Quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm, vì sao?

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí Quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng đến nay, mới có hơn 80% số xã hoàn thành quy hoạch chung, phần lớn chưa có quy hoạch chi tiết, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các tiêu chí khác.

Đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa tại xã Liên Mạc (Mê Linh, Hà Nội) tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Đi tìm nguyên nhân của sự chậm trễ này, nhiều địa phương cho biết, hai khó khăn cơ bản, là văn bản chồng chéo; nguồn vốn và nhân lực hạn chế.

Theo Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 800/QĐTTg ngày 4-6-2010 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2010/TT-BXD quy định việc lập đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã NTM. Trên cơ sở đó thí điểm lập quy hoạch cho 27 xã, trong đó có 11 xã do Ban chỉ đạo Trung ương chọn và 16 xã do Bộ Xây dựng chọn, đồng thời tổ chức biên soạn, phát hành hơn 10 nghìn cuốn "Sổ tay hướng dẫn về quy hoạch NTM" cho tất cả các xã trong cả nước.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, những cán bộ làm công tác lập quy hoạch đã phát hiện ra những chồng chéo, thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong các văn bản liên quan giữa Thông tư 09 của Bộ Xây dựng với các Thông tư 19/2009/TT-BTNMT ngày 2-11-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về Quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-2-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã. Vì vậy, để thống nhất lồng ghép các quy hoạch ngành liên quan, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ NN và PTNT, Bộ TNMT ban hành thông tư liên Bộ. Sau một thời gian trao đi, đổi lại, đến ngày 28-10-2011, ba Bộ Xây dựng, NN và PTNT, TNMT mới ra được Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXDBNNPTNT-BTNMT. Chính sự thay đổi của các văn bản pháp quy đã khiến nhiều xã phải điều chỉnh lại đồ án, làm chậm tiến độ lập quy hoạch, và phát sinh thêm không ít tiền bạc và thời gian.

Muốn quy hoạch lại xã để xây dựng phù hợp các tiêu chí của NTM đòi hỏi phải có tiền. Vì vậy khi lập dự trù kinh phí cho xây dựng NTM, hầu hết các xã đều tính toán nhu cầu cần từ 150 đến 200 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Bộ Tài chính trích từ ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình NTM khoảng từ 1.600 đến 1.700 tỷ đồng. Cụ thể năm 2011 là 1.600 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư 500 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp. Hai năm 2012 -2013, mỗi năm 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 700 tỷ đồng. Nguồn vốn này nghe thì to, nhưng khi chia đều cho hơn 9.000 xã trong cả nước thì như muối bỏ biển. Chưa kể khi về đến các địa phương, một lượng vốn không nhỏ được dành ưu tiên cho "xã điểm", "xã sắp về đích", còn lại mới phân bổ về các xã khác... nên chẳng còn là bao. Vì vậy cũng dễ hiểu khi phần kinh phí dành cho công tác lập quy hoạch của xã thường rất khiêm tốn, khoảng từ 100 đến 150 triệu đồng/xã. Thậm chí nhiều xã còn cắt lại một ít cho việc khác, nên chỉ tạm ứng một phần cho các đơn vị tư vấn làm công tác quy hoạch, vô tình đã gây khó cho cả "chủ đầu tư" và "nhà thầu" trong việc tổ chức triển khai thực hiện, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

Nguồn tài chính hạn chế, cộng với số lượng, năng lực của các tổ chức tư vấn đủ điều kiện tham gia lập quy hoạch xây dựng NTM còn ít, trong khi nhu cầu "tư vấn" của các địa phương thì nhiều. Từ đó dẫn đến hiện tượng một đơn vị tư vấn có khi phải thực hiện cùng một lúc quy hoạch cho nhiều xã, nên không tránh khỏi làm qua loa, đại khái cho xong để còn "giải ngân". Có đơn vị tư vấn chủ yếu hoạt động tại các đô thị, nên chưa quan tâm nhiều tới khu vực nông thôn. Nhiều "sản phẩm" chưa thể hiện được mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

"Nhà thầu" tư vấn vừa thiếu, vừa yếu, đã vậy năng lực của "chủ đầu tư" nhiều xã cũng không khá hơn. Theo Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, tại thời điểm triển khai chương trình xây dựng NTM vào năm 2010, trong tổng số hơn 181 nghìn cán bộ cấp xã có 0,1% không biết chữ, 48% chưa qua đào tạo, 80% không biết sử dụng máy tính. Nhiều địa phương, đến nay sau hơn ba năm triển khai Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý xây dựng NTM chưa thay đổi bao nhiêu, hầu hết đều kiêm nhiệm. Nhận thức về xây dựng NTM của cán bộ tham gia ban chỉ đạo xây dựng NTM chưa đầy đủ, nhất là việc huy động nguồn lực, chưa chú trọng đến huy động nội lực, mà chủ yếu trông chờ vào đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ, dẫn đến tình trạng đồ án lập quy hoạch bị kéo dài, chất lượng đồ án chưa cao, chưa bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Bộ Xây dựng Đàm Quang Tuấn, công tác lập quy hoạch chính là tạo cơ sở vững chắc để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vì vậy UBND các cấp cần quan tâm một cách đúng mức hơn nữa đối với công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng NTM, và các chính sách có liên quan, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia.

Về phía các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khó khăn cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 về "Nông nghiệp -Nông dân - Nông thôn".

LINH NGA, QUỐC TRỊ (Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/21644002-quy-hoach-xay-dung-nong-thon-moi-cham-vi-sao.html