Quyền giám sát hình ảnh cá nhân

Vụ “cô gái vườn bưởi” Huỳnh Thị Thu Trang khởi kiện nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển và đòi bồi thường 200 triệu đồng, được thụ lý tại Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, thực sự gây xôn xao dư luận (xem NNVN số 137, 138). Tất cả mọi bình luận, dù nhìn góc độ nào, cũng đều có ích cho nhận thức của xã hội về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

>> Quanh vụ ''Thôn nữ kiện nhiếp ảnh gia'' >> Vụ kiện bản quyền hình ảnh gây xôn xao Trước hết, cần xác định hình ảnh cá nhân được giới hạn như thế nào? Đó là những hình ảnh mang tính chất tư liệu về gia đình, tuổi thơ, công việc mà cá nhân làm chủ sở hữu hoàn toàn, có quyền biếu tặng hoặc có quyền tiêu hủy. Có nghĩa, những hình ảnh ấy đã được cá nhân thuê người chụp, hoặc có sự thỏa thuận rõ ràng về bản quyền với người chụp. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển đã chụp ảnh những hình ảnh liên quan đến vụ kiện khi Huỳnh Thị Thu Trang học phổ thông vào năm 2003, ban đầu để in vào một số ấn phẩm địa phương, sau đó in trên vài tờ báo. Chính nhân vật trong ảnh đã cảm thấy vinh dự vì điều đó, thì tại sao lại có sự mâu thuẫn hôm nay? Nhân vật trong ảnh cho rằng “những trường hợp sử dụng tùy tiện hình ảnh của tôi với mục đích tùy thích sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống cá nhân của tôi, xâm phạm quyền lợi cá nhân của tôi rất nhiều”. Cụ thể, những “mục đích tùy thích” được nguyên đơn liệt kê như sau: “Từ năm 2005 đến nay, nhiều tờ báo sử dụng ảnh của tôi, trong đó có đoạn video clip 9 phút để quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình BBC phát trên 170 quốc gia. Đối với những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân với mục đích kinh doanh nêu trên đều không ai hỏi ý kiến của tôi”. Rõ ràng, ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa quyền giám sát hình ảnh và quyền sở hữu hình ảnh. Có lẽ, khi được mời chụp ảnh, Huỳnh Thị Thu Trang còn quá trẻ nên không có giao kèo hợp lý với nhà nhiếp ảnh. Nếu thời điểm thực hiện bức ảnh, Huỳnh Thị Thu Trang không đòi hỏi quyền lợi gì về kinh tế, nghĩa là bản thân tình nguyện làm đối tượng sáng tác cho nhà nhiếp ảnh, chứ không phải đồng sỡ hữu bức ảnh. Vì vậy, cho dù đến nay, bức ảnh “cô gái vườn bưởi” được xuất hiện trên bao nhiêu phương tiện truyền thông, thì tác quyền hợp pháp duy nhất thuộc về nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển. Trong trường hợp kiện tụng để đòi tác quyền, thì nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển giữ vai trò nguyên đơn, còn bị đơn là những đơn vị đã sử dụng bức ảnh “Cô gái vườn bưởi”. Để có thể suy ngẫm mạch lạc hơn về sự việc, cứ hình dung bức ảnh “Cô gái vườn bưởi” như một sản phẩm được tung ra thị trường. Lẽ thường, giá trị sản phẩm bao gồm hai phần: giá trị sử dụng và giá trị thương hiệu. Giá trị sử dụng của bức ảnh để in minh họa hoặc trang trí cho tờ báo nào đó, hoặc cho sự kiện nào đó. Còn giá trị thương hiệu của bức ảnh chỉ được hiển thị khi người trong ảnh có sức ảnh hưởng đến công chúng. Thành thật một chút để thấy rằng, bức ảnh “Cô gái vườn bưởi” thuyết phục nhờ tài năng của nhà nhiếp ảnh, chứ không phải vì… nhân vật trong ảnh. Ví dụ, nhân vật trong ảnh là siêu sao bóng đá Maradona hoặc siêu sao ca nhạc Madonna thì mọi chuyện sẽ khác. Tất nhiên, những nhân vật lừng danh bao giờ cũng cực kỳ khôn ngoan trước “giá trị thương hiệu” của mình, nên sẽ có hợp đồng giấy trắng mực đen qui định cụ thể từng ly từng tí về tài chính, về biên độ sử dụng, thậm chí về cả những rủi ro ngoài dự liệu! Vụ việc Huỳnh Thị Thu Trang khởi kiện, rất đáng ủng hộ vì bước đầu đã chứng minh được tinh thần sống theo pháp luật của công dân. Tuy nhiên, các chứng cứ của Huỳnh Thị Thu Trang thiếu cơ sở vững chắc. Bởi lẽ, trong trường hợp này, Huỳnh Thị Thu Trang chỉ có quyền giám sát hình ảnh cá nhân, chứ không có quyền sở hữu hình ảnh cá nhân. Điều 31 của Luật Dân sự qui định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, có khoản “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Như vậy, Huỳnh Thị Thu Trang chỉ được phép khởi kiện nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển nếu phát hiện bức ảnh “Cô gái vườn bưởi” được dùng vào mục đích có tổn thương đến nhân vật trong ảnh, như khiến người xem hiểu nhầm đó là người phạm tội hoặc người có hành vi không đứng đắn. Mà điều đó trên thực tế đã không xảy ra. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến sự xem nhẹ về bản quyền của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển khi thực hiện bức ảnh. Giá như, với một tác phẩm nghệ thuật mà bản thân cảm thấy ưng ý, nhà nhiếp ảnh cần phải yêu cầu nhân vật trong ảnh có những cam kết cụ thể hơn về quyền lợi có thể phát sinh. Đây là một bài học thú vị không phải cho riêng ai!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/11/11/11/81162/default.aspx