Những cảnh báo từ phòng tập thể dục

PN - Sự cố một người đàn ông (44 tuổi) chết trong khi luyện tập thể thao ngày 27/8 tại một phòng tập thuộc hệ thống California Wow Xperience (Q.5, TP.HCM) đã làm nhiều người hoang mang. Điều này cũng cho thấy, việc bảo vệ sức khỏe của học viên đang luyện tập tại các phòng tập còn bỏ ngỏ.

Đại diện phòng tập thể dục thuộc hệ thống California Wow Xperience cho rằng, việc tử vong của người đàn ông là một tai nạn chưa rõ nguyên nhân. Tìm hiểu tại phòng tập California Wow Xperience chúng tôi được biết, chỉ có trưởng, phó các nhóm huấn luyện viên (HLV) là có khả năng sơ cấp cứu cho học viên khi xảy ra sự cố trong quá trình luyện tập. Bà Phan Diệu Huyền – Giám đốc tiếp thị đối ngoại của California Wow Xperience cho biết, không thấy quy định nào bắt buộc phòng tập phải có bác sĩ chuyên môn. Vì thế, tốt nhất khi xảy ra sự cố thì giữ nguyên hiện trạng và gọi nhân viên y tế đến xử lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa Tại một phòng tập thẩm mỹ khá quy mô trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, khi hỏi về công tác sơ cấp cứu, các HLV ở đây đều tỏ ra... lớ ngớ. Theo họ, từ trước giờ chưa từng gặp sự cố khi luyện tập. Thỉnh thoảng có vài học viên bị đau lưng, mỏi cổ do tập không đúng động tác, hay bị choáng do chưa quen với vận động, chỉ cần hướng dẫn họ nghỉ ngơi vài ngày, hết đau là có thể tập lại. Nên đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện gần nhất Khoảng 95% nạn nhân đột tử vì phát hiện muộn. Chỉ có khoảng 5% là đến được bệnh viện và 2% trong số họ được cứu sống. Ở Việt Nam và một số nước khác, do chưa ý thức được mức độ trầm trọng của sự cố nên nạn nhân thường được để ở nhà để cạo gió và làm một số động tác cứu chữa theo kiểu kinh nghiệm khác. Việc làm này sẽ làm mất đi "thời gian vàng" từ bốn - tám phút mà não và tim nạn nhân có thể hoạt động trở lại trong tình trạng thiếu oxy. Một phòng tập ở Q.5 cũng trong tình trạng tương tự. Học viên chỉ cần đăng ký vào luyện tập mà không có thông tin cá nhân nào được lưu lại. Đây cũng là tình hình phổ biến hiện nay ở nhiều phòng tập thể dục tại TP.HCM. Theo quy định của Liên đoàn Thể dục thể thao TP.HCM, thì các phòng tập chỉ cần đáp ứng các yêu cầu như có phòng vệ sinh, phòng tập thoáng mát với diện tích tối thiểu là 60m2 trở lên. HLV phải có bằng chuyên môn. Nhưng trên thực tế, theo bà Trần Thị Minh Hiền - Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục thể thao TP, không ít HLV hiện nay hoạt động theo kiểu đầu voi đuôi chuột, nghĩa là HLV có bằng cấp nhờ các học viên "giỏi" của mình tham gia đứng lớp. Các "HLV bất đắc dĩ” này có thể bắt chước động tác của HLV, nhưng nhiều yêu cầu khác như cách hít thở, cách tham vấn chuyên môn theo tuổi tác của từng nhóm học viên thì họ làm sao biết được. Bà Minh Hiền cho biết thêm, trước đây, cơ quan chức năng TP có nhiều đợt kiểm tra về hoạt động chuyên môn trong các phòng tập, nhưng hiện nay việc cấp phép cho các cơ sở đã giao về cho các trung tâm thể dục thể thao quận, huyện hoặc các phòng kinh tế nên việc kiểm tra gần như bỏ ngỏ. Việt Phong Tập sao cho khỏe? BS Nguyễn Trọng Anh - Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP.HCM, cho biết: trước khi tập thể dục – nhất là những môn tập đòi hỏi phải có sự gắng sức nhiều, người tập phải được BS tư vấn và khám sức khỏe. Bởi, nếu tập không đúng, thì không những không khỏe mà còn "rước" thêm bệnh. Nhất là đột quỵ, chứng này dễ xảy ra với những người có tiền sử về các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như tim mạch, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim; hay các bệnh lý về hô hấp như hen, suyễn... Theo các chuyên gia, nếu tập với các thiết bị hỗ trợ tại phòng tập, cần hiểu rõ tính năng, cách thức hoạt động cũng như những cảnh báo an toàn của thiết bị. Tuyệt đối không luyện tập khi không biết rõ tác dụng cũng như cách sử dụng của các thiết bị hỗ trợ. Cách tập an toàn nhất là tăng dần cường độ theo yêu cầu cơ thể. Với người có bệnh, chỉ nên tập nhẹ nhàng trong vòng 10 – 15 phút, ba lần/tuần để tim mạch và cơ bắp thích ứng dần. Người bình thường chỉ cần tập một giờ là đủ. Thanh thiếu niên tập từ một - hai giờ. Người trung niên, cao tuổi chỉ nên tập khoảng 20 phút . Khi tập không nên làm các động tác mạnh rồi ngừng lại đột ngột vì dễ gây choáng ngất. Nên có các hoạt động đa dạng để không nhàm chán, như xen kẽ đi bộ với động tác vươn vai hoặc vung tay chân một cách thoải mái. Sau khi tập không nên tắm ngay vì dễ gây thiếu máu não. Cũng không nên ăn ngay vì làm ảnh hưởng xấu tới sự co bóp của dạ dày. Không nên ngồi hay nằm nghỉ một cách đột ngột khi kết thúc tập luyện mà nên đi lại nhẹ nhàng một lúc để cơ thể quen dần. Thiên Nga (ghi)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2009/Pages/Nhung-canh-bao-tu-phong-tap-the-duc.aspx