Ngành kỹ thuật y sinh – tăng trưởng “nóng” nhưng thiếu nhân lực

SGTT - Mùa tuyển sinh 2010 có thêm rất nhiều ngành học mới và ngành kỹ thuật y sinh là một trong số ngành học còn mới mẻ, chỉ xuất hiện vài năm gần đây. Không có bất cứ lĩnh vực khoa học nào mà mối liên hệ giữa kỹ thuật công nghệ và khoa học về sự sống chặt chẽ như ngành kỹ thuật y sinh.

Theo yêu cầu bạn đọc Kỹ thuật y sinh (KTYS) hiện đang là một lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm của thế giới. Đây là một lĩnh vực đa ngành, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Những sản phẩm của ngành này rất phong phú, bao gồm máy CT-scanner, X-quang, điện tâm đồ, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể người, vật liệu sinh học... Ngành tăng trưởng cao nhất Theo GS.TS Võ Văn Tới, trưởng bộ môn KTYS của trường đại học Quốc tế (đại học Quốc gia TP.HCM), trong hệ thống giáo dục Mỹ ngành KTYS được xem như là một ngành thời thượng, ngay cả trong khi nền kinh tế của Mỹ đang ở thời kỳ khó khăn như hiện nay. Sự tuyển chọn sinh viên sau đại học cũng như giảng viên cho ngành này đều gặp khó khăn vì thiếu người. Ở Mỹ, thống kê năm 2004 cho thấy thu nhập của các công ty thiết bị y tế ở khoảng 88 tỉ USD một năm và có độ tăng trưởng khoảng 23% mỗi năm, trong khi đó độ tăng trưởng chỉ có 10,9% cho tất cả các ngành khác. Tiên đoán của các chuyên gia kinh tế Mỹ cho thấy là công việc có liên quan đến ngành KTYS sẽ phát triển khoảng 26% hằng năm, trong khi đó ngành kế đến là điện và điện tử chỉ ở khoảng 20%. Thống kê năm 2001 của nhóm Engineering Workforce Commission of the American Association of Engineering cho thấy, tỷ số sinh viên bậc đại học của ngành KTYS trên tất cả sinh viên đại học về ngành kỹ thuật của cả nước Mỹ là 2,5%, đây là một con số cao. Số sinh viên KTYS bậc đại học tăng khoảng 30% một năm từ 1991 đến 2001. Số sinh viên phụ nữ theo học KTYS khoảng 45%, đây là con số cao nhất trong tất cả các ngành kỹ sư. Tuy ở Việt Nam hiện chưa có những thống kê tương đương, nhưng theo báo cáo trong cuộc hội thảo “Nghiên cứu chế tạo, sản xuất thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và định hướng tới năm 2020” được tổ chức ngày 16.6.2009 tại Hà Nội, bộ Y tế cho biết khoảng 80% trang thiết bị y tế đang sử dụng tại Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Trước tình hình này, sắp tới bộ Y tế dự định sẽ phối hợp với bộ Công thương xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia để nghiên cứu và chế tạo trang thiết bị y tế nội địa phục vụ nhu cầu cho ngành y dược và khám chữa bệnh. Trong khi đó, KTYS là một ngành học còn rất mới mẻ, chỉ mới xuất hiện trong một vài năm gần đây ở một số trường đại học như đại học Bách khoa TP.HCM, Hà Nội với số sinh viên đầu vào cũng rất thấp. Năm 2010, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của khoa vật lý kỹ thuật (trong đó có ngành vật lý KTYS) của trường đại học Bách khoa TP.HCM chỉ là 60. Trường đại học Quốc tế vừa mới mở ngành KTYS năm 2009 với 27 sinh viên đang theo học và chỉ tiêu dự kiến năm nay của ngành này cũng chỉ 45 sinh viên. Đào tạo kỹ sư lâm sàng Để đáp ứng nhu cầu xã hội, theo GS.TS Võ Văn Tới, bộ môn KTYS tập trung vào định hướng nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thiết bị y tế nhằm đào tạo đội ngũ kỹ sư có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa và chế tạo các thiết bị y tế – còn gọi là kỹ sư lâm sàng. Trong tương lai, nhà trường sẽ chú trọng đến những hoạt động có liên quan đến y học tái tạo nhằm tạo ra các “vật liệu” phục vụ cho công tác chữa bệnh. Mục tiêu của ngành KTYS là đào tạo ra những kỹ sư giỏi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc trong lĩnh vực giao thoa giữa y học, sinh học và kỹ thuật. Chương trình đào tạo được thiết kế với mục tiêu giúp sinh viên tăng khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng tự học và làm việc nhóm cũng như năng lực khoa học và kỹ thuật để có thể giữ vị trí lãnh đạo trong các ngành khoa học và kỹ thuật có liên quan. Còn tại đại học Bách khoa TP.HCM, mục tiêu của ngành vật lý kỹ thuật (chuyên ngành vật lý KTYS học) là đào tạo kỹ sư ngành vật lý kỹ thuật với yêu cầu có kiến thức căn bản vững về khoa học vật lý và công cụ toán – tin học để có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học. Chuyên ngành này là một lĩnh vực công nghệ liên ngành ứng dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật: vật lý, cơ khí, điện tử, hóa học, công nghệ thông tin... trong lĩnh vực y sinh học, đặc biệt trong y khoa. Trong xu hướng phát triển hiện nay, lĩnh vực này không còn hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ có thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị, mà còn bao gồm các lĩnh vực về vật liệu sinh học, trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng y sinh, quy trình kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán điều trị… Năm 2007, hầu hết lớp kỹ sư KTYS đầu tiên của trường đại học Bách khoa TP.HCM đã được nhận vào làm việc tại các công ty, cơ sở bệnh viện, các viện nghiên cứu… Hiện nay, ngành vật lý kỹ thuật của trường này đã và đang phát triển thêm các chuyên ngành mới như: vật liệu y sinh, quang laser – y sinh, tin học y sinh học và y sinh học nano. Như Thuần

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail55.aspx?columnid=55&fld=htmg/2010/0207/62940&newsid=62940