Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những ca khúc ngợi ca Tổ quốc và Bác Hồ

(CATP) Đầu năm 2005, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đến tận tòa soạn tặng tôi tập Ca khúc Phạm Minh Tuấn vừa được NXB Văn Nghệ TPHCM phát hành giới thiệu 113 bài hát, “gia tài” gần cả đời sáng tác của anh, trong đó có bài hát Dấu chân phía trước phổ thơ tôi, in trang trọng suốt 4 trang sách nhạc khổ lớn. Nhìn mái tóc anh “muối” đã nhiều hơn “tiêu”, tôi giật mình nhớ ra thời gian vút qua mau quá! Mới ngày nào tôi vừa bước chân ra khỏi giảng đường và viết bài thơ Dấu chân phía trước, cùng năm đó, lúc Phạm Minh Tuấn phổ bài thơ này thành ca khúc thì anh cũng vừa tốt nghiệp Khoa sáng tác Nhạc viện TPHCM. Lúc đó Phạm Minh Tuấn và tôi chưa hề quen biết...

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (trái) và nhà thơ Hồ Thi Ca - hai tác giả của Dấu chân phía trước Những nốt nhạc của Phạm Minh Tuấn đã đồng cam cộng khổ cùng cuộc kháng chiến ở miền Nam. Hồi mới giải phóng, bài hát Qua sông của anh ngày đêm vang vọng trên phát thanh, truyền hình. Điều đặc biệt ở người nhạc sĩ này là anh “mát tay” với các ca khúc phổ thơ như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh), Khát vọng (thơ Đặng Viết Lợi), Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên), Mùa xuân (thơ Êlêna Sưpơman, dịch lời Việt)... Trong đó, Đất nước là một khúc tráng ca hát về Tổ quốc, ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đau đáu hy sinh cho nước nhà... Có lần nhà thơ Tạ Hữu Yên vào TPHCM, đi chơi nhưng ông nhà thơ già vẫn mặc áo lính nghiêm chỉnh, gặp tôi ông nhờ gửi lời thăm nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Tạ Hữu Yên được xếp vào hàng nhà thơ có kỷ lục với hơn 150 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc, thế nhưng tôi nghĩ Đất nước của ông khi vào nhạc Phạm Minh Tuấn là được cả nước hát với tần suất nhiều nhất! Khắp nơi đâu đâu cũng vang lên lời hát: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ... Cái tài tình của nhạc sĩ họ Phạm này là anh luôn tìm ra “cánh cửa” mở rất ấn tượng để “mở vào” ca khúc của mình. Với Đất nước thì là hình ảnh thon thả giọt đàn bầu. Còn với Dấu chân phía trước viết về hình tượng Bác Hồ thì anh không ngại mang câu thơ thứ... 30 của tôi lên làm lời mở đầu cho bài hát Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa..., tạo “cảm giác mạnh” khiến người nghe khó quên! Anh luôn chăm chút cho tác phẩm của mình. Lần đầu, khoảng năm 1982, tôi được nhạc sĩ Tăng Minh Thành (đã qua đời, lúc đó là biên tập viên âm nhạc của Đài TNND TPHCM) cho biết ông vừa thu thanh một ca khúc mới của Phạm Minh Tuấn phổ thơ tôi, đó cũng là lần đầu tôi được nghe Dấu chân phía trước qua giọng ca Tuấn Phong. Sau khi ca khúc này được UBND TPHCM trao giải đặc biệt trong một cuộc thi, Phạm Minh Tuấn gặp tôi đề nghị sẽ bỏ hết tiền giải ra để dàn dựng, phối âm phối khí lại. Thời gian sau tôi được nghe một Dấu chân phía trước mới toanh dưới hình thức hợp xướng thật hùng vĩ, Cao Minh là giọng lĩnh xướng... Từ đó, Dấu chân phía trước tìm được chỗ đứng trong tim người nghe. Chỉ với hai bài hát Đất nước và Dấu chân phía trước - chưa kể đến những Qua sông, Đường tàu mùa xuân, Rừng gọi, Mùa xuân từ những giếng dầu, Bài ca không quên - Phạm Minh Tuấn cho thấy cảm xúc sáng tác của anh luôn hướng đến tình cảm chung của dân tộc về Tổ quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và “cái chung” thường mang lại cho Phạm Minh Tuấn những tác phẩm thành công hơn...

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=32779&mod=detnews&p=