Nhật sẽ trở lại vị trí cường quốc châu Á !

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tuần vừa rồi đã tuyên bố sẽ đưa Nhật Bản trở lại vị trí cường quốc Châu Á bằng cam kết khôi phục ảnh hưởng đang ngày càng bị Trung Quốc che mờ của nước này trong khu vực. Tuyên bố “Nhật Bản đang trở lại” của ông Abe đang khiến Bắc Kinh “lo lắng phát sốt”.

-

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

"Nhật Bản không phải và sẽ không bao giờ là một quốc gia hạng hai. Tôi xin nhắc lại, tôi đang trở lại và Nhật Bản cũng đang trở lại”, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói như vậy trong một bài phát biểu trước giới lập chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông này với Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu vừa rồi (22/2).
"Trong thời đại sự nổi lên của Châu Á, đã đến lúc Nhật Bản phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc củng cố các quy định và giá trị chung trong khu vực”, ông Abe cho biết.
Tuyên bố “Nhật Bản đang trở lại” của ông Abe có thể khiến Trung Quốc lo lắng và tức giận bởi giới lãnh đạo nước này đang hối hả và nóng lòng muốn biến Trung Quốc trở thành một lực lượng chính trị thống trị hơn về mặt chính trị ở Châu Á dựa trên vị thế là cường quốc kinh tế lớn nhất khu vực.
Giải thích về quyết tâm “quay trở lại” vị trí cường quốc Châu Á, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, Nhật Bản “đơn giản chỉ không thể tiếp tục dung thứ cho bất kỳ hành động thách thức nào nữa ở hiện tại cũng như trong tương lai”. Quyết tâm của Nhật Bản được thể hiện qua việc nước này lần đầu tiên trong nhiều năm tăng chi tiêu quân sự và kiên quyết đối đầu đến cùng với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, ông Abe cũng bảo đảm với giới lãnh đạo Mỹ rằng, ông này đang nỗ lực nhằm tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc. “Chúng tôi luôn để ngỏ cửa cho giới lãnh đạo Trung Quốc”, ông Abe nói, ám chỉ đến khả năng đối thoại giữa lãnh đạo hai nước Trung, Nhật nhằm giải tỏa căng thẳng trên biển Hoa Đông. Washington đã thể hiện rõ rằng, nước này không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuần trước, Thủ tướng Abe đã có chuyến thăm chính thức đến Mỹ với mục đích là để xóa bỏ những mâu thuẫn được cho là xuất hiện trong mối quan hệ liên minh chặt chẽ Mỹ-Nhật thời chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền này đã bị Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đánh bại trong cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái. Ngay khi lên cầm quyền, ông Abe muốn khẳng định và củng cố mối quan hệ khăng khít lâu bền với Nhật nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt trong khu vực.
Tỉ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Abe tăng vọt
Sự quyết liệt của Thủ tướng Abe trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản cũng như trong cuộc đối đầu với nước láng giềng Trung Quốc được cho là nguyên nhân giúp tỉ lệ ủng hộ của dân chúng Nhật đối với chính phủ của ông này tiếp tục tăng mạnh, lên mức kỷ lục 72,8%.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày hôm qua (24/2), tỉ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Abe đã tăng thêm 6,1% điểm lên mức 72,8%. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ ủng hộ một chính phủ của Nhật Bản vượt qua ngưỡng 70% kể từ năm 2009 đến giờ.
Tỉ lệ không ủng hộ chính phủ Nhật Bản hiện tại chỉ đứng ở mức 16,2%.
Tính theo tỉ lệ ủng hộ đảng, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Abe giành được 46,9% lá phiếu ủng hộ. Đảng Nippon Ishin no Kai (tạm dịch Đảng Khôi phục Nhật Bản) nhận được 8,3% sự ủng hộ; Đảng New Komeito — một đối tác trong liên minh cầm quyền, giành được 5,5% lá phiếu; Đảng Của bạn được 3,0 sự ủng hộ; Đảng Cộng sản – 2,2%; Đảng Xã hội – 1,0% và Đảng Seikatsu no To (Đảng Phong cách sống) – 0,8%.
Tỉ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ Nhật Bản – đảng vừa cầm quyền trong 3 năm vừa rồi và vừa bị đánh bại bởi Đảng Dân chủ Tự do, chỉ đạt con số khiêm tốn 6,0%. Đây là mức ủng hộ thấp nhất dành cho đảng này kể từ khi nó được thiết lập năm 1998.
Có thể nói, chỉ vỏn vẹn trong vài tháng lên cầm quyền, ông Abe đã “ghi điểm” rất nhiều trong mắt người dân Nhật Bản khi ông này thể hiện sự quyết tâm cũng như quyết liệt trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của đất nước.
Vấn đề mà người dân Nhật Bản được cho là quan tâm nhất chính là khôi phục nền kinh tế vốn từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện tại, vị trí này đang bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Nền kinh tế Nhật Bản trong những năm gần đây đang đối mặt với sự trì trệ rất lớn. Nhiều đời Thủ tướng đã qua nhưng nền kinh tế của nước Nhật vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của sự suy thoái. Sau khi lên cầm quyền, ông Abe đã “tung” ra một loạt các biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế Nhật. Ông cũng đã cử rất nhiều phái đoàn đến các nước trong khu vực và mới đây ông cũng đích thân đến Mỹ để tìm kiếm việc tăng cường hợp tác kinh tế, giúp kinh tế Nhật phát triển trở lại. Với những bước đi đầy mạnh mẽ hiện nay của Thủ tướng Abe, người dân Nhật được cho là đang đặt nhiều kỳ vọng vào ông này.
Ngoài vấn đề kinh tế then chốt, cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng được người dân Nhật rất quan tâm, để ý. Đối diện với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt trong khu vực, Thủ tướng Abe đã thể hiện một lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước. Trong thời gian qua, ông Abe đã có nhiều quyết định nhằm chuẩn bị sẵn sàng tư thế đối đầu đến cùng với nước láng giềng Trung Quốc. Những bước đi mang tính kích thích lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc đó đã giúp ông Abe ghi điểm thêm trong mắt người dân trong nước.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=772124