Nấm lim xanh không có độc nhưng cần cẩn trọng khi sắc uống

Mẫu nấm lim xanh hái trong rừng núi phía Tây Quảng Nam được Viện Dược liệu TW phân tích, kiểm ngiệm là một trong những loại nấm linh chi tự nhiên, không có độc. Thực tiễn, chưa có trường hợp nào phản ánh, uống nước sắc từ nấm lim xanh bị ngộ độc, song theo ý kiến của một số nhà khoa học thì việc sử dụng nấm sắc lấy nước uống nên cẩn thận.

Chiều 22/12, trao đổi với phóng viên Báo CAND, dược sĩ Nguyễn Như Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, xác nhận: Sở Y tế tỉnh Quảng Nam có lấy 3kg nấm lim xanh còn nguyên mũ, nguyên cọng của anh Nguyễn Đình Hoa (34 tuổi), trú ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, để chuyển cho Viện Dược liệu TW kiểm nghiệm, phân tích các hoạt chất trong nấm có tác dụng chữa được bệnh hiểm nghèo hay không. Số nấm này anh Hoa tự nguyện ủng hộ làm mẫu kiểm nghiệm. Nấm linh chi mọc trên thân cây lim đã chết ở rừng Suối Bùn, Tiên Phước (Quảng Nam). Sau gần 2 tháng, ông Chính ra Hà Nội đến Viện Dược liệu TW hỏi kết quả kiểm nghiệm về mẫu nấm lim xanh thì được trả lời: Mẫu nấm lim xanh mà anh Nguyễn Đình Hoa hái trong rừng núi phía Tây Quảng Nam để Sở Y tế Quảng Nam chuyển cho Viện Dược liệu TW phân tích, kiểm ngiệm là một trong những loại nấm linh chi tự nhiên, không có độc. Nấm linh chi tự nhiên có tên khoa học là Ganoderma lucidum, thường mọc ở nơi rừng rậm, ít ánh sáng, có độ ẩm cao, chất lượng tốt hơn nhiều lần so với nấm linh chi trồng. Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu tác dụng của nấm linh chi xác định, nó có 6 loại (đỏ, đen, vàng, trắng, xanh và tím đỏ), là một trong những vị thuốc bổ của Đông y, dùng chữa các chứng bệnh về gan, suy nhược, tiểu đường... Do đó, Viện Dược liệu TW không tiến hành phân tích các hoạt chất, vì làm những công đoạn này phải tốn kinh phí lớn. Từ kết luận đó, ông Chính cho rằng, việc anh Nguyễn Đình Hoa và một số người dân Tiên Phước vào rừng hái nấm lim xanh để sắc nấu nước uống chữa bệnh hiểm nghèo và bán lại cho người khác, ngành Y tế không cấm. Vấn đề giá cả mua bán giữa người hái nấm và người mua nấm là do đôi bên tự thỏa thuận theo kiểu thuận mua, vừa bán nên ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cũng không can thiệp. Trước đó, Báo CAND đã đăng tải loạt bài điều tra về việc một số thanh niên ở xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, sử dụng nấm mọc trên thân gỗ lim xanh (còn gọi là thiết lim) đã chết để sắc lấy nước uống chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo mà họ mắc phải, như: Ung thư gan, viêm gan siêu vi B, xơ gan cổ trướng... Các thanh niên xã Tiên Hiệp đi hái nấm lim xanh trong rừng. Sau khi báo đăng, có nhiều người tìm đến gặp anh Nguyễn Đình Hoa mua nấm chữa bệnh và cũng có không ít người uống nước sắc từ nấm lim xanh cho biết, bệnh tình có thuyên giảm. Vì thế, anh Nguyễn Đình Hoa và bạn bè của mình vẫn tiếp tục vào rừng hái nấm sắc nước uống và bán cho nhiều người cùng sử dụng. Chưa có trường hợp nào phản ánh, uống nước sắc từ nấm lim xanh bị ngộ độc, song theo ý kiến của một số nhà khoa học thì việc sử dụng nấm sắc lấy nước uống nên cẩn thận. Vì nấm rừng có nhiều loại mang độc tính cao, nếu những người hái nấm sơ ý, cẩu thả thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường... Ông Nguyễn Tấn Trữ, Chủ tịch xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, cho biết thêm: Lúc đầu có nhiều người từ nơi khác đến mua nấm nên nhiều người trong xã rủ nhau vào rừng hái nấm để bán. Song về sau, người mua chỉ tìm đến anh Nguyễn Đình Hoa nên việc người người, nhà nhà đi hái nấm lắng dần; an ninh trật tự địa phương cũng không diễn biến phức tạp. Mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh Ngày 22/12, ông Nguyễn Như Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sau hơn 3 năm di thực 40 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống từ trại giống sâm ở xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) về trồng tại các xã Phước Lộc, Trà Cang, Trà Nam và vùng xung quanh núi Ngọc Linh, kết quả xác định cây sâm trồng ở xã Trà Nam phát triển kém, các vùng còn lại tỉ lệ cây sâm sống cao, rễ và củ không có sự chênh lệch nhiều về hàm lượng của các sapoin chính. Sâm Ngọc Linh (tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha et Grushv) có nhiều tác dụng dược lý bổ dưỡng, kích thích miễn dịch, bảo vệ gan... song nguồn nguyên liệu sâm tự nhiên hiện đã bị khai thác cạn kiệt. Do đó, việc di thực mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh là cần thiết để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thuốc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. L. Vân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/12/141926.cand