Nỗi niềm những người mẹ 2 lần anh hùng

QĐND - Bước vào Bảo tàng LLVT Quân khu 9 (Cần Thơ), điều khiến khách tham quan nghẹn ngào, xúc động ngay từ khu trưng bày đầu tiên là hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, trên mảnh đất “Chín Rồng” lịch sử này có tới 4 bà mẹ vừa là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, vừa là “Anh hùng LLVT nhân dân”. Đó là các mẹ: Đoàn Thị Nghiệp (Cái Bè, Tiền Giang), Bùi Thị Thêm (Gò Quao, Kiên Giang), Đỗ Thị Phức (Hòn Đất, Kiên Giang), Huỳnh Thị Tân (Thạnh Trị, Sóc Trăng)… “Các mẹ không chỉ cống hiến cho đất nước những người con anh hùng mà bản thân các mẹ cũng rất anh hùng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” – cô hướng dẫn viên của Bảo tàng nói đến đây thì nghẹn ngào, không thuyết minh tiếp được nữa.

Cấp ủy, chính quyền huyện Gò Quao đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng đồng thời là Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Thị Thêm (Kiên Giang). Ảnh: Xuân Phượng

Chúng tôi lặng đi xem bản thuyết minh ngắn gọn về cuộc đời của mẹ Đoàn Thị Nghiệp. Bà sinh năm 1925 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 1946, bà tham gia cách mạng, sau năm 1954, bà vẫn tiếp tục bám trụ địa bàn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị. Trong những năm 1959 – 1960, mặc dù phong trào cách mạng ở địa phương bị địch đánh phá ác liệt; nhưng bà vẫn không nao núng; cùng với Huyện ủy ra sức củng cố, xây dựng các chi bộ đảng, phát động phong trào quần chúng và tổ chức lực lượng vũ trang của huyện. Năm 1967, bà được phân công về Mỹ Tho, chiến đấu tại một chiến trường cực kỳ gay go và ác liệt là Mặt trận Vành đai diệt Mỹ Bình Đức. Tại đây, bà đã lập kế hoạch bắt sống được một sĩ quan Mỹ. Đồng thời, bà còn tham gia nhiều trận đánh vào căn cứ Đồng Tâm do Sư đoàn 9 Mỹ chiếm đóng. Năm 1968, bà được phân công phụ trách Mảng 4 huyện Cai Lậy Bắc và chỉ huy lực lượng vũ trang của huyện đánh bại hầu hết các cuộc càn quét của địch, bảo vệ vùng giải phóng và góp phần làm chuyển biến phong trào “bám trụ đánh địch” của toàn tỉnh. Năm 1972, địch đánh vào cơ quan Tỉnh đội đóng ở xã Phú Nhuận (Cai Lậy), với cương vị là Tỉnh đội phó và mặc dù quân số, vũ khí ít hơn địch hàng trăm lần, nhưng bà đã nhanh chóng tổ chức chỉ huy chiến đấu. Bà bị thương nặng và sa vào tay giặc. Địch tra tấn dã man, bà đã anh dũng hy sinh để giữ tròn khí tiết. Thật đau lòng, bà có hai người con đều hy sinh trong công cuộc giải phóng miền Nam. Giờ đây, đứng trước hai tấm bằng công trạng mà Tổ quốc ghi công bà, không ai tránh khỏi bùi ngùi, xúc động.

Vinh quang mà cũng là nỗi đau của mẹ Đoàn Thị Nghiệp cũng chính là nỗi niềm của hàng vạn Bà mẹ Việt Nam. Đi bất cứ nơi đâu, từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, chúng ta cũng có thể gặp nỗi đau sau tấm huân chương của những bà mẹ... Nếu như ở Quảng Nam, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ là mẹ của 9 con ruột, 1 con rể và 1 cháu ngoại là liệt sĩ thì ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), bà mẹ Nguyễn Thị Rành vừa là Anh hùng LLVT nhân dân vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 8 người con trai, 2 người cháu anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ Rành từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ, từng xung phong đào địa đạo Củ Chi, sát vai cùng con cháu đánh giặc. Đó là một bà mẹ ngoan cường khi bị địch bắt làm con tin để ép con cháu mẹ ra hàng và ly khai cách mạng, vẫn tìm cách khuyên con cháu vững vàng. Tấm thân gầy yếu của mẹ bao lần hứng chịu những trận đòn dã man của kẻ thù nhưng trước sau, mẹ vẫn một lòng trung kiên với cách mạng. Người mẹ ấy - một bà mẹ quê chân chất với câu nói có giá trị như chân lý thoát ra từ lồng ngực: “Chồng con tao là ở trong tim tao đây, chúng bay cứ mổ ra mà kiếm!”.

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà mẹ vào tình huống nghiệt ngã. Sự hy sinh của những bà mẹ thật đau đớn nhưng cũng rất cao cả. Có gia đình, 3 thế hệ nối tiếp nhau đều có người được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là gia đình mẹ Nguyễn Thị Toàn ở Đức Hòa (Long An). Mẹ Toàn là thân mẫu của hai chiến sĩ cách mạng nổi tiếng: Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân... Bà có 9 người con, trong đó 4 con là liệt sĩ. Bà Lê Thị Mẹo, con dâu mẹ Toàn, vợ liệt sĩ Võ Văn Tây sinh ra bà Võ Thị Thung. Võ Thị Thung tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh, để lại người con trai duy nhất là Phạm Công Khanh. Nối tiếp ý chí của mẹ Thung, anh Công Khanh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng anh dũng hy sinh.

Đến thăm một số bảo tàng của Thành phố Hồ Chí Minh – tôi hiểu hơn những số phận, niềm vinh quang, nỗi đau, khát vọng của những bà mẹ từ mọi miền đất nước. Chỉ riêng Củ Chi, vùng đất thép đã có hơn 700 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với có những số phận vô cùng đặc biệt. Trong cuốn sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh”, chân dung những bà mẹ hiện lên vô cùng bình dị, với những tên gọi cũng thật giản dị, đơn sơ. Chỉ vài dòng ngắn gọn ghi tên chồng, con hy sinh nhưng sao mà trĩu nặng. Cách những bà mẹ đặt tên con cũng thật ấn tượng, in đậm dấu ấn những năm tháng chờ chồng, nuôi con, chiến đấu trường kỳ, gian khổ. Chồng của mẹ Lê Thị Dùng ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn tên là Nguyễn Văn Cá, mẹ đặt tên con là Nước. Và rồi cha Cá, con Nước đều hy sinh để giữ nước. Mẹ Nguyễn Thị Nuôi có người con trai độc nhất là Nguyễn Gian Truân. Mẹ sinh con trong muôn vàn gian truân, bị trù úm, tù đày nhưng vẫn kiên trì nuôi con lớn khôn, giáo dục con cầm súng bảo vệ quê hương.

Để đất nước có ngày hòa bình, thống nhất, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng… Trong các Bảo tàng, không có chuyên đề nào thể hiện sự mất mát này nhưng thế hệ hôm nay và mai sau xin khắc sâu công ơn trước những giọt nước mắt lặng lẽ của những người mẹ.

Trúc Linh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/91/91/164259/Default.aspx