Nhân dân tệ tăng giá so với USD: Cửa nào cũng khó

(DĐDN) - Mặc dù đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc lên giá so với đồng đô la Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn không tận dụng được lợi thế này.

Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá tất yếu dẫn tới giá hàng hóa đầu vào tăng và sẽ được chuyển hết vào giá thành

Giá đắt, nhập khẩu vẫn tăng

Từ năm 2003 đến nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có xu hướng tăng giá ngày càng mạnh so với đồng đôla Mỹ. Nếu tại thời điểm 2003, 1 USD ăn 8,28 đồng Nhân dân tệ thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn là 1:6,14. Như vậy sau 10 năm, đồng Nhân dân tệ đã tăng 34% so với USD. Trong khi đó ở giai đoạn này, đồng tiền Việt Nam liên tục giảm giá so với USD. Do đồng tiền Việt Nam được neo khá chặt vào USD nên khi đồng Nhân dân tệ lên giá so với USD thì tương quan giá trị giữa Nhân dân tệ và đồng Việt Nam cũng sẽ thay đổi. Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ sẽ khiến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đắt lên và có tác dụng làm giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, do chậm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và đầu tư mạnh vào nguyên vật liệu nên hiện nay nhu cầu về nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo sản xuất của ngành dệt may Việt Nam vẫn rất cao, đến 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi. Ngoại trừ bông nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Úc… hầu hết các mặt hàng còn lại như xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu các loại đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam thường giao dịch với bạn hàng Trung Quốc bằng USD, trong khi đồng USD tăng giá so với đồng tiền Việt Nam nên vẫn phải chịu tác động tăng giá khi mua hàng từ Trung Quốc. Theo ông Kiệt, nhẽ ra thành phẩm Trung Quốc như quần áo, da giày nhập vào Việt Nam sẽ đắt hơn hàng hóa nội địa, tạo cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng nếu Nhà nước không kiểm soát được việc buôn lậu, trốn thuế thì cơ hội này cũng sẽ mất đi.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Việt, chuyên kinh doanh hóa chất cho biết: “Thực tế, dù giá hàng hóa của Trung Quốc tăng, nhưng so với nước khác vẫn rẻ hơn và chất lượng chấp nhận được nên doanh nghiệp Việt vẫn phải nhập hàng. Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá tất yếu dẫn tới giá hàng hóa đầu vào tăng và sẽ được chuyển hết vào giá thành”.

Các chuyên gia đều rất kỳ vọng việc đồng Nhân dân tệ tăng giá sẽ cải thiện được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam, nhưng theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm trị giá nhập khẩu máy móc thiết bị của doanh nghiệp nước ta từ Trung Quốc vẫn đạt 2,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguyên vật liệu cho ngành dệt may da giày là 2,56 tỷ USD, tăng 24,8%; sắt thép các loại 1,78 triệu tấn, tăng 65,4%; hóa chất 395 triệu USD, tăng 1,5%. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam với 826 nghìn tấn, tăng 8,6% và chiếm 42,2% tổng sản lượng phân bón cả nước phải nhập về. Một khi đồng Nhân dân tệ tăng giá thì giá trị nhập khẩu còn tăng cao hơn. Hệ quả là chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao thì giá thành sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

Ở góc nhìn khác, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc đồng Nhân dân tệ tăng giá càng thúc đẩy nhập siêu vào Việt Nam. Vì khi đồng tiền đắt lên thì Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào các hàng hóa có giá trị gia tăng cao và xuất khẩu sang nước khác những ngành công nghiệp cấp thấp với mục đích tận dụng nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ của nước sở tại. Như vậy, trên thị trường xuất khẩu, hàng hóa của Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn so với của Việt Nam, trong khi các cơ sở sản xuất của Trung Quốc tại Việt Nam thông qua con đường đầu tư nước ngoài lại thường không có công nghệ nguồn, gây ô nhiễm môi trường và những tác hại khác.

Thực tế cho thấy, có hàng loạt gói thầu mà các công ty Trung Quốc giành được với rất nhiều hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng). Qua đó, các công ty Trung Quốc nhập từ máy móc, thiết bị, vật liệu, đến sắt thép và thậm chí cả nhân công vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam gần như không hưởng lợi được gì từ đầu tư của Trung Quốc.

Xuất khẩu vẫn cứ lép vế

Ở chiều xuất khẩu, khi Đồng Nhân dân tệ tăng giá có nghĩa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có lợi vì giá rẻ hơn. Song song đó, trên thị trường thế giới, hàng Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn với so với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và nguyên liệu thô từ Việt Nam nên các doanh nghiệp có hàng xuất sang thị trường này không tận dụng được lợi thế về tỉ giá.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, do đồng Nhân dân tệ lên giá, gạo Việt Nam trở nên rẻ hơn, nên trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam rất mạnh. Ông Phong cho rằng, về lý thuyết thì hàng Việt Nam có ưu thế xuất khẩu cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nếu mua nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất thì yếu tố về giá phản ánh hoàn toàn vào thành phẩm, đồng nghĩa là hàng của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Một yếu tố khác, vì giá xuất khẩu đắt hơn nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm để bù đắp cho giá. Với hai yếu tố này xem ra xuất khẩu Việt Nam vẫn gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Trần Minh

Email Print

hàng Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ, tăng giá, giá thành, USD, doanh nghiệp

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130807025630229cat163/nhan-dan-te-tang-gia-so-voi-usd-cua-nao-cung-kho.htm