"Nghệ nhân" chậu cây kiểng

QĐND - Đến với Phân đội 4, Trường Đại học Nguyễn Huệ, nhiều người ngạc nhiên khi thấy xung quanh các dãy nhà học viên, ngoài những mô hình cây kiểng được trang trí thẩm mĩ và phong phú như: Cá, rồng nằm, bình hoa đại… còn có những chậu hoa kiểng đúc bằng xi măng, sắp xếp thành từng hàng thẳng tắp, tất cả đã tạo ra một không gian tươi đẹp như công viên. Ở đó đã chứa đựng bao công sức của cán bộ, học viên trong toàn đơn vị và cũng không thể thiếu được bàn tay tài nghệ của Binh nhất Vũ Tuấn Anh, học viên năm thứ nhất, thuộc Đại đội 2 - người được anh em đơn vị đặt cho cái tên “Nghệ nhân chậu cây kiểng”.

Sau khi trúng tuyển vào Học viện Hàng không (hệ cao đẳng) năm 2009, Tuấn Anh theo học một năm, vừa học Tuấn Anh vừa tiếp tục miệt mài ôn thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ) - nguyện vọng đã ấp ủ từ lâu. Tháng 9-2010, Tuấn Anh chính thức trở thành người học viên sĩ quan. Vinh dự và tự hào là thành viên của nhà trường có bề dày truyền thống, Tuấn Anh luôn xác định tốt tư tưởng, có động cơ phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện và có ý thức tốt trong xây dựng đơn vị. Đặc biệt, ngoài giờ học Tuấn Anh đã làm một việc chỉ số ít học viên có thể làm được, đó là tự sản xuất chậu cây kiểng để đơn vị không phải đi mua ngoài. Một buổi sáng cuối tháng tư, thời tiết chuyển mùa, trời trở nên nắng nóng và oi bức, tôi có mặt tại Phân đội 4, cũng là lúc Tuấn Anh cùng với các đồng chí học viên đang miệt mài quay chậu cây kiểng, mỗi người một việc, nhưng trong đó Tuấn Anh đóng vai trò “thợ cả”. Quan sát chúng tôi thấy, dụng cụ và công đoạn để làm ra chậu cũng đơn giản gồm: 1 trục quay (gọi là cây cốt), 1 thang ngang liên kết với khuôn, 1 cái giá gỗ để giữ chắc trục khi quay và sử dụng phương pháp quay ly tâm. Trước hết đổ cát tạo cốt, sau đó đổ vữa xi nhão rồi quay nhiều vòng tạo dáng cho chậu (tùy thuộc vào kích thước của chậu để điều chỉnh thang ngang lên xuống hoặc điều chỉnh khuôn ra vào cho thích hợp), sau cùng là đổ một lớp hồ dầu rồi quay tiếp cho đến khi phẳng mịn. Theo Tuấn Anh, để làm ra được sản phẩm chỉ cần chuẩn bị cát, xi măng, thêm 1 cái bay loại nhỏ và từ 2 đến 3 người có tính cần cù, tỉ mỉ, tập trung cao là có thể làm được và không cần sử dụng đến sức lực nhiều. Tuấn Anh còn tâm sự: "Lúc đầu làm thấy hơi mệt mỏi, căng thẳng, đau lưng, nhưng sau cũng quen dần". Trung úy Võ Thanh Hà, Chính trị viên Đại đội 2 kể: “Trò chuyện với tôi Tuấn Anh đã tiết lộ biết làm chậu cây kiểng từ ở nhà và khi về đơn vị được giao nhiệm vụ đồng chí rất phấn khởi vì sở trường được phát huy. Hằng ngày vào giờ câu lạc bộ, các học viên có thể làm được vài chậu, nhưng trong ngày nghỉ có thể làm được hàng chục chiếc”. Trung tá Đinh Quang Thặng, Chỉ huy trưởng phân đội cho biết: "Chính người cha của Tuấn Anh đã lặn lội từ quê mang lên tặng đơn vị bộ đồ nghề quay chậu cây kiểng. Từ khi đơn vị chuyển đến chỗ ở mới, học viên đã làm thêm được gần 100 chậu, chúng tôi đã tổ chức cho học viên đi kiếm và mua thêm cây mang về trồng. Đến nay, Phân đội 4 đã có hơn 300 chậu cây kiểng lớn nhỏ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục củng cố, bổ sung để làm đẹp thêm cảnh quan môi trường đơn vị". Bài và ảnh: Tạ Đức Hùng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/146307/Default.aspx