Ngọn đuốc Olympic - những điều có thể bạn chưa biết

Cứ mỗi năm mọi người trên khắp thế giới lại háo hức chờ đón người rước đuốc tiến vào sân vận động Olympic và thắp sáng chảo lửa, đánh dấu sự bắt đầu của một kì Thế vận hội mới. Trước khi đến được sân vận động Olympic, ngọn đuốc đã trải qua một hành trình hàng ngàn ki-lô-mét vòng quanh thế giới.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về ngọn đuốc- biểu tượng của Olympic, làm thế nào nó có thể cháy sáng ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, và hành trình rước đuốc của nhân loại từ Olympia, Hy Lạp đến nơi tổ chức Thế vận hội.

Lịch sử ngọn đuốc Olympic

Lửa là biểu tượng cho sức mạnh to lớn của loài người. Lửa làm chín thực phẩm, sưởi ấm và thắp sáng, giúp con người tồn tại suốt hàng ngàn năm qua.

Người Hi lạp cổ đại tôn sùng lửa và quyền lực. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Prometheus đã đánh cắp lửa từ thần Zeus và đưa nó cho con người. Để đón nhận lửa từ thần Prometheus, người Hy Lạp tổ chức các cuộc đua tiếp sức. Vận động viên cần vượt qua một ngọn đuốc thắp sáng với nhau cho đến khi người chiến thắng cán đích.

Người Hy Lạp đã tổ chức kỳ Olympic đầu tiên của họ vào năm 776 TCN. Olympic được tổ chức bốn năm một lần tại Olympia nhằm tôn vinh thần Zeus và các vị thần Hy Lạp khác. Thế vận hội cũng đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ hòa bình đối với người Hy Lạp , những người phải đối diện với chiến tranh liên miên. Khi bắt đầu một kì Olympic , một người được gọi là "sứ giả hòa bình" sẽ đi qua khắp các vùng đất của Hy Lạp, tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn "thiêng liêng" cho tất cả các cuộc chiến tranh giữa các thành bang. Các thỏa thuận ngừng bắn sẽ vẫn được giữ nguyên trong suốt thời gian của Olympic, để đảm bảo an toàn cho khán giả đến xem các cuộc thi tài.

Ngọn lửa cháy là thứ trang hoàng không thể thiếu trong đền thờ các vị thần Hi lạp. Tại Olympia, đã có một đền thờ dành riêng cho Hera, nữ thần của sinh sản và hôn nhân. Khi bắt đầu Olympic, người Hy Lạp sẽ đốt cháy một cái vạc lửa trên bàn thờ của Hera. Họ thắp sáng ngọn lửa bằng cách sử dụng một đĩa rỗng hoặc gương được gọi là “skaphia” như gương parabol, tập trung tia sáng mặt trời vào một điểm duy nhất để thắp sáng ngọn lửa. Ngọn lửa bùng cháy suốt kì Olympic là biểu trưng của sự tinh khiết, lý trí, và hòa bình.

Khoảng một ngàn năm sau đó, người Hy Lạp đã ngừng tổ chức Olympic của họ vì nhiều lý do. Nghi lễ rước đuốc và thắp sáng chảo lửa Olympic cũng bị dừng lại. Mãi đến tận năm 1896, kì Olympic hiện đại đầu tiên mới được tổ chức tại Athens, Hi Lạp nhưng ngọn đuốc Olympic phải mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện trở lại.

Sự ra đời của rước đuốc hiện đại

Thế vận hội Amsterdam năm 1928 là kì Thế vận hội hiện đại đầu tiên đánh dấu sự quay trở lại của hình ảnh ngọn lửa cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tranh tài. Đài lửa được thắp sáng, nhưng không có rước đuốc.

Đến năm 1936 tại Thế vận hội mùa hè Berlin, rước đuốc mới chính thức trở thành một phần của Olympic hiện đại để thể hiện sự kết nối với lịch sử. Ngọn lửa được thắp sáng tại Olympia, Hy Lạp giống như hàng thế kỉ trước và sau đó được truyền đến Berlin nơi diễn ra Thế vận hội.

Tuy nhiên mãi tới tận năm 1952 rước đuốc mới được tiến hành tại một kỳ Thế vận hội mùa đông. Na Uy, nơi khai sinh của môn trượt tuyết được chọn làm nơi thắp đuốc Olympic năm đó. Và kể từ Thế vận hội 1964 tại Innsbruck, Áo, tất cả các Thế vận hội Olympic mùa đông và mùa hè đều có hành trình thắp đuốc tại Olympia và truyền nó đến đài lửa sân vận động Olympic.

Thiết kế ngọn đuốc Olympic

Ngọn đuốc đầu tiên được sử dụng trong Thế vận hội hiện đại (Berlin 1936) được làm bằng một thanh thép mỏng và phần tháp đuốc là một đĩa thép tròn.

