Siết đào tạo liên thông: Xoay dần “hình chóp”?

Lao động nước ta hiện đang có hình chóp ngược, thừa "thầy” thiếu "thợ”. Có quá nhiều cử nhân không xin được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong khi các nhà máy xí nghiệp lại rất thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Mới đây, Bộ GD&ĐT có thông tư siết chặt hình thức đào tạo liên thông được xem như một nỗ lực xoay dần "hình chóp” về vị trí của nó.

Thế hệ trẻ học đường

Ảnh: Hồng Hạnh

Siết chặt để đảm bảo chất lượng

Từ 1-1-2013, Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Theo ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Luật được xây dựng trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nên khi thực hiện sẽ có nhiều thay đổi trong hệ thống với mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Những tồn tại, hạn chế lâu nay sẽ phải thay đổi cho phù hợp với luật. Đó chính là lý do mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT, quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học (áp dụng cho đào tạo liên thông chính quy và liên thông vừa làm vừa học, đào tạo liên thông từ xa sẽ có quy định riêng).

Thông tư 55 quy định: Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy của các cơ sở giáo dục ĐH không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm. So với các quy định trước đây, Bộ GD&ĐT siết chặt hơn rất nhiều, từ điều kiện mở ngành đào tạo liên thông cho đến hình thức dự thi liên thông. Theo đó, người dự tuyển liên thông có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 3 năm phải dự thi 3 môn: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 3 năm sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi đã đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm.

Đào tạo nghề hay "tạo nguồn” liên thông?

Theo Bộ GD&ĐT, quy định mới này bám sát các quy định của Luật Giáo dục đại học ở chỗ: Đào tạo liên thông phải đúng mục đích, bản chất nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra. Quy định mới còn giúp cho sự tồn tại và phát triển của tất cả các trường TC, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề. Trong khi thị trường lao động rất thiếu những người thợ lành nghề thì có nhan nhản sinh viên tốt nghiệp ĐH xong không thể xin được việc làm, dẫn đến lãng phí lớn về kinh phí đào tạo cũng như nguồn nhân lực. "Nếu xác định vào học nghề để liên thông lên ĐH thì có cần thiết phải tồn tại đào tạo TC nghề, CĐ nghề?” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Bùi Anh Tuấn đặt vấn đề.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, quy định này mặc dù để nâng cao chất lượng đầu vào, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi người học liên thông. Cụ thể, với những người học các trường TC, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề vừa ra trường muốn học lên phải thi đầu vào như học sinh phổ thông (theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT), nhưng khi đỗ nhà trường sẽ xem xét miễn giảm các học phần đã học theo quy định thực hiện liên thông chứ không phải học lại từ đầu. Về vấn đề học sinh các trường TC, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề sợ sau mấy năm học nghề kiến thức văn hóa đã rơi rụng, mà vẫn phải thi các môn văn hóa như học sinh phổ thông, quan điểm của Bộ GD&ĐT là không thể vì thế mà nhân nhượng để chất lượng đầu vào thấp. Nhiều ý kiến tán đồng khi cho rằng, nếu đã có chí học ĐH thì phải ôn lại toàn bộ kiến thức, có như vậy mới đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH.

Như vậy có thể thấy, Quy định này không "đóng cửa” ĐH đối với học sinh các trường TC, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề, bởi nếu có chí người học vẫn có thể ôn lại kiến thức và thi đỗ vào các trường CĐ và ĐH bình thường. Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT sẽ ngăn chặn tình trạng học kém, hổng kiến thức không thể thi đỗ ĐH, nhưng cứ vào học các trường TC, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề, rồi sau vài năm "đi đường vòng” là nghiễm nhiên có tấm bằng ĐH chính quy trong tay. Nếu ngành giáo dục thực hiện nghiêm Thông tư 55, tin rằng "hình chóp” ngược lao động nước nhà sẽ dần xoay lại đúng.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59780&menu=1434&style=1