Sứ mạng đưa con người lên thiên thạch bị lùi lại đến năm 2023 và cũng có thể bị hủy bỏ

Kể từ năm 2010, tổng thống Obama đã khởi động sứ mạng không gian mới với mục tiêu lần đầu tiên đưa con người lên một thiên thạch vào năm 2025. Thế nhưng sau khi mổ xẻ thì NASA đưa ra kết luận rằng sứ mạng này khó khả thi bởi nhiều giới hạn về công nghệ. Rốt cuộc, NASA đã đề xuất một giải pháp thay thế đó là tìm bắt một thiên thạch và đưa con người lên đó. Nghe có vẻ khả thi hơn và NASA tiết lộ ý định triển khai vào đầu hoặc giữa những năm 2020. Tuy nhiên, chuyện chưa dừng lại ở đây!

Con người đã đặt chân lên Mặt Trăng và một ngày nào đó có thể là sao Hỏa - nhưng đó là kế hoạch dài hạn còn về ngắn hạn, Obama mong muốn một địa điểm thực tế hơn và ông đã chọn một thiên thạch. Trong chuyến thăm Trung tâm không gian Kennedy tại Florida, tổng thống Obama nói rằng: "Đến năm 2025, chúng ta kỳ vọng một con tàu không gian mới được thiết kế dành cho những hành trình dài sẽ cho phép chúng ta khởi động những sứ mạng có con người đầu tiên ra ngoài Mặt Trăng tiến vào không gian sâu. Và chúng ta sẽ bắt đầu với việc đưa những phi hành gia lên một thiên thạch lần đầu tiên trong lịch sử."

Tại sao lại là thiên thạch? Đầu tiên là nó "mới" bởi con người chưa từng đặt chân đến. Tiếp theo là với lực hấp dẫn rất yếu, việc hạ cánh lên thiên thạch không đòi hỏi những phương tiện đổ bộ đắt tiền. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng có không ít những vấn đề cần giải quyết. Cho đến hiện tại sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra một thiên thạch phù hợp, tiến đến đủ gần Trái Đất để các phi hành gia có thể tiếp cận trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tàu Orion của NASA chỉ có thể mang theo phi hành đoàn du hành không gian sâu trong khoảng thời gian tối đa 21 ngày.

Sau khi xem xét kỹ vấn đề, các kỹ sư tại NASA kết luận rằng họ chưa có đủ các công cụ cũng như kinh phí để có thể triển khai sứ mạng đưa con người lên thiên thạch dù thời điểm phóng dự kiến là vào năm 2025. Do đó, NASA đã đệ trình một giải pháp mà chúng ta biết đến với tên gọi Asteroid Retrieval Mission (ARM) hay sứ mạng "bắt" thiên thạch.

Theo kế hoạch này, NASA sẽ phóng một tàu vũ trụ robot vào hệ Mặt Trời, tóm lấy một tảng đá có kích thước cỡ bằng một chiếc xe SUV từ bề mặt của một thiên thạch, và đưa tảng đá này đến gần Mặt Trăng. Sau đó, các phi hành gia sẽ có thể khảo sát tảng đá này vào năm 2025. Như vậy về mặt kỹ thuật mà nói thì giải pháp của NASA vẫn đáp ứng được mục tiêu đặt ra của tổng thống Obama. Vậy thời điểm triển khai là khi nào?

Đến nay Barack Obama đã bước sang nhiệm kỳ thứ 2 và NASA vẫn đang âm thầm triển khai kế hoạch này. Hồi tuần qua, giám đốc tài chính của NASA - David Radzanowski đã thảo luận về ngân sách cho sứ mạng tại một cuộc hội thảo với các phóng viên và ông đã tiết lộ rất nhiều thông tin mới. Theo đó, thời điểm phóng tàu vũ trụ để thu thập tảng đá từ thiên thạch đã bị dời lại vào khoảng đầu hoặc giữa những năm 2020 thay vì đúng vào năm 2020 như kế hoạch ban đầu. Radzanowski cho biết theo ý định là vào năm 2023 nhưng có thể sớm hơn.

