Những lưu ý bảo dưỡng môtô cho chuyến du xuân

Những ngày nghỉ Tết là cơ hội hiếm có để dân dịch chuyển thỏa mãn niềm đam mê được đi và khám phá. Vì vậy, hãy biết cách chăm sóc chiến mã của mình trước chuyến hành trình dài.

Những khung cảnh nao lòng này chính là sức hút của những chuyến phượt xuân

Tết Bính Thân đã đến với không khí náo nức, đặc trưng của ngày Xuân truyền thống đang len lỏi tới từng ngõ ngách đời sống. Đối với giới ưa dịch chuyển, thì từ lâu, Tết ta đã là một dịp hiếm có để tận hưởng một chuyến đi xa nhằm giải tỏa những căng thẳng của một năm làm việc vất vả.

Với điều kiện sống ngày càng nâng cao, những biker thích "phượt" hầu như đều cố gắng trang bị cho mình những chiếc môtô phân khối lớn thay vì những chiếc xe máy thông dụng bởi những ưu điểm vượt trội cả về sức mạnh, sự an toàn và niềm vui chúng mang lại.

Đa số dân "phượt" đều mơ trang bị những chiếc mô tô PKL làm bạn đồng hành

Những chiếc môtô hiện đại có kết cấu và công nghệ vượt xa những chiếc xe phổ thông chúng ta vẫn thấy hàng ngày. Các trang bị hiện đại hơn tất yếu kéo theo cấu tạo sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi quá trình trang bị cũng như bảo dưỡng phức tạp và kĩ lưỡng hơn.

Hệ thống đèn trợ sáng là trang bị nên có khi di chuyển đường dài

Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc bảo dưỡng, chiếc xe cần được trang bị những phụ kiện nhằm đảm bảo an toàn và sự thoải mái cho cả người lái và phương tiện như hệ thống đèn LED chiếu đêm, đèn chiếu khúc cua và đèn phá sương mù, đi kèm với nó là hệ thống khung chống đổ bảo vệ toàn thân xe cũng như hạn chế tối đa hư hỏng khi va chạm.

Với một số xe, hệ thống giá đỡ đi kèm thùng chở đồ là trang bị không thể thiếu đặc biệt là với chuyến di dài, giúp chứa được đồ dùng cho chuyến đi, hỗ trợ khiến người lái thoải mái nhất để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Kiểm tra lốp xe, cần lưu ý khả năng hoạt động và đặc biệt là áp suất lốp

Lốp xe là hạng mục đầu tiên cần chú ý khi bảo dưỡng bởi đây là bộ phận duy nhất của chiếc xe trực tiếp tiếp xúc với mặt đường. Cần phải kiểm tra áp suất lốp, chi tiết hoa lốp, talon, độ mòn và độ bám bề mặt, thay mới lốp nếu có hiện tượng nứt vỡ hay đã bị thủng, phải vá lại nhiều, đặc biệt chú ý với lốp khi đi xa dưới điều kiện trời mưa.

Một bộ vá xe dành cho lốp không săm phổ biến (đa số môtô hiện này đều sử dụng lốp không săm)

Cũng cần chuẩn bị sẵn phụ tùng để xử lý khi cần thiết như săm dự phòng, keo tự vá hay miếng vá lốp không săm, bộ móc lốp,…

Hệ thống dây cáp cần được kiểm tra kĩ, và nên mang theo 1 bộ dự phòng

Tiếp theo cần chú ý đến hệ thống dây cáp ga, phanh, côn, cần tra dầu và bảo dưỡng thường xuyên, để đảm bảo sự hoạt động trơn tru và hạn chế khả năng bị đứt, nhất là ở những cung đường hẻo lánh, mỗi xe nên có thêm 1 bộ dây dự phòng.

Xích xe là trung gian truyền động chính của xe, cần kiểm tra và xịt rửa sạch thường xuyên

Hệ thống truyền động là lưu ý tiếp theo ở phần bảo dưỡng. Với hệ truyền động dây đai hay trục cac-đăng, việc bảo dưỡng chỉ mang tinh định kì, cần lưu ý đến dầu hộp số thay sau khoảng mỗi 5000km để xe hoạt động trơn tru.