Thiết kế ngọn đuốc Thế vận hội hiện đại lấy cảm hứng từ thiết kế của John Hench, một nghệ sĩ của hãng Disney, người đã thiết kế ngọn đuốc cho Thế vận hội Mùa đông 1960 Squaw Valley, California. Thiết kế của ông tạo nên cơ sở của các ngọn đuốc sau này. Kể từ đó, các nhà thiết kế đã cố gắng để tạo ra một ngọn đuốc đại diện cho nước chủ nhà và chủ đề cho Thế vận hội Olympic.

Một ngọn đuốc có thể mất từ một đến hai năm để thiết kế và sản xuất. Và một khi ngọn đuốc hoàn thành, nó phải được kiểm tra nghiêm ngặt trong tất cả các loại điều kiện thời tiết. Ngọn đuốc sau đó phải được sản xuất lên tới hàng ngàn chiếc (từ 10.000 đến 15.000) để phục vụ cho hành trình rước đuốc vòng quanh thế giới. Mỗi người tham gia đều có cơ hội mua lại ngọn đuốc vào cuối hành trình rước đuốc của họ.

Một ngọn đuốc có những thành phần cơ bản sau đây:

• Nhiên liệu: để tạo lửa

• Hệ thống bơm nhiên liệu: đưa ngọn lửa bùng cháy trên đỉnh ngọn đuốc.

• Thiết kế khí động học: đảm bảo ngọn đuốc có trọng lượng nhẹ và an toàn cho người cầm.

Ngọn lửa đuốc Olympic

Yêu cầu đầu tiên là ngọn đuốc luôn cháy sáng trong toàn bộ hành trình rước dù trong điều kiện khí hậu như thế nào đi nữa. Ngọn đuốc cũng phải đảm bảo:

• Trọng lượng vừa phải để người cầm cảm thấy thoải mái (1,4 đến 1,8 kg)

• Bảo vệ người rước khỏi sức nóng của ngọn lửa (cũng như từ các mảnh vỡ nóng rơi xuống từ ngọn lửa)

• Mang theo đủ nhiên liệu để ở lại thắp sáng cho toàn hành trình

• Có một ngọn lửa sáng chói mà mắt có thể nhìn thấy ngay cả trong một ngày nắng.

Một số ngọn đuốc được sử dụng một hỗn hợp của hexamine (một hỗn hợp của formaldehyde và ammonia) và naphthalene với một chất lỏng dễ bắt lửa. Những chất này không phải lúc nào cũng hiệu quả mà đôi khi còn gây nguy hiểm. Trong kì Thế Vận hội 1956, các mảnh vỡ nóng rơi xuống từ ngọn đuốc cuối cùng trong hành trình rước đuốc đã làm cháy cánh tay người cầm.

Nhiên liệu lỏng đầu tiên được sử dụng cho ngọn đuốc vào năm 1972, tại Thế vận hội Munich. Ngọn đuốc kể từ đó sử dung nhiên liệu lỏng, an toàn cho những người rước đuốc và cất trữ dễ dàng hơn.

Cấu tạo ngọn đuốc

Bức ảnh phía trên là ngọn đuốc được thiết kế cho Thế vận hội mùa hè Atlanta năm 1996. Ngọn đuốc được làm từ nhôm và có chứa một bể nhiên liệu nhỏ bên trong. Nhiên liệu được bơm lên và đi qua một van đồng với hàng ngàn các khe hở nhỏ xí, bị nén lại và tạo ra áp suất. khi đi qua các khe hở này, áp lực giảm nhiên liệu lỏng biến thành khí đốt. Các lỗ nhỏ duy trì một áp lực cao để giữ cho ngọn lửa cháy liên tục ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Ngọn đuốc năm 1996 sử dụng nhiên liệu là propylene, giúp tạo ra một ngọn lửa sáng. Nhưng propylene lại chứa lượng lớn cacbon nên sản sinh ra quá nhiều khói.

Năm 2000, những người thiết kế ngọn đuốc Thế vận hội Sydney, Australia đã tạo ra ngọn đuốc với một thiết kế nhẹ hơn, không tốn kém và thân thiện với môi trường. Nhiên liệu đốt là một hỗn hợp của 35% propane và 65% butan, tác dụng đốt cháy mạnh mà không sinh ra nhiều khói. Hỗn hợp khí propan butan có thể tồn tại ở dạng lỏng áp suất khá thấp nên nó có thể được lưu giữ trong một bình chứa nhỏ một cách dể dàng.

Các nhiên liệu lỏng được trữ trong một bình nén nhỏ bằng nhôm nằm khoảng lưng chừng ngọn đuốc, được bơm đến đỉnh ngọn đuốc qua một đường ống. Trước khi rời khỏi các đường ống, nhiên liệu đi qua một van nhỏ. khi nó di chuyển thông qua các lỗ trên van, áp suất giảm xuống, nhiên liệu dạng lỏng biến thành khí đốt. Van này luôn duy trì lượng nhiên liệu bơm ra giúp duy trì cường độ ngọn lửa. Ngọn đuốc có thể cháy trong vòng 15 phút.

