Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng

ND- Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: "Với vị trí là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, vai trò của tổ chức cơ sở đảng rất quan trọng. Phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức này thực sự trong sạch, vững mạnh".

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn không ít khuyết điểm, yếu kém. Nhiều cấp ủy chưa thật sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng đảng; chưa dành thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố TCCSĐ. Khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của nhiều TCCSĐ còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ thuộc TCCSĐ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới, chưa bảo đảm tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục. Chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc; bệnh thành tích còn nặng và khá phổ biến. Công tác quản lý, giám sát, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ở không ít TCCSĐ bị buông lỏng. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi, nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả... Những khuyết điểm, yếu kém, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống liên quan cán bộ, đảng viên nhưng cấp ủy, chi bộ không phát hiện được, khi phát hiện thì việc đấu tranh và xử lý ở nhiều nơi không kiên quyết, triệt để. Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề ra mục tiêu trong năm năm tới phải phấn đấu đạt được là: Tập trung sức để xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở... Để thực hiện đạt mục tiêu trên, cùng với việc tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của TCCSĐ bằng các giải pháp chủ yếu: Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của TCCSĐ trong giai đoạn cách mạng mới nhằm góp phần phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng, bảo đảm tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Tổ chức cho cấp ủy, chi ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt nắm vững và tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và hành động đối với công tác xây dựng đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở cơ sở vốn còn yếu, hạn chế, bất cập. Hai là, đảng ủy, chi ủy cơ sở, từng cấp ủy viên, chi ủy viên cần nắm vững quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng (nhất là về quan điểm, nguyên tắc, thẩm quyền, phương hướng, phương châm, phương pháp, quy trình, thủ tục) và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quan điểm: "Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; "giám sát phải mở rộng", "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm". Ba là, đảng ủy, chi ủy cơ sở thực hiện nghiêm chế độ phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên theo dõi lĩnh vực, địa bàn và tăng cường năng lực, trách nhiệm của các thành viên cấp ủy trong việc chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Từng cấp ủy viên phải nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng thuộc phạm vi phụ trách, đề xuất cấp ủy có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoặc chủ động kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Bốn là, đảng ủy, chi bộ cơ sở phải chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thường xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, sinh hoạt đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, về giữ gìn đạo đức, lối sống để chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, từ trong đảng bộ, chi bộ. Chú trọng giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, tổ chức về năng lực lãnh đạo, quản lý, về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đề cao tự kiểm tra của đảng bộ, chi bộ cơ sở, trước hết là tự kiểm tra của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và cán bộ; việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; việc phân tích chất lượng đảng viên hằng năm của các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở để bảo đảm thực chất. Năm là, đảng bộ cơ sở phải coi trọng phát huy vai trò trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra trong việc tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Những TCCSĐ gặp khó khăn, trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thì cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp trên phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đảng bộ, chi bộ cơ sở tháo gỡ và thực hiện có kết quả. Đưa việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thành chỉ tiêu thi đua, phân loại, đánh giá chất lượng TCCSĐ hằng năm. Tăng cường phối hợp giữa đảng ủy, chi bộ cơ sở với tổ chức đảng cấp trên, với thanh tra của cơ quan, thanh tra nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân nơi cán bộ, đảng viên cư trú tham gia kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát". Sáu là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy viên, chi ủy viên, cán bộ Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở (nhất là những đồng chí mới tham gia cấp ủy, chi ủy, ủy ban kiểm tra lần đầu) để nắm vững và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Tăng cường kiện toàn Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là những nơi có từ 300 đảng viên trở lên phải được bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới (đảng bộ bộ phận, chi bộ trong đảng bộ cơ sở) thực hiện nghiêm việc sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hằng năm gắn với sơ kết, tổng kết thực hiện công tác xây dựng Đảng. Qua đó, đề ra biện pháp chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở cấp mình. Cao Văn Thống Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=154735&sub=130&top=37