng giữa Trường Sa/ Giơ tay thề trước tổ tiên đất nước/ Trước những người đã khuất/ Giữ vẹn toàn biển đảo quê hương/ Đáp lại lời ông, át sóng gió đại dương đợt chiến sĩ hô như ngàn đợt sóng: Xin thề! Xin thề! Xin thề…/ Lời thề quyện vào mây/ Bay khắp chân trời/ Cuốn vào núi/ Mắc vào cây/ Cho mỗi sáng thức dậy/ Ta ngẩng cao đầu…”

2. Vào lúc 17h ngày 31/8/2002, đội robot Telematic của Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng ấn tượng tại Cuộc thi Robot châu Á - Thái Bình Dương 2002, vượt qua 19 đội trong khu vực. Đây là lần đầu tiên, tuổi trẻ Việt Nam đạt thành tựu cao nhất trong một cuộc thi kỹ thuật, sau các giải về Toán và Vật lý quốc tế. Đội gồm thầy Huỳnh Văn Kiểm, Trưởng đoàn và 3 thành viên Vũ Ngọc Vinh, Nguyễn Công Văn, Nguyễn Toàn Thắng. Tại cuộc thi này, có một câu chuyện khiến mọi người nhớ mãi để tự hào.

Đội Telematics, phóng viên Nhật Hoa và thầy Huỳnh Văn Kiểm tại Tokyo (Nhật Bản) năm 2002

Chuyện rằng, năm 2002 là lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc thi Robocon quốc tế, nhưng thầy trò trong đội đều rất tự tin vì trước đó đã có kinh nghiệm từ cuộc thi tuyển chọn trong trường, rồi giành chiến thắng tại cuộc thi Robocon Việt Nam. Khi đến quay phim đội Việt Nam chuẩn bị tham dự, đài truyền hình nước ngoài đã xây dựng kịch bản rằng các tuyển thủ Việt Nam sẽ thất thểu ra về trong thảm bại. Biết kịch bản này, các thành viên Việt Nam cảm thấy lòng tự trọng của mình bị xúc phạm, từ đó càng quyết tâm hơn.

Trận chung kết giữa đội tuyển đại diện Việt Nam và Trung Quốc diễn ra đầy kịch tính. Trước đó, hầu hết khán giả đều cho rằng đội Trung Quốc sẽ giành chức vô địch, bởi trước đó họ đã liên tiếp thắng tuyệt đối các đội Mông Cổ và Thái Lan, vượt qua đội tuyển Đại học Kỹ thuật Toyohashi của Nhật Bản để giành quyền vào chung kết. Tuy nhiên, ở phút thi đấu cuối cùng, các chàng trai điều khiển robot của đội Việt Nam đã lật ngược thế trận. Đúng khi tiếng chuông kết thúc vang lên, cũng là lúc quả bóng cuối cùng của Việt Nam được đặt vào ống, mang lại chức vô địch vinh quang cho đoàn Việt Nam. Với chiến thắng này, đội Việt Nam để lại một ấn tượng tốt đối với khán giả theo dõi cuộc thi và người xem truyền hình trực tiếp trên kênh NHK của Nhật Bản.

Phan Hữu Duy Quốc, một du học sinh Việt Nam tại Nhật đã có bài viết sau cuộc thi: “Robocon – khi lòng tự trọng của cả một dân tộc bị thách thức”. Bài viết kể rằng từ khi đoàn Việt Nam sang Nhật, luôn luôn có một nhóm phóng viên với máy móc hiện đại của kênh truyền hình NHK theo quay phim và phỏng vấn. Được biết nhóm này đã theo sát hoạt động thi Robot do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức tại Việt Nam và có ý định làm một đoạn phim về đội Việt Nam. Kịch bản của họ là gì? Họ viết sẵn một kịch bản rằng đội vô địch của Việt Nam sang Nhật thi đấu với sự bỡ ngỡ và rụt rè, thua ngay trong trận đầu tiên và trở về nước. Phóng viên Nhật Hoa của VTV sẽ ủ rũ lên máy bay, nước mắt lưng tròng.

Kịch bản này đã được công khai thẳng với phóng viên Nhật Hoa và chị giận dữ đến bật khóc vì lòng tự trọng bị xúc phạm, “phản pháo”: “Các bạn đừng tưởng rằng người Việt Nam thấp kém. Hãy chờ xem đội Việt Nam thi đấu tại Tokyo”. Các phóng viên nước ngoài đến nhà Vinh, Đội trưởng đội Việt Nam, để quay phim. Nhà của cậu sinh viên cũng là xưởng chế tạo, là nơi học, ngủ của 3 thành viên đã đem về danh dự cho Việt Nam. Dù kìm nén cơn giận vì đã biết kịch bản của họ, Vinh chỉ im lặng, tự nhủ rằng mình sẽ làm cho kịch bản của họ thất bại… Cùng đông đội, Vinh đã chứng minh sự thông minh, sáng tạo của người Việt Nam.

Trải qua thời gian, những tứ thơ trong bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” của nhà thơ Nam Hà vẫn vang vọng đầy tự hào và kiêu hùng trong tâm trí người Việt: “Đất nước của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/ Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt/… Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp hơn hoa hồng cứng hơn sắt thép”. Ẩn sâu trong những vần thơ giản dị đó là một tinh thần Việt, ý chí Việt chưa bao giờ và sẽ không bao giờ bị khuất phục.

Bùi Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/thoi-su/201302/Suc-tre-phi-thuong-tu-long-tu-ton-dan-toc-2075168/