Quan Lạn, Vân Đồn và cái Tết có điện đầu tiên của người dân xã đảo

Một năm sau ngày 'đóng' điện cho đảo nhỏ, tôi về Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), ánh điện le lói nhưng với người dân xã đảo điều đó đã 'như trong mơ'.

Đúng 15h ngày 15/12/2014, công ty Điện lực Quảng Ninh chính thức đóng điện đường dây 22kV dài 24km và 10 trạm biến áp 22/0,4kV đưa điện lưới ra hai xã đảo Quan Lạn và Minh Châu thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Từ đây, cuộc sống người dân đã “bước sang trang mới”, đến nay đã hơn 1 năm.

Ánh điện le lói đến ngột ngạt nhưng với người dân Qyuan lạn, đó đã là một may mắn lớn

5 giờ chiều - giấc ngủ đêm dài hàng thế kỷ

Còn nhớ, những ngày đầu năm 2014, nghe mong manh sẽ có điện của Chính phủ ra đảo, không mấy ai dám mong đó là sự thật, có chăng cũng phải vài năm, thậm chí vài chục năm nữa. Thế nhưng, ngày 16/11/2014 (trước ngày đóng điện gần một tháng), bà Hoàng Thị Hiệp – Phó thôn Thái Hòa, chi hội phó Chi hội Người cao tuổi trong lúc đi vận động người dân hỗ trợ cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội xã đảo, nhìn thấy bóng dáng anh thợ điện đang loay hoay, vắt vẻo trên cột điện cao vút, bà biết giấc mơ đã quá gần. Ngay lập tức, đứng dưới chân cột điện, một bài thơ dài gần 40 câu với hơn 200 chữ ca ngợi anh thợ điện của bà Hiệp ra đời. Không khỏi bỡ ngỡ, anh thợ điện “tụt” xuống và lôi ngay mẩu giấy cùng cây bút để bà ghi lại. Dân làng kéo đến mỗi lúc một đông, vừa nghe thơ bà ngay dưới chân cột điện, vừa để mượn đi photo – bài thơ về anh thợ điện và sự kiện lịch sử đảo Quan Lạn.

Phút chốc, gần như cả xã đảo, ai ai cũng có thơ bà Hoàng Thị Hiệp, thậm chí lãnh đạo huyện Vân Đồn cũng về Quan Lạn xin photo bài thơ và mang về nhà “nhâm nhi” niềm vui của người dân xứ đảo này.

Bà Hoàng Thị Hiệp kể lại chuyện ra đời bài thơ về anh thợ điện

Cả đảo nhỏ cứ hân hoan mong chờ “ngày hội thắp sáng” ấy. Cho đến ngày 15/12/2014, điện được “đóng”, cả làng từ già tới trẻ, từ trai tới gái nườm nượp kéo nhau đi ngắm từng cái bóng điện trên khắp các ngã tư (lúc này mới chỉ đóng điện đường, chưa về đến từng hộ gia đình).

Chưa đủ, nhà nào nhà nấy bảo nhau về trèo lên nóc nhà, ngắm đường dây điện xem “nó kéo dài đến tận đâu, có hết làng không?”. Rồi điện cũng dần kéo về lần lượt từng nhà. Cái Tết năm đó, lần đầu tiên thấy điện Chính phủ, cả xã đảo khó ngủ. Cả làng kéo nhau lên đình chùa, đồn biên phòng, vào ủy ban xã đón giao thừa quanh đống lửa trại – điều chưa từng có đối với một nơi tăm tối, không điện không hoa hàng trăm năm nay. Khắp các ngả đường, người dân dắt díu nhau như đi rước dâu, sôi nổi, náo nhiệt kỳ lạ.

Có điện, Tết đầu tiên, nhà nhà kéo nhau ra biển, xuống rừng sú, đào cây mắm về lắp hoa đào, hoa mai giả, chăng nhiều đèn nhấp nháy đón xuân. Vui quá, nhiều hộ đào tận 4 cây mắm: Một để trong nhà; một bày ngoài vườn; một đem xuống cửa bếp; một đặt lên ban thờ. Cây nào cây nấy sáng chưng ánh đèn quả nhót xanh đỏ, nhảy múa đến vui mắt.

