Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Cử tri tỉnh Cà Mau kiến nghị: 'Đề nghị Chính phủ cho phép xây dụng hồ dự trữ nước ngọt tại huyện U Minh hiện đang chờ Chính phủ xem xét kết luận. Được biết đang có dự án triển khai dự kiến đưa nước sạch từ sông Hậu về, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, đầu tư cho tỉnh xây dựng nhà máy xử lý nước sạch tại tỉnh, để xử lý nước thô được dẫn từ sông Hậu về, một phần cung cấp sử dụng nước thô cho sản xuất, một phần sẽ xử lý làm sạch để phục vụ cho nhân dân trong sinh hoạt. Cách làm này giảm chi phí đầu tư so với việc xây dựng Nhà máy xử lý nước sạch tại tỉnh Hậu Giang rồi xây dựng đường ống dẫn về tỉnh Cà Mau cung cấp cho dân sử dụng, đồng thời cũng tránh được các rò rỉ lãng phí và rủi ro khác.

Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng trả lời:

Cà Mau là một trong những tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng nhu cầu cấp nước của địa phương. Liên quan đến lĩnh vực cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm: Quy hoạch xậy dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009), Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 (Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 12/11/2010).

Tại các quy hoạch nêu trên đã xác định vị trí, quy mô công suất các nhà máy nước cùng với hệ thống truyền tải nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của vùng tỉnh và vùng liên tỉnh, trong đó có tỉnh Cà Mau.

Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau, đề xuất xây dựng nhà máy nước trên địa bàn mỗi tỉnh và các tuyến ống truyền tải nước thô từ sông Hậu có ưu điểm tạo chủ động cho địa phương về đầu tư phát triển cấp nước và vận hành công trình nhưng có một số hạn chế như sau:

- Lưu lượng nước thô phải bao gồm lượng nước theo công suất xử lý của nhà máy nước và phát sinh thêm lượng nước dùng cho bản thân nhà máy; do vậy, nếu xây dựng nhà máy nước tại các tỉnh thì đường ống truyền tải nước phải có đường kính lớn hơn, dẫn đến tăng chi phí đầu tư xây dựng.

- Hàm lượng cặn của nước thô lớn, gây lắng cặn đường ống, dẫn đến tăng chi phí quản lý vận hành do phải xúc xả, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, các thành phần tạp chất trong nước thô khi tiếp xúc với đường ống sẽ dễ gây ra hiện tượng ăn mòn, làm giảm tuổi thọ ống.

- Nếu dẫn nước thô từ sông Hậu về các tỉnh thì phải xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước dẫn đến chi phí quản lý vận hành lớn hơn khi tập trung đầu tư xây dựng nhà máy nước với quy mô vùng liên tỉnh.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức lập Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo nghiên cứu khả thi “Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL”. Bộ Xây dựng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả về đầu tư, xã hội, môi trường của các giải pháp cấp nước, đồng thời nghiên cứu, xem xét các đề xuất của cử tri tỉnh Cà Mau trong quy hoạch và dự án nêu trên.

Đoan Trang (tổng hợp)

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/quy-hoach-cap-nuoc-vung-kinh-te-trong-diem-dbscl.html