Phước "tám ngón" và vụ vượt ngục Chí Hòa

Vốn là một tên tội phạm hình sự chuyên nghiệp, nổi tiếng về sự liều lĩnh, hung hãn nên trong xà lim tử tù, sống những ngày ngắn ngủi cuối cùng, như con thú cùng đường, Phước "tám ngón" càng trở nên liều lĩnh hơn, hung hãn hơn. Trong suốt gần một năm ròng bị giam tại đây, ý nghĩ vượt ngục luôn luôn nung nấu trong y...

Như ANTG đã phản ánh trong loạt bài viết của nhà báo Nguyễn Như Phong: "Lò bát quái Chí Hòa: Những chuyện sau cửa ngục" Trại giam Chí Hòa (tên thường gọi là Khám Chí Hòa) được thực dân Pháp xây từ năm 1943 theo thiết kế là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch, với 3 tầng lầu. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20m, trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam. Có thể nói với cách kiến trúc như của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì khó mà vượt ngục. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những chiến sĩ Cộng sản bị giam ở đây cũng đã nhiều lần bàn mưu tính kế tìm cách vượt ngục, nhưng đều không thành. Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất là vào năm 1945, của những người tù cộng sản và lần thứ hai, sau đó 50 năm của một tên tử tội hình sự khét tiếng là Phước “tám ngón”. Phước “tám ngón” - Hồ sơ về một ông trùm Tên thật là Nguyễn Hữu Thành nhưng giang hồ thường gọi y với biệt danh là Phước “tám ngón” bởi một bàn tay của y bị cụt mất 2 ngón. Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo ở Dĩ An, Thuận An, tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương), Phước “tám ngón” ngỗ ngược, hung hãn ngay từ khi còn là một cậu bé, dù y được trời phú cho một gương mặt khá lanh lợi, sáng sủa. Chỉ học hết có lớp 1, đọc còn chưa thông, viết còn chưa thạo Phước đã bỏ ngang, ở nhà đi chơi. Giang hồ đồn rằng, mới 15, 16 tuổi, vì giận cha, Phước đã trói nghiến ông thả xuống giếng, đợi cho đến khi ông sợ đến bất tỉnh mới chịu... làm phước kéo lên. Chuyện đồn đại đó, chả biết sự thật đến đâu nhưng chuyện đôi bàn tay của Phước sở dĩ chỉ còn có 8 ngón là do Phước tự chặt tay mình là có thực. Nghe kể lại rằng, năm 16 tuổi, trong một lần ăn nhậu với bạn bè, bị mẹ la mắng, để dằn mặt bà, Phước đã xách dao, kê bàn tay trái của mình xuống sàn, chặt phăng luôn ngón trỏ và ngón cái. Từ đó, đôi bàn tay của Phước thay vì 10 ngón thì chỉ còn lại có 8 ngón và biệt danh Phước “tám ngón” bắt nguồn từ việc này. Với Phước, máu côn đồ dường như có sẵn trong huyết quản. Y hung hãn ngay từ khi mới chỉ là một cậu bé. Chưa thành niên, Phước đã bỏ nhà đi bụi, sống bằng cờ bạc, trộm cắp, cướp bóc. Năm 1988, 17 tuổi, lần đầu tiên Phước phải bước vào nhà giam với bản án tù 36 tháng về tội trộm cắp do Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tuyên. Sau đó, Phước lại tiếp tục bị Công an TP HCM bắt rồi di lý cho Công an Vũng Tàu đưa đi cưỡng bức lao động. Không chịu cải tạo, Phước trốn trại rồi mua súng lập băng cướp do y cầm đầu. Với bản chất côn đồ, hung hãn, băng cướp có vũ trang của y đã hoành hành ở nhiều địa phương thuộc khu vực Thủ Đức, Đồng Nai. Đây cũng là thời kỳ mà tên tuổi của Phước “tám ngón” nổi lên trong giới giang hồ như một ông trùm máu lạnh, giết người không ghê tay. Phước kết hôn với Lê Thị Thanh T. cũng chính trong thời kỳ này và xung quanh cuộc hôn nhân của y, giới giang hồ cũng đồn thổi khá nhiều chuyện ly kỳ. Chuyện đồn rằng, tuy đó là cuộc hôn nhân không lễ cưới, không xe hoa rình rang, không chụp ảnh nhưng nổi tiếng khắp vùng. Bởi, thay đồ sính lễ, Phước đã tới nhà cha mẹ vợ, xin dâu bằng... một khẩu súng. Quá hãi hùng trước chàng rể có vũ trang, nhà gái đành phải nhắm mắt làm ngơ, mặc cho Phước muốn đưa con gái mình đi đâu thì đi. Vợ Phước, nghe đồn thời đó khá xinh đẹp. Cô không yêu Phước mà đem lòng yêu một chàng trai khác. Nhưng Phước thì mê mẩn cô. Thế nên, dù biết T. đã đính hôn và sắp sửa làm đám cưới với người yêu, Phước vẫn rắp tâm chiếm đoạt. Y đến nhà T. bắt T. phải đi chơi cùng để nói lời chia tay. Phước bảo, T. từ chối cũng chả sao nhưng nếu đàn em của Phước có vì bức xúc mà làm điều gì đó với cô và gia đình thì... ráng chịu. Quá sợ hãi, T. đành phải đi theo Phước, cùng y sống kiếp giang hồ. Tháp canh ở trại Chí Hòa. Đầu năm 1991, tại khu vực Thủy điện Trị An, Đồng Nai, băng cướp của Phước “tám ngón” hoành hành rất dữ. Chúng đã dùng súng uy hiếp để cướp xe máy của một người đi đường. Khi bị nạn nhân chống cự, chúng đã rút súng bắn trọng thương. Tiếp đó, chỉ trong vòng nửa tháng, bọn chúng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Đức. Trước tình hình trên, Công an TP HCM và các tỉnh lân cận đã lên kế hoạch phối hợp triệt phá băng tội phạm nguy hiểm này. Một năm sau, Phước “tám ngón” sa lưới. Như được giải thoát, Lê Thị Thanh T quay về nhà sống với cha mẹ ruột ở Thủ Đức. Gia tài duy nhất còn lại sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với ông trùm là cái bụng bầu khệ nệ sắp tới ngày sinh. Với bề dày tội ác giết người cướp của như vậy, ngày 24/6/1994, Phước “tám ngón” đã bị Tòa án nhân dân TP HCM tuyên án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản công dân. Cùng thời điểm này, vợ Phước sinh ra một bé gái đầu lòng, giống cha như tạc.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2010/3/71886.cand