Người cha có thể thay thế?

Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga V.D.Adislavski còn đưa ra lời khuyên, nếu đứa trẻ không may mắn rơi vào hoàn cảnh thiếu cha thì nên có một người đàn ông nào đó tham gia vào quá trình giáo dục nó cùng với mẹ.

Không ít người nghĩ rằng, bây giờ nam nữ bình đẳng, trong việc giáo dục con cái, vai trò người cha và mẹ đều quan trọng như nhau. Nhưng thực ra, mỗi vai trò có nét đặc thù riêng của nó. Cha không thể thay mẹ và mẹ cũng không thể thay thế cha. Nếu hiểu điều đó, chúng ta sẽ có cách khắc phục để con đỡ bị thiệt thòi.

Trước hết phải thấy rằng, do đặc điểm nữ tính, phụ nữ thường gặp những khó khăn nhất định trong việc dạy con. Bởi vì, phụ nữ dễ xúc động, quá nhạy cảm và do đó có khi không nhất quán. Con xin đi chơi xa với bạn, hôm trước mẹ nói “không được” chắc như đinh đóng cột nhưng hôm sau thấy con khóc lóc lại cho đi. Nói như thế có làm xấu đi hình ảnh người phụ nữ chút nào không? Trái lại, người mẹ phải như thế. Người mẹ thai nghén, người mẹ cưng nựng, người mẹ che chở nhưng người mẹ có hạn chế trong việc dạy con.

Hãy quan sát khi đứa trẻ học nói. Nó nói ngọng không ai hiểu nhưng người mẹ vẫn cười âu yếm và “phiên dịch” lại cho mọi người nghe. Nhưng ông bố thường nghiêm mặt bắt nó phát âm lại kỳ được thì thôi. Cho nên nhìn bề ngoài, bố có vẻ dạy con học nói ít hơn nhưng đứa trẻ phát âm đúng được, phần lớn lại là nhờ bố chứ không phải nhờ mẹ. Tất cả những việc dạy con tập làm toán, làm văn rồi sửa chữa đồ điện hay sử dụng máy vi tính đều thế. Người bố thường thích gây cho con những tình huống khó khăn và bắt nó tự giải quyết. Sự cứng rắn, kiên quyết đầy nam tính của người cha là cực kỳ quan trọng mà người mẹ khó có thể thay thế được. Điều tra của ngành giáo dục Hà Nội cho thấy gần 80% học sinh giỏi từ cấp thành phố trở lên đều có một “thầy giáo” ở nhà là bố, anh hay ông. Nghĩa là đàn ông chứ không phải mẹ, dù mẹ là giáo viên.

Vai trò khó thay thế

Tất nhiên không phải bất kì người đàn ông nào cũng có khả năng và đủ nhân cách để giáo dục con nhưng chắc chắn tỷ lệ đàn ông kiên quyết hơn trong việc dạy con cao hơn phụ nữ. Điều đó giúp ta hiểu thêm câu nói của ông cha: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga, V.D.Adislavki còn đưa ra lời khuyên, nếu đứa trẻ không may rơi vào hoàn cảnh thiếu cha thì nên có một người đàn ông nào đó tham gia vào quá trình giáo dục nó cùng với mẹ. Người đó có thể là chú, bác, ông, một người họ hàng hay cùng lắm là người ngoài nhưng là đàn ông. Nếu không nó sẽ bị thiệt thòi, nhất là đối với con trai.

Khi đã bắt tay vào dạy con, người đàn ông thường dạy có bài bản và hiểu biết hơn. Cũng vì bố thường ít bận bịu chuyện nội trợ nên có nhiều thời gian xem tivi, xem báo và biết lắm chuyện “trên trời dưới bể” hơn để trả lời hàng trăm câu hỏi của con.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều ông bố không quan tâm mấy đến con cái, viện cớ đi làm suốt ngày đã mệt, họ phải nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem phim. Trong khi đứa con đang lứa tuổi “một trăm cái tại sao” với bao nhiêu câu hỏi cho bố giải đáp. Những câu mà nó không thể hỏi mẹ, vì mẹ đang trong bếp và nhiều khi cũng không biết hoặc ngại trả lời. Có những câu hỏi khá “hắc búa”. “Tại sao điện giật?”, “Tại sao con có “chim” mà em gái lại không có?”. Cho nên mẹ thường quát: “Hỏi gì hỏi lắm thế?”. Nó chỉ còn trông vào bố, thế mà có ông bố muốn thoát khỏi con bằng cách cho nó tiền đi mua kem, đi chơi điện tử. Có ông thấy con cứ bám lấy mình còn hỏi: “Sao con không có bạn à?”.

