Sự thật về nàng Hàm Hương trong 'Hoàn Châu cách cách'

(ĐVO) Nhiều sử gia khẳng định, Hương phi trong các phim ảnh và tiểu thuyết về Càn Long là nhân vật có thật, nhưng nàng không hề cự tuyệt hoàng đế, đến nỗi phải chết trẻ.

Hương phi đã là hình tượng quen thuộc khi người ta nhắc đến các mối tình của hoàng đế Càn Long, nhất là những ai đã đọc tiểu thuyết “Thanh Cung 13 triều” hoặc xem phim “Hoàn Câu cách cách”. Chuyện truyền kỳ về Hương phi Chuyện kể rằng, năm 1759, Càn Long cử đại quân đi chinh phục bộ tộc Hồi ở Tân Cương, và dặn phó tướng Triệu Huệ rằng: “Trẫm nghe nói thủ lĩnh người Hồi là Đại Hòa Trắc Mộc có một phi tử là Hương phi chẳng những xinh đẹp mà thân thể còn tỏa mùi thơm khác lạ. Ngươi hãy đặc biệt lưu ý, khi khải hoàn phải có nàng về kinh. Sau khi đã chinh phục người Hồi, giết được Đại Hòa Trắc Mộc, Triệu Huệ phải lao tâm khổ tứ mới đưa được nàng Hương phi vạn dặm về kinh mà không sa sút sức khỏe và nhan sắc. Còn Càn Long, nghe nói người ngọc đã về đến nơi thì vội vàng đến thăm, vừa vào cửa đã ngây ngất bởi hương thơm lạ lùng như kỳ hoa dị thảo của nàng. Nhưng dù nhà vua dùng trăm phương ngàn kế để phủ dụ, cầu cạnh, người đẹp vẫn một mực cự tuyệt. Càn Long thậm chí còn xây dựng cả một cung điện theo kiểu người Hồi, kẻ hầu người hạ và mọi thức sinh hoạt đều theo kiểu Hồi để “nịnh” mỹ nhân, nhưng vô ích, nàng cương quyết thủ tiết với chồng dù có phải liều chết. Chuyện đến tai Thái hậu, bà lo lắng cho sự an toàn của hoàng đế khi thấy cô gái người Hồi vẫn nuôi hận thù về cái chết của chồng như vậy. Khuyên bỏ Càn Long dứt tình không được, thái hậu cho rằng, không thể để Hương phi hiện diện trong cung nữa. Nhân một lần nhà vua đi vắng, bà sai người thắt cổ nàng đến chết. Khi trở về, Càn Long đau đớn khi thấy Hương phi đã ra người thiên cổ. Từ đó đến cuối cuộc đời, tuy sủng ái nhiều phi tần khác nhưng ngài vẫn luôn đau đáu trong lòng mối tình hận này. Ở ngoại thành Bắc Kinh hiện nay vẫn còn ngôi mộ được cho là của Hương phi, trên bia khắc một bài từ đau buồn thảm thiết… Và sự thật về người vợ Hồi của Càn Long Vậy trong lịch sử có Hương phi hay không, và nàng là ai? Giáo sư Mạnh Nhâm, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Thanh triều, năm 1937 đã chứng minh rằng đó chính là Dung phi của hoàng đế Càn Long. Dĩ nhiên, nguyên mẫu không giống với hình tượng quá bay bổng, ly kỳ trong truyền thuyết nên nhiều người chưa tin lắm. Đến năm 1979, điều này gần như đã được chứng thực khi người ta khám phá lăng mộ Dung phi. Dung phi không phải là vợ góa của thủ lĩnh người Hồi chống lại triều Thanh như trong truyền thuyết, mà là con gái trong gia đình có công với triều đình trong cuộc bình định Tân Cương. Vì thế, cả nhà được triệu về kinh diện kiến nhà vua. Không biết cảm nhan sắc của nàng hay để ghi công gia tộc nàng, người con gái tộc Hồi 27 tuổi này được nhập cung làm quý nhân. Lúc này, Càn Long đã ở tuổi ngũ tuần. Người vợ Hồi duy nhất này được Càn Long rất trân trọng. Nhà vua cho phép nàng giữ tín ngưỡng và cách ăn mặc của dân tộc mình (đến khi nàng được phong quý phi mới may trang phục kiểu Mãn), ban cho nàng đầu bếp người Hồi cùng các loại quả đặc sản quê hương. của mìnhluôn ưu ái ban cho nàng các loại quả của người Hồi… Đáp lại ân huệ của Càn Long, nàng cũng dâng hoàng đế những điệu múa của người Hồi, tổ chức đoàn xiếc với những trò lạ cho ngài vui, mời ngài ăn những thức ăn lạ của dân tộc mình… khiến nhà vua rất cảm động. Tình cảm ân ái giữa họ rất khăng khít và sâu đậm. Trong các cuộc tuần du Giang Nam của Càn Long, số hậu phi đi theo rất ít, nhưng suốt nhiều năm liền, Dung phi luôn được chọn, dù lúc đó nàng đã ở tuổi xế chiều. Điều đó cho thấy nhà vua sủng ái nàng như thế nào. Dung phi qua đời vì bệnh nặng năm 55 tuổi. Mặc dù một thời gian dài trước đó, những người đồng bào Hồi của nàng đã gây rối loạn ở Tân Cương khiến triều đình nhiều phen đau đầu, nhưng sự trân trọng của Càn Long đối với nàng không giảm. Cái chết của ái phi không còn trẻ vẫn khiến Càn Long đau buồn đến mức bỏ thiết triều suốt ba ngày. Tang lễ được tổ chức rất long trọng, đàn ông từ thân vương trở xuống, đàn bà từ công chúa, phúc tấn trở xuống đều phải có mặt để dự tang lễ. Như vậy, Càn Long quả thật có một – và chỉ một - bà phi người Hồi, và bà phi này quả thật được hoàng đế vô cùng sủng ái. Nhưng bà phi này thân thể có tỏa mùi hương hay không? Và nếu đã có một Dung phi danh chính ngôn thuận được an táng trong lăng sau khi qua đời ở tuổi già thì ngôi mộ Hương phi ngoại thành Bắc Kinh là thật hay chỉ do người sau lập nên cho phù hợp với truyền thuyết? Điều đó thật khó mà chứng minh một cách dứt khoát.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/doisong/Su-that-ve-nang-Ham-Huong-trong-cung-Can-Long/20118/162040.datviet