Các ngọn đuốc kể từ sau năm 1996 và 2000 đã sử dụng hệ thống đốt cháy để tạo ra ngọn lửa kép qua đó có thể cháy được ngay cả trong điều kiện gió thất thường. Ngọn lửa bên ngoài cháy chậm và ở nhiệt độ thấp hơn so với ngọn lửa phía trong. Ngọn lửa này lớn và có màu da cam, vì thế nó có thể được nhìn thấy rõ ràng, nhưng lại kém ổn định trong gió. Ngọn lửa phía trong cháy ở nhiệt độ cao hơn, nên có màu xanh, tuy nhỏ nhưng rất ổn định. Nó đóng vai trò như lửa mồi, nếu ngọn lửa phía ngoài bị tắt thì vẫn có thể tự bùng lại được.

Để phục vụ cho cuộc rước đuốc dưới nước năm 2000 qua rặng san hô nổi tiếng Great Barrier, ngọn đuốc được thiết kế đặc biệt từ bên trong để có thể đốt cháy cả trong nước và trên đất liền. Thiết kế đuốc Olympic trong tương lai sẽ tiếp tục được cải thiện để đảm bảo an toàn và có độ tin cậy ngày càng lớn hơn.

Nếu thời tiết ngày diễn ra nghi lễ không thuận lợi người nữ tu sẽ tiến hành thắp đuốc bằng ngọn lửa dự phòng được thắp sáng vào một ngày nắng trước buổi lễ. Ngọn lửa sau đó được giữ trong một vạc lửa và được mang tới đền thờ bên trong sân vận động Olympic cổ đại, nơi những người Hi Lạp cổ đại dùng để thắp sáng ngọn đuốc cho người rước đuốc đầu tiên. Đối với các Thế vận hội mùa đông, việc truyền lửa bắt đầu tại tượng đài Pierre de Coubertin (người sáng lập Olympic hiện đại vào năm 1896), nằm gần sân vận động đó.

Rước Đuốc

Sau buổi lễ thắp đuốc ở Olympia, Hy Lạp, hành trình rước đuốc bắt đầu. Hội đồng tổ chức Olympic (OCOG) xác định các tuyến đường, cũng như chủ đề, phương thức vận chuyển của ngọn đuốc, và các điểm dừng mà nó sẽ mang theo con đường của mình cho lễ khai mạc.

Ngọn đuốc thường được đưa từ nước này sang nước khác bằng máy bay. Khi đến một thành phố, ngọn đuốc sẽ được rước bằng đi bộ trong một ngày.

Trong hành trình rước, ngọn đuốc sẽ được cất giữ trong một thùng chứa đặc biệ. Trên máy bay, ngọn lửa thường được lưu trữ trong một bóng đèn, giống như một ngọn đèn của thợ mỏ. Đêm đến ngọn đuốc được giữ trong một chiếc vạc đặc biệt cho đến khi hành trình rước bắt đầu vào ngày hôm sau.

Hành trình rước đuốc Olympic giống như một cuộc thi chạy tiếp sức. Mỗi người chỉ có thể cầm ngọn đuốc trong một thời gian nhất định của hành trình. Khi một người hoàn thành nhiệm vụ của mình, ngọn đuốc sẽ được chuyển cho người tiếp theo.

Được lựa chọn là người rước đuốc luôn được coi là một vinh dự tuyệt vời đối với mỗi người. Họ thường là các vận động viên, diễn viên, nhạc sĩ, và các chính trị gia. Tuy nhiên, gánh nặng của việc chạy bộ được thực hiện bởi những công dân bình thường trên toàn thế giới.

Bất kì ai cũng có thể tham gia rước đuốc Olympic, với điều kiện là tối thiểu từ 14 tuổi và có thể tham gia diễu hành ít nhất là 400 mét. Người tàn tật cũng có thể được tham gia rước đuốc trên xe lăn. Người cầm đuốc được lựa chọn bởi các nhà tài trợ và ban tổ chức Olympic, thường là những người có đóng góp đáng kể cho cộng đồng hoặc là đại sứ cho chủ đề của Thế vận hội. Người đó cũng có thể là các thành viên của các bên tham gia tài trợ cho Olympic.

Mỗi ngọn đuốc được đi kèm bởi một đoàn caravan với nhân viên an ninh, đội ngũ y tế, các phương tiện truyền thông, và ngọn đuốc dự phòng trong trường hợp ngọn đuốc chính bị tắt.

Vào cuối hành trình rước, người rước đuốc cuối cùng sẽ tiến vào sân vận động Olympic ở thành phố chủ nhà. Danh tính của người này thường được giữ bí mật cho đến giây phút cuối cùng. Người rước đuốc cuối cùng thường là một vận động viên Olympic, huyền thoại thể thao, hoặc cá nhân những người đã có đóng góp đặc biệt cho xã hội. Người đó chạy xung quanh sân vận động một lần, rồi thắp sáng chảo lửa Olympic, đánh dấu một Thế vận hội mới chính thức bắt đầu. Ngọn lửa chỉ ngừng cháy tại Lễ bế mạc Thế vận hội.

Tham khảo: Howstuffwork

Nguồn GameK: http://genk.vn/c198n20120730105511583/ngon-duoc-olympic-nhung-dieu-co-the-ban-chua-biet.chn