Những trò chơi Tết thú vị ngày xưa

Trò chơi dân gian là phần không thể thiếu với người Việt ta nhất là trong những dịp Tết đến. Trò chơi không chỉ thể hiện rõ nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng ở mỗi vùng miền mà còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai. Có những trò chơi vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Đấu vật

Đấu vật là một trò chơi dân gian mang tính cổ truyền ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Một trân đấu có hai người vật nhau gọi là một keo vật, những thế vật gọi là "miếng". Một đô vật giỏi, không chỉ cần khỏe mà cần nhanh nhẹn để có thể thi thố những miếng vật bất ngờ mới đủ hạ được đối phương. Theo phong tục Việt Nam, muốn thắng phải vật cho đối phương “ngã ngựa trắng bụng” hoặc nhấc bổng được đối phương lên. Và tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác nữa.

Đánh đu

Đánh đu là một trò chơi dân gian rất phổ biến vào dịp Tết nguyên đán. Để chuẩn bị cho trò chơi này, mọi người phải dựng lên những cột đu tại một thửa đất rộng rãi hay ở sân đình vào trước Tết. Có khoảng 4-6 cây tre to và dài chụm lại tạo thành cây đu. Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Đến nay, trò chơi vẫn được lưu truyền nhất là trong lễ hội truyền thống như hội Lim.

Chọi gà

Là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa vào các ngày Tết hay hội. Trò chơi này đòi hỏi người nuôi phải chọn gà giống kỹ càng như lựa dáng vẻ chân, mỏ, đầu,... đến việc chăm sóc, tập luyện cho gà làm quen dần với trận chiến đấu. Bắt đầu vào cuộc, hai chú gà lao vào mổ nhau, đập cánh, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương quyết liệt hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu. Những cú mổ hiểm hóc vào mắt, vào cổ đối phương đến chảy máu, những cú đá móc với những chiếc móc sắc nhọn đến toác ngực làm người xem xung quanh bàn tán, tranh cãi.

Các sới gà chọi vào dịp Tết Nguyên Đán thường thu hút đông đảo người xem.

Cờ người

Cờ người là tên gọi của môn cờ tướng dùng người thay vì quân cờ di chuyển trên bàn cờ. Tất cả có 32 người chia thành 2 phe (16 nam áo đỏ và 16 nữ áo đen) ngồi trên một bàn cờ tướng vẽ ở một sân rộng. Hai người chơi cờ đứng trong sân cờ trực tiếp đến chỉ đạo từng quân cờ di chuyển, bên cạnh là một người đánh trống bỏi thúc giục. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Bên nào có quân tướng bị chiếu bí là thua. Quanh sân, hàng trong thì khán giả ngồi, hàng ngoài đứng, chăm chú thưởng thức ván cờ và bàn tán râm ran.

Đánh phết

Đánh phết là trò thi đấu chơi vào ngày hội xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Sân chơi là sân đình, hai đầu sân (theo hướng đông - tây) có vòng tròn vạch vôi hay đào lỗ làm mục tiêu. Người đánh phết chia làm hai phe dùng gậy tre để cả gốc dài 1 m đánh vào quả phết (làm bằng gỗ tròn sơn đỏ, tượng trưng cho Mặt Trời), hễ quả chuyển vào vòng tròn (hay lỗ) của đối phương là thắng cuộc. Có người cho rằng trò đánh phết có nguồn gốc từ tục thờ Mặt Trời (quả phết chuyển động từ đông sang tây và ngược lại). Các cuộc thi đấu phết đều thu hút đông đảo người xem, mọi người cùng hò reo khích lệ trong không khí ồn ào sôi động.

Bịt mắt đập niêu đất

Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc, thường diễn ra ở sân đình hay trên sân rộng. Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Vạch mốc được kẻ làm điểm xuất phát. Trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm. Người tham gia chơi phải đứng dưới vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3-5m và bị bịt mắt rồi ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ.

Đánh đáo

Đánh đáo là một trò chơi dân gian được truyền qua nhiều đời ở Việt Nam. Đánh đáo không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả đối với người lớn bởi nó thể hiện sự khéo léo của người chơi và lại còn có tâm lý ăn thua kích thích dù chỉ là rất ít. Ngày Tết, trẻ em được mừng tuổi nên đã dùng số tiền ít ỏi này và một "con cái" để chơi. Thông thường con cái này được đúc bằng chì tạo ra từ các bình ắc-quy hoặc từ đâu đó, nấu chảy ra, đổ vào trộn của bát ăn cơm. Sau đó, cái chì sẽ được mài sơ đi cho nhẵn nhụi, dễ chơi. Khi chơi, người chơi kẻ một vạch trên nền đất, rải các đồng xu lên để đánh. Người đánh phải đứng xa một khoảng tùy thỏa thuận và ở trước một vạch khác để đánh. Đồng xu nào trúng vào lỗ thì người ấy được ăn. Cứ như vậy, lần lượt tới người tiếp theo, đến khi nào không còn xu nữa thì hết ván.

Xem thêm:

Trở lại với những trò chơi dân gian trong “Ký ức Hà Nội”

Trẻ nhỏ thích thú khám phá trò chơi dân gian các nước

Ngọc Huyền

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-tro-choi-tet-thu-vi-ngay-xua