Chưa biết sớm hơn là bao lâu nhưng như vậy thời điểm triển khai đã bị lùi lại 3 năm. Trong khi đó, quản lý chương trình sứ mạng thiên thạch - Michele Gates lại đưa ra lộ trình chi tiết rằng tàu robot sẽ được phóng vào tháng 12 năm 2020, tiếp cận thiên thạch được chọn vào năm 2022 và thực hiện nhiều thí nghiệm trước khi thu thập một tảng đá cỡ lớn từ thiên thạch này và đưa về quỹ đạo gần Mặt Trăng vào năm 2025. Nếu lộ trình bị lùi lại 3 năm thì các phi hành gia chỉ có thể khảo sát tảng đá lấy từ thiên thạch này sớm nhất là vào năm 2027 hoặc 2028. Khi được hỏi về sự thiếu nhất quán giữa 2 luồng thông tin, Radzanowski cho biết việc đưa người lên thăm thiên thạch vào năm 2025 vẫn có khả năng thực hiện được.

Trong khi sứ mạng ARM còn gây nhiều tranh cãi thì nhiều bên liên quan cũng tỏ ra không mặn mà. Đầu tiên là nghị viện Mỹ đang tỏ ra thờ ơ với sứ mạng này. Tiếp theo là nhiều nhà khoa học nghiên cứu về thiên thạch cho rằng sứ mạng không mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nghiên cứu của họ. Và một vấn đề nữa là không nhiều khả năng đời tổng thống tiếp theo sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mạng được cho là "ngắn hạn" này trong nhiệm kỳ của họ.

Sự thiếu nhất quán về thông tin sứ mạng trong nội bộ NASA và sự thờ ơ của nghị viện cũng như giới khoa học phần nào đó phản ánh mức đầu tư chưa đúng mực của tổng thống Obama. Được biết yêu cầu phân bổ ngân sách của tổng thống Obama để thực hiện sứ mạng ARM theo năm tài chính 2017 chỉ vào khoảng 66,7 triệu USD - thấp hơn đáng kể so với ngân sách yêu cầu cho một sứ mạng khám phá không gian có con người sử dụng tàu Orion và tên lửa đẩy SLS của NASA. Trong khi đó, NASA đang yêu cầu mức ngân sách khoảng 90 triệu USD để bắt đầu phát triển một vùng cư trú dự kiến sẽ được xây dựng gần Mặt Trăng vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ này. Như vậy có thể thấy mức độ ưu tiên giữa 2 sứ mạng.

Công bằng mà nói thì sứ mạng ARM nếu được triển khai sẽ chứng minh một loạt những công nghệ vũ trụ mới, điển hình là hệ thống đẩy dùng điện mặt trời. Hệ thống đẩy này sử dụng năng lượng mặt trời nạp cho các động cơ đẩy của tàu vũ trụ, do đó sẽ dùng ít nhiên liệu đẩy hơn so với các phương tiện không gian truyền thống.

Mặc dù những phương tiện dùng hệ thống đẩy này sẽ di chuyển chậm hơn nhưng lại được xem là giải pháp chuyên chở hàng hóa chủ đạo đáp ứng cho tầm nhìn của NASA hướng đến sao Hỏa với các sứ mạng có con người trong tương lai. Tuy nhiên, công nghệ này có thể được thử nghiệm bằng nhiều cách khác. Một ví dụ, vào năm ngoái Hội đồng cố vấn của NASA đã bỏ phiếu nhất trí tái chuyển đổi mục đích của sứ mạng ARM thành sứ mạng lấy mẫu vật từ mặt trăng Phobos của sao Hỏa.

Thomas Young - thành viên của hội đồng đồng thời là cựu giám đốc trung tâm không gian Goddard đã chia sẻ cảm nhận hiện tại của hội đồng đối với quyết định trên. Ông nói: "Những gì chúng tôi có thể nói là từ bỏ sứ mạng ARM, lấy 1,25 tỉ USD đầu tư vào công nghệ đưa con người lên sao Hỏa. Đây là thực tế khó khăn mà chúng tôi đang nói đến."

Công khai mà nói thì NASA sẽ chưa thể từ bỏ sứ mạng thiên thạch khi tổng thống Obama còn đang đương chức. Tuy nhiên, đến năm nay thì NASA vẫn chưa đệ trình kế hoạch mới này lên nghị viện và chúng ta hãy chờ xem phản ứng của nghị viện sẽ như thế nào khi chuyển từ "bắt" thiên thạch sang nghiên cứu mặt trăng của sao Hỏa?

Theo: ArsTechnica

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/su-mang-dua-con-nguoi-len-thien-thach-bi-lui-lai-den-nam-2023-va-cung-co-the-bi-huy-bo.2550359/