Khi được nghe chị Hoàng Thị Xuân Điểm – Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Quan Lạn nhắc đến “sự tích đêm trường”, tôi không sao nhịn được cười. Theo lời chị kể, hàng trăm năm nay, người dân xã đảo có thói quen đi ngủ lúc 5 giờ chiều, bởi “không ngủ thì biết làm gì với màn trời đen kịt? Thắp đèn chỉ tổ tốn dầu!”.

“Người dân có thói quen đi ngủ sớm hàng trăm năm nay rồi, ấy vậy mà, công tác kế hoạch hóa gia đình của Quan Lạn rất tốt. Phần lớn mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con…”, chị Điểm nói vui khi nghe tôi hỏi đùa về mối liên quan giữa “đi ngủ sớm và nhiều con”.

Thế nhưng, sự thật về giấc ngủ đêm trường đó chỉ đúng với người già, trẻ con và với những người vợ như chị Điểm. Xã đảo này, phần lớn, đàn ông phải đi biển kiếm kế sinh nhai. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

“Trời đất, nhà cửa tối tăm, vắng người đàn ông, không đi ngủ sớm thì biết làm gì?”, chị bùi ngùi nhớ lại.

Tất cả đã đổi thay!

Nhờ ơn Chính phủ, người dân xã đảo Quan Lạn đã nguồn có ánh sáng quý giá, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất

Thế nhưng, từ khi có điện, chị Điểm cũng như nhiều người phụ nữ khác, không còn cớ để đi ngủ sớm khi có quá nhiều chương trình hay trên truyền hình. Trẻ con ê a học bài muộn trong ánh điện dù còn leo lét. Các cụ già chăm chỉ chống gậy tìm đến nhau hàn huyên tâm sự. Nam thanh nữ tú cũng chịu khó dập dìu sánh đôi trên các tuyến đường liên thôn sáng trưng ánh điện…

Tất cả đã đổi thay!

Đổi thay lớn nhất là nhà nhà có nồi cơm điện, có ti vi, tủ lạnh hay ít nhất là có bóng đèn điện thắp sáng; đám cưới không còn phải dùng đến nồi, niêu, xoong, chảo để làm nhạc cụ góp vui; trẻ con không còn dày bì những nốt rôm sảy khi trời nóng bức…

Còn nhớ, ngày điện về, cả làng rủ nhau đi mua nồi cơm, ổ điện, phích cắm, đèn chiếu sáng… ở sân đình. Hàng được chuyển ra đảo từ đất liền, tập kết tại sân đình, chất chồng đống lớn đống bé như họp hội chợ. Trong nháy mắt, sân đình lại trống huơ, trống hoác bởi tâm lý “không mua sớm sợ hết phần”. Sau đợt bán hàng cấp tốc đó, nghe đâu, chủ cửa hàng điện lạnh “tậu” thêm được mấy mảnh đất.

Giờ đây, đến xã đảo xa xôi, một luồng sinh khí mới dường như đang bao phủ nơi này. Nhờ điện, kinh tế của người dân đi lên khi có tủ cấp đông những sản vật địa phương như sá sùng, tôm, mực… để kinh doanh; dịch vụ du lịch đẩy mạnh khi ngày càng nhiều người thành phố muốn mục sở thị vẻ hoang sơ, chân chất của Quan Lạn; nhà hàng, quán sá mọc lên cũng vì những nhu cầu vốn dĩ rất cần thiết…

“Đã khi nào dám mơ, giữa bốn bề là biển, tiếng hát lại được cất lên từ những giàn karaoke đắt tiền. Chưa bao giờ niềm vui lại lớn đến như thế”, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Quan Lạn- Hoàng Thị Xuân Điểm rưng rưng.

Nhìn ra sự đổi thay chóng mặt từ khi có điện, đã có không ít người từng bỏ Quan Lạn ra đi nay lại xách túi quay về. Cũng phải thôi, là người thành phố, đâu thể có một bầu trời trong lành, một vựa tài nguyên hải sản dồi dào như thế. Thành phố đâu thể có những đêm trăng thanh vắng trong ánh đèn điện tuy yếu ớt nhưng bình yên vô tận!

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/quan-lan-van-don-va-cai-tet-co-dien-dau-tien-cua-nguoi-dan-xa-dao-d82247.html