Nhìn thẳng vào thành tựu và hạn chế của GD&ĐT

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 24/11, Quốc hội làm việc toàn thể tại Hội trường dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về một số vấn đề nổi cộm trong GD-ĐT hiện nay.

Nhìn thẳng vào thành tựu và hạn chế của GD&ĐT

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 24/11, Quốc hội làm việc toàn thể tại Hội trường dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về một số vấn đề nổi cộm trong GD-ĐT hiện nay.

Cương quyết chống lạm thu

Những vấn đề chính các đại biểu Quốc hội dành cho người đứng đầu ngành GD tại phiên chất vấn ở kỳ họp này bao gồm: chất lượng GD-ĐT ở các cấp học, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ, liên kết đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, tình trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn thiếu thốn, vấn đề chạy trường, dạy thêm học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập… Trong suốt phiên chất vấn, đã có 38 lượt đại biểu gửi câu hỏi tới Bộ trưởng, tập trung vào các nhóm vấn đề nêu trên, trong đó nhiều đại biểu đề cập đến cả một số chính sách cụ thể trong ngành GD.

Ngay trước thềm phiên chất vấn, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề trên. Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng gửi trả lời bằng văn bản một số câu hỏi của các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đưa ra trước đó về lạm thu tiền trường đầu năm học.

Văn bản trả lời nêu rõ, tại một số cơ sở GD (nhất là ở các thành phố lớn) vẫn có tình trạng tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học, sử dụng tiền thu không đúng mục đích, không tuân thủ những yêu cầu về công khai, minh bạch trong thu chi, sử dụng các hình thức vận động tự nguyện nhưng tổ chức thu tiền bình quân trên đầu học sinh, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội. Để giải quyết việc này, ngày từ đầu năm học, lãnh đạo Bộ đã làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành của một số địa phương và mở các cuộc thanh tra tại một số địa bàn.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp như: tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các sai phạm; đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường. Bộ cũng đang xây dựng Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS, trong đó sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn và các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ HS không được vận động quyên góp của cha mẹ HS.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay 24/11

Đã có nhiều thay đổi tích cực trong quản lý GDĐH

Chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học, công tác tuyển sinh, việc quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường CĐ, ĐH... là mối quan tâm của các đại biểu Phan Văn Trường (đoàn Thái Nguyên), Ya Đuck (đoàn Lâm Đồng) Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình), Lê Nam (đoàn Thanh Hóa).... khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng tại phiên chất vấn. Đối với các nội dung này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, 6 năm qua trên cả nước thành lập 84 trường đại học, nâng tổng số trường đại học trong cả nước lên con số 202 và hơn 100 trường cao đẳng. Bộ trưởng thừa nhận có thực trạng nhiều trường đại học thuộc các ngành nông lâm, khoa học xã hội, sư phạm không tuyển đủ sinh viên. Nguyên nhân được Bộ trưởng Luận đưa ra là do mở quá nhiều trường, mở ra nhiều ngành học mới, vượt quá nhu cầu; các trường chưa công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, quản lý nhà nước còn bất cập yếu kém. Tuy nhiên, những năm gây đây đã có bước thay đổi tích cực.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu vụ việc cách đây vài năm, báo chí phản ánh sự việc Intel Việt Nam không tuyển được ai nhưng thực tế đến nay, Intel đã phủ định điều đó. GD Việt Nam được diễn đàn kinh tế thế giới trước đây xếp hạng thứ 120, hiện nay đứng thứ 69 trên 140 nước được khảo sát. Trước đây, GD được xem là điểm nghẽn thứ 3 của sự phát triển nền kinh tế nhưng hiện nay, nguyên nhân GD đã xuống hàng thứ 6.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ GD&ĐT đã tổ chức hậu kiểm tại nhiều địa phương và cho thấy kết quả phản ánh đúng chất lượng bài thi và kỷ luật phòng thi cũng tốt hơn những năm trước. Về việc điểm môn lịch sử quá thấp trong kỳ thi đại học vừa qua, Bộ trưởng cũng đã quan tâm đến vấn đề này và tìm cách tháo gỡ trong việc giảng dạy môn lịch sử. Bộ trưởng khẳng định: “Chất lượng giáo dục đại trà đã tốt lên còn giáo dục “đỉnh cao” chưa có chuyển biến tích cực”.

Đối với sự quan tâm của một số đại biểu đề cập đến loại hình GDĐH công lập và ngoài công lập với những câu hỏi về chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập, điều này đã được ghi trong Luật Giáo dục. Việc một số địa phương từ chối SV học trường dân lập, tại chức, Bộ trưởng Luận cho rằng, đây là một hồi chuông cảnh báo cho ngành GD. Trong cả hai loại hình trường này, đều có những sinh viên giỏi và những sinh viên không giỏi. Bộ trưởng cho biết đang phối hợp với Bộ Nội vụ hướng đến việc tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo hình thức của bằng tốt nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập”. ảnh: Thanh Lâm.

Không còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

Tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình GD-ĐT nước nhà, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ việc cải cách GD là một nhu cầu bức thiết mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đang triển khai. Các vấn đề mà Phó thủ tướng nhấn mạnh là tăng cường học thực hành, ngoại ngữ ở bậc học phổ thông.

Về GDĐH, Phó thủ tướng cho biết ngành GD đang kiểm soát chất lượng bằng chuẩn đầu ra của SV và yêu cầu các trường công khai. Hiện đã có 60 % các trường công bố được chuẩn này. Chuẩn đầu vào cũng đã được ngành GD đưa ra cho cả bậc học phổ thông và ĐH. Các chuẩn này quy định về cơ sở vật chất, giáo viên. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc hợp chuẩn được bậc phổ thông tuân thủ nghiêm chỉnh hơn, còn nhiều cơ sở GDĐH lại chưa đáp ứng được chuẩn này. Đối với nội dung quản lý nhà nước về GD, Phó thủ tướng cho rằng các bộ ngành khó có thể kiểm soát được hết tình hình thực tế nên chính quyền địa phương phải cùng góp sức vào việc này. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, thời gian qua ngành GD đã có những lớp bồi dưỡng cho các hiệu trưởng, đầu tàu của cơ sở GD và đang chờ giải pháp này phát huy kết quả.

Về GD mầm non, Phó thủ tướng khẳng định các em dưới 5 tuổi về cơ bản vẫn được học tập nhưng cũng mong đại biểu thông cảm với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay. Về GDCN, Phó thủ tướng cho biết, trong năm 2011, trong 100 em học thi tốt nghiệp thì gần 55 em được tiếp nhận vào CĐ, ĐH. Đó là một thành tựu của ngành. Việc đào tạo chuyên nghiệp cũng đã được huy động xã hội hóa, là hình thức kinh doanh không lợi nhuận. Phó thủ tướng nhấn mạnh các địa phương, doanh nghiệp phải tăng cường hơn nữa việc “đặt hàng” ngành GD để góp phần đào tạo ra SV sát với yêu cầu thực tế. Phó thủ tướng khẳng định, hiện nay tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" không còn nữa. Công nhân đang là đội ngũ chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó mới đến những người có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chấn vấn diễn ra rất thẳng thắn, sôi nổi; thể hiện sự quan tâm của đại biểu QH và cử tri cả nước đối với GD&ĐT nước nhà.

Nhất Nguyên

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/3002/201111/Nhin-thang-vao-thanh-tuu-va-han-che-cua-GD-DT-1956059/