Những món ngon phổ biến của người Việt trong ngày Tết (P.2)

Ngày Tết, xu hướng người Việt hướng về những món ăn dân dã như canh khổ qua hay nem, chả,... Sau đây là những món ngon phổ biến của người Việt trong ngày Tết.

Một năm mới nữa đã đến, hãy cùng thưởng thức hương vị và ý nghĩa của những món ăn truyền thống không thể bỏ qua trong dịp năm mới.

Canh khổ qua

Người miền Nam Tết đến thường chuộng món ăn theo tên gọi hoặc hình ảnh gợi lên sự sung túc, ví dụ như chưng mâm trái cây thì phải là "cầu dừa đủ xoài"; kho nồi thịt thì nhất định miếng thịt phải xắt vuông lớn, kho chung với hột vịt tròn để có được sự toàn vẹn; trái dưa hấu cắt ra phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn...

Người miền Nam chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là khổ qua, nghĩa là niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn. Loại trái này chẳng phải quý hiếm, bất cứ bà nội trợ nào cũng có thể mua ăn quanh năm, nhưng Tết đến sẽ mang một ý nghĩa khác biệt. Có tô canh khổ qua trên mâm cỗ tự nhiên thấy an tâm lạ, như thể mọi khổ nhọc rồi sẽ qua, bước sang năm mới là mọi việc sẽ khác.

Nem chua

Nem chua (phương ngữ Bắc Bộ) hay nem (phương ngữ Trung Bộ và phương ngữ Nam Bộ) là một món ăn sử dụng thịt lợn, lợi dụng men của lá (lá ổi, lá sung v.v.) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nổi tiếng ở Việt Nam như một sản vật phổ biến tại nhiều địa phương, tuy không rõ nem chua được người dân vùng nào làm ra đầu tiên.

Nem chua mỗi vùng đều có hương vị riêng: nem chua của Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), thành phố Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp), v.v...

Giò thủ

Là món ăn làm từ thịt nấu đông phần đầu lợn hoặc bò. Giò thủ xuất hiện ở nhiều quốc gia với cách chế biến khác nhau. Gia vị làm giò thủ bao gồm hành tây, hồ tiêu, muối ăn, giấm, vân vân. Giò thủ được dùng khi đông lạnh hoặc đông ở nhiệt độ phòng.

Chả đùm

Chả đùm là một trong “bò 7 món “ của miền Nam, được chế biến từ thịt heo và thịt bò băm nhuyễn cùng với các nguyên liệu phụ khác, mang hương vị thơm ngon thích hợp chiêu đãi vào những dịp quây quần gia đình.

Dưa giá

Dưa giá đỗ là một trong những món ăn quen thuộc của người miền Nam và thường ăn kèm với món thịt kho hột vịt trong những ngày tết truyền thống. Một đĩa dưa giá hấp dẫn với màu trắng ngần của giá đỗ, màu đỏ của cà rốt và màu xanh của lá hẹ. Dưa giá thường được ăn kèm với món thịt kho hột vịt và bánh tét trong ngày tết truyền thống của người miền Nam.

Mách nhỏ tới bạn mẹo làm dưa giá ngon đó là khi muối dưa giá, bạn nên sử dụng hộp lọ đựng thực phẩm chuyên dụng để bảo quản. Hộp lọ bằng thủy tinh hoặc sứ là chất liệu sử dụng tốt nhất giúp giữ hương vị thơm ngon của món dưa giá.

Dưa kiệu

Kiệu muối chua là một trong các loại dưa muối ăn thường ngày của các nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Củ kiệu thường được muối dưa chua tương tự như cách muối dưa hành, dùng ăn kèm với thịt mỡ hoặc tước nhỏ trộn với bắp cải, thịt gà.

Khi củ kiệu vừa già, được thu hái tách củ, lột sạch vỏ khô, dùng để muối dưa chua để ăn ghém cùng thịt, cá…Món dưa kiệu được người Việt Nam chế biến dùng trong các tiệc cổ, tết. Món ăn phổ biến nhất là dưa kiệu với tôm khô, được xem là món khai vị sang trọng trong các dịp cổ, tết, tiệc tùng quan trọng.

Ngọc Trâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/luxury-living/am-thuc/nhung-mon-ngon-pho-bien-cua-nguoi-viet-trong-ngay-tet-p2-287026.html