Những con số từ Ủy ban quốc gia về trẻ em cho thấy, không thể có được sự giáo dục trọn vẹn đứa trẻ, đặc biệt là bé trai trong một gia đình không đầy đủ cha mẹ. Nhiều trẻ em từ những gia đình không trọn vẹn đó vẫn bổ sung vào đội ngũ các cháu được gọi là “học sinh cá biệt”, và các tội phạm vị thành niên, nghiện hút ma túy, trộm cắp, đua xe. Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế là, có những gia đình chỉ trọn vẹn về hình thức, nhưng thực tế còn tồi tệ hơn cả những gia đình không có cha. Đó là những người bố vô trách nhiệm, rượu chè bê tha, nghiện hút… họ có con nhưng không có tư cách dạy con. Cũng có những ông bố còn quá trẻ, còn nhiều thú vui lôi cuốn họ hơn là việc dạy con. Thêm vào đó, khi nào bà nội cũng sẵn sàng: “Thôi đi đi, để mẹ ngồi với cháu cho!”.

Thay đổi quan niệm – khó nhưng vẫn có thể

Ngày nay dù chúng ta nói nhiều về bình đẳng nam nữ nhưng tư tưởng nam quyền ăn sâu vào tiềm thức con người qua nhiều thế kỷ vẫn khó phai mờ. Khảo sát cho thấy dàn ông chỉ làm nội trợ bằng 1/4 số thời gian của vợ. Nghĩa là đa số đàn ông vẫn coi vợ là người phục vụ mình. Cho nên việc dạy con về tôn trọng phụ nữ, bình đẳng nam nữ không nên chỉ bằng thuyết lý mà phải lấy chính mình làm gương cho con.

Người ta đã tiến hành một cuộc khảo sát với trẻ em ở tuổi mẫu giáo như sau. Họ đưa ra mấy chục bức tranh về các đồ dùng gia đình và yêu cầu các cháu xếp những thứ đó ra hai nơi: đồ dùng của cha và đồ dùng của mẹ. Một lúc sau các cháu cả nam lẫn nữ phân ra đồ dùng của mẹ gồm: nồi cơm điện, ấm đun nước, máy giặt, máy hút bụi, bàn là, máy xay sinh tố, chổi quét nhà… đồ dùng của cha gồm: tivi, radio, dàn âm thanh, thùng loa, băng đĩa nhạc, sách, áo, bộ đồ uống trà, đi-văng để nằm chơi… Rõ ràng, các cháu vẫn quan niệm đàn ông không phải làm cái gì cả. Điều này phản ánh người cha hầu như chưa tham gia vào công việc gia đình. Lạ lùng là ngay cả các em sống trong gia đình không có cha cũng nghĩ như vậy.

Để phát huy vai trò giáo dục con của chồng, người vợ cần phải hết sức tránh làm mất uy tín của chồng trước mặt con. Đứa con sẽ nghĩ thế nào khi hàng ngày phải chứng kiến mẹ bảo bố là “vô tích sự”, cảnh bố “đình công” nằm ườn ra đi-văng. Thực ra, gia đình ai cũng có mâu thuẫn nhưng nếu người vợ làm mất vai trò giáo dục con của chồng thì gánh nặng ấy lại đặt lên vai họ và kẻ phải gánh thiệt hại đó chính là những đứa con của họ.

Theo Thế giới Mốt

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120718125453114p0c1016/nguoi-cha-co-the-thay-the.htm