Với nhông xích chủ yếu cần lưu tâm vào vấn đề tăng chỉnh xích, vệ sinh đúng cách cũng như sử dụng các dung dịch bôi trơn chuyên dụng và phù hợp.

Hệ thống phanh là trang bị an toàn tiên quyết trên xe, cần kiểm tra và thay mới nếu ngay cần thiết

Hệ thống phanh là ưu tiên đặc biệt, ngoài việc kiểm tra áp suất dầu, mức dầu, cũng như độ mới của má phanh, còn cần kiểm tra hệ thống dây dẫn dầu, tránh trường hợp bị nứt, đảm bảo các piston dầu còn kín và hoạt động dễ dàng và nên vệ sinh toàn bộ bằng dầu rửa chuyên dụng, thay mới dầu tiểu chuẩn nếu có thể trước mỗi chuyến đi.

Hệ thống giảm xóc nên được kiểm tra trước khi xe vận hành, tuy nhiên thường hư hỏng ở hệ thống này rất rõ ràng

Hệ thống giảm xóc cần được kiểm tra về độ cứng, mức dầu trong ống cũng như vệ sinh và thay mới nếu phát hiện hỏng hóc. Cần chắc chắn rằng ty giám xóc không bị xước, mức dầu đầy dủ, lò xo hoạt động tốt bởi nó sẽ quyết định sự êm ái khi chiếc xe vận hành trên các cung đường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thoải mái và an toàn của người lái.

Thông qua khoảng hành trình giảm xóc có thể nhận định được tình trạng của giảm xóc

Việc vệ sinh giảm xóc đòi hỏi nhiều kĩ năng, và nên nhờ tới người có chuyên môn để tránh làm hư hỏng các chi tiết giảm xóc.

Tinh chỉnh các hệ thống là yêu cầu bắt buộc trước một hành trình dài

Tinh chỉnh hệ thống tay lái, căn chỉnh cổ phốt, đo mức nước làm mát, cầu chì hay vệ sinh bình acquy, lọc gió, thay dầu và lọc dầu là những vấn đề cơ bản mà hầu hết những người chơi xe đều có thể tự thực hiện được.

Cần kiểm tra điện áp ắc-quy thông qua đồng hồ đo điện áp, đặc biệt với xe khởi động không có cần đạp, hoặc đánh điện khởi động thông qua ắc-quy

Tuy nhiên, để kĩ càng hơn, cần kiểm tra điện áp trong bình cũng như điện áp của sạc để chắc chắn rằng acquy sẽ luôn hoạt động tốt trong cả hành trình, tránh việc acquy hư hỏng đột ngột sẽ khó xử lý, đặc biệt là ở những nơi hẻo lánh.

Hệ thống động cơ, tiếp nhiên liệu và thiết bị điện tử là những phần kết cấu đòi hỏi chuyên môn cao để có thể kiểm tra xử lý, những bộ phận này quyết định tới 70% khả năng hoạt động của chiếc xe, do đó, cần có sự kiểm tra của chuyên gia hoặc thợ lành nghề.

Các hệ thống cảm biến có thể kiểm tra thông qua máy dò lỗi chuyên dụng, rất nhanh và chính xác

Sau cùng là hệ thống cảm biến, quạt làm mát két nước cũng như hệ thống đèn chiếu sáng. Các bộ phận này đặc biệt quan trọng khi di chuyển ở các vùng núi cao hay đèo dốc, nơi điều kiện thời tiết biến động không ngừng cũng nhu độ khó của địa hình làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của chiếc xe.

Bạn đã sẵn sàng cho sự choáng ngợp chưa?

Để mỗi chuyến hành trình có thể đem lại nhiều ý nghĩa cũng như niềm vui, công tác chuẩn bị và bảo dưỡng chiếc xe là không thể bỏ qua. Ngoài việc chăm chút, trang bị cho xế cưng, hãy là một người tham gia giao thông có văn hóa để có được những chuyến du xuân an toàn, lý thú và xứng đáng.

Lê Anh

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/tu-van/nhung-luu-y-bao-duong-moto-cho-chuyen-du-xuan-12851.html