Nhớ mùa xuân đầu tiên Nam-Bắc sum vầy

Mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất nhưng người dân đôi bờ Hiền Lương luôn nhớ về cái Tết đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị từng mang trên mình nỗi đau chiến tranh chia cắt trong hơn 20 năm. Mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất nhưng người dân đôi bờ Hiền Lương luôn nhớ về cái tết đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước - Tết Bính Thìn năm 1976. Đó là cái Tết đoàn viên, bà con 2 bờ Nam - Bắc sông Bến Hải được đoàn tụ trong độc lập, tự do. Phóng sự “Nhớ mùa xuân đầu tiên Nam - Bắc sum vầy” .

Lễ hội thống nhất non sông được tổ chức hàng năm tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Bữa cơm tất niên của gia đình ông Trần Đình Biên ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đầy đủ con cái, dâu rể, cháu chắt. Ông luôn nhắc nhở con cháu dù làm ăn xa, bận công việc gì cũng tranh thủ về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình ngày cuối năm.

Ông Biên kể, Hiệp định Geneve tạm thời chia cắt 2 miền Nam - Bắc, ông ra Bắc làm công an bảo vệ giới tuyến đồn Hiền Lương để lại vợ con phía bờ Nam với lời hẹn sau 2 năm trở về. Không ngờ lời hẹn đó kéo dài đến 20 năm cùng nỗi nhớ mong da diết. Mỗi lần nhớ vợ con, ông Biên ra đứng bờ sông ngóng về quê nhà. Thấy vợ, người thân bên kia bờ ra lấy nước, giặt áo quần mà ông chỉ biết lặng thinh đứng nhìn.

Ông Trần Đình Biên nhớ lại, ngày tết cổ truyền, người thân hai bờ lại tràn ra sông ngóng về bên kia tìm nhau, thấy đó mà không ai dám nói lời nào: “Gia đình ở đây nhưng mà mình ở bên cầu. Thứ nhất là lễ và tết nhất, tôi đứng trên cầu nhìn về, bà con cũng thấy đó mà không nói được. Họ có chộ họ cũng không dám nói”.

Lễ thượng cờ trong ngày Hội Thống nhất non sông tổ chức hàng năm tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Với người dân 2 bên bờ giới tuyến sông Bến Hải, mùa xuân đầu tiên bà con được sum họp sau khi Hiêp định Paris ký kết vào năm 1973 chấm dứt chiến tranh. Nhưng cái Tết đầu tiên trọn vẹn niềm vui phải đợi đến Tết Bính Thìn năm 1976 sau ngày đất nước thống nhất. Bởi tình Quảng Trị được giải phóng, nhiều cán bộ, thanh niên lại rời xa vợ con, gia đình lên đường vào chiến trường tham gia giải phóng miền Nam.

Bà Hoàng Thị Hoa ở bờ Nam lấy chồng bờ Bắc ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh kể: trong một lần đưa quân sang bờ Bắc dưỡng thương, bà đem lòng thương nhớ người thương binh làm nhiệm vụ ở bờ Bắc là ông Hoàng Nghi. Ngày bà trở lại bờ Nam, ông trao bà chiếc áo với lời hẹn ước chờ ngày đất nước thống nhất. Nhớ người yêu, nhiều lần ông Nghi viết thư cho bà nhưng thư đi mà không thấy hồi âm. Khi chiến tranh sắp kết thúc, ông Nghi bất ngờ nhận được thư của người ông hằng mong nhớ. Đọc thư người yêu viết “…chiếc áo ấy em vẫn mặc mỗi lần ra trận…”, ông mừng đến chảy nước mắt.

Năm 1974, cầu Hiền Lương được nối lại sau khi bị đánh sập vào năm 1967, họ tổ chức đám cưới nên duyên vợ chồng. Đôi uyên ương bùi ngùi xúc động bởi đây là đám cưới đầu tiên rước dâu từ bờ Nam qua cầu Hiền Lương ra Bắc sau 20 năm chia cách. Hôm ấy, bà con ở 2 bờ xếp hàng đứng 2 bên cầu đón vỗ tay chào cô dâu, chú rể dắt tay nhau đi qua cầu. Cưới nhau vài hôm, chồng bà lại lên đường vào chiến trường miền Nam.

Bà Hoa kể, Tết Bính Thìn 1976, mới thực sự là xuân đoàn tụ đối với gia đình bà: “Lúc đó cứ nói sống rồi, hạnh phúc rồi, vui vẻ lắm. Hai vợ chồng lúc Tết đi ngoại về là đứng hôn nhau giữa cầu Hiền Lương luôn. Có người nói ước gì có con heo để mổ ăn mừng với nhau”.

Cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải được phục chế sơn lại 2 màu.

Ông Nguyễn Công Cầu ở thôn Hiền Lương, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh bảo rằng, sau giải phóng, đất nước mình còn nghèo, người dân mua cái gì cũng phải chờ phân phối. Tết đầu tiên năm đó, Chính quyền đồng ý cho các HTX mổ lợn ăn mừng. Mỗi gia đình chỉ được vài lạng thịt nhưng ai cũng vui. Bà con dù còn nghèo cũng cố mua được dây pháo đốt mừng Tết thống nhất, cờ phướn rợp trời. Nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ, vài câu đối đỏ. Bà con không còn cảnh ăn tết trong hầm, canh cánh nỗi lo bom rung, đạn dập. Bà con tay bắt mặt mừng, chúc tụng hỏi han thân mật, xua tan cảnh khổ đau của những năm tháng đất nước chia cắt. Ông Nguyễn Công Cầu nhớ lại: “Hai bên lúc đó không còn chia cắt nữa, dân quá vui, quá mừng. Tình cảm 2 miền giống như người một nhà, tay bắt mặt mừng”.

Tết Bính Thìn năm 1976 là cái Tết đầu tiên không còn khói lửa đạn bom. Đó cũng là mùa xuân khép lại quá khứ đau thương, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Tròn 40 mùa xuân thanh bình, người dân đôi bờ Hiền Lương vẫn chưa quên niềm vui hạnh phúc trong cát tết đầu tiên Nam - Bắc sum vầy./.

Đình Thiệu/VOV -Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nho-mua-xuan-dau-tien-nambac-sum-vay-477296.vov