Siêu bão Utor vào Biển Đông, gió giật cấp 14

VOV.VN -Lúc 10h, cơn bão đã chính thức đi vào Biển Đông. Mỗi giờ bão đi khoảng 20 - 25km, hoạt động trên vùng biển phía Bắc Biển Đông.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão Utor đã chính thức đi vào biển Đông. Chiều nay (12/8), Trung tâm chính thức phát tin về bão số 7. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm về diễn biến mới nhất của cơn bão này.

PV: Xin ông cho biết diễn biến mới nhất của cơn bão Utor?

Ông Lê Thanh Hải: Lúc 7h hôm nay, cơn bão Utor còn ở trên đảo Luzon của Philippines. Lúc 10h, cơn bão đã chính thức đi vào Biển Đông. Dự báo, cơn bão này di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trong vòng 24 giờ tới. Mỗi giờ đi khoảng 20 - 25km, hoạt động trên vùng biển phía Bắc của Biển Đông.

Hình ảnh bão Utor chụp từ vệ tinh lúc 14h ngày 12/8 (Ảnh: TTDBKTTV)

Sau 24 đến 48 giờ, bão vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi về phía bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc. Sau đó, bão có khả năng đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu và đi vào đất liền thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của bão, phía Bắc Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, sẽ có gió mạnh cấp 10, cấp 11; gần trung tâm bão cấp 13,14, biển động dữ dội. Bão có vùng gió mạnh rất lớn ở phía Bắc Biển Đông. Từ vĩ tuyến 15 trở lên có gió mạnh và khi vào đến bán đảo Lôi Châu sẽ có gió mạnh. Phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió cấp 6, cấp 7; Đông Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9.

PV: Cơn bão này ảnh hưởng đến nước ta như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải:Hiện chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ cơn bão, vì nó mới đi vào Biển Đông. Ngoài ra, còn một điều quan trọng là áp thấp nhiệt đới ở giữa Biển Đông cũng vẫn đang tồn tại, nhưng trong vòng đêm nay hoặc ngày mai, vùng áp thấp nhiệt đới này sẽ suy yếu và bị cuốn vào cơn bão số 7 nên cũng không đáng lo ngại về áp thấp nhiệt đới.

Bên cạnh đó, hiệu ứng của cơn bão số 7 sẽ gây ra gió tây nam mạnh cấp 6 -7 ở vịnh Thái Lan. Các vùng biển ở phía Nam của nước ta, giữa và nam Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, sẽ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9 và tạo ra sóng biển rất lớn ở khu vực này cao từ 3-4m.

Trong 2 ngày tới, Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ sẽ có khả năng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Còn lại Bắc và Trung Trung Bộ, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển của bão và thông tin kịp thời.

PV: Ông có khuyến cáo gì tới các địa phương, cũng như bà con ngư dân trước diễn biến phức tạp của thời tiết?

Ông Lê Thanh Hải: Việc đầu tiên, chúng ta phải thông báo cho tất cả các tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ ở vùng biển phía Bắc của Biển Đông phải tìm hướng tránh bão, di chuyển về phía Nam hoặc phía biển của quần đảo Hoàng Sa. Sau đó có thể tìm phương án trú tránh hoặc đi xa về phía Nam vĩ tuyến 15 hoặc 16.

Còn lại ở gần bờ, ven biển các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và quần đảo Trường Sa cũng cần chú ý gió tương đối mạnh, cấp 6 – 7, giật lên cấp 8 cấp 9.

Trên đất liền Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ có mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất. Khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ cũng cần theo dõi chặt diễn biến cơn bão.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/sieu-bao-utor-vao-bien-dong-gio-giat-cap-14/275440.vov