Muôn kiểu “chặt giá” dịp Tết giữa Sài Gòn

Dịp lễ, Tết, người Sài Gòn có cảm giác mình đang là… khách du lịch tại thành phố quá đỗi thân quen. Máy “chém” nằm ở khắp nơi. Đây là cơ hội vàng…hợp lý để một số người kinh doanh “chặt, chém” những thượng đế của mình.

Có thể bạn quan tâm

Ngày Tết, không ai muốn cự cãi, than phiền. Biết bị “chặt”, cũng làm thinh, vui vẻ móc hầu bao ra, dù trong bụng chẳng vui. Nắm được tâm lý đó, một số người kinh doanh vô tư “xắt” các thượng đế của mình không thương tiếc.

Nhức nhối nhất, "Tết năm nào cũng nói", phải kể đến các điểm giữ xe. Ngày Tết, những điểm giữ xe trong thành phố tha hồ nâng giá. Ngày bình thường, giá giữ một chiếc xe máy từ 3.000 đồng (xe số) – 5.000 đồng (xe ga), nhưng trong ngày lễ, tết giá đội lên 10.000 đồng – 20.000 đồng. Tại trung tâm TP.HCM, ngay điểm giữ xe góc Tôn Thất Thiệp - Nguyễn Huệ, giá giữ một chiếc xe tay ga 20.000 đồng. Khu vực công viên 23/9, đường Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng, giá giữ xe cũng tương tự như các ngày trong năm.

Thông báo phụ thu ngày tết của một quán cà phê. Ảnh: Dương Cầm

Giá gửi xe tại các chùa: Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự, Lăng Ông Bà Chiểu cũng “đội” lên 10.000 đồng/lượt. Dọc đường Lê Hồng Phong, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần chùa Việt Nam Quốc Tự, Vĩnh Nghiêm), nhiều người đã không bỏ qua cơ hội “chặt”, nhận giữ xe trong nhà, bất kể ngày Tết. Xe vào, xe ra tấp nập…

Các cửa hàng ăn, quán nước, lên giá một cách…tự nhiên, trung bình từ 10-20%. Chiều nay, phóng viên tấp vào một quán cà phê T.N nằm trên đường Mai Văn Vĩnh (Q.7) uống ly cà phê đá 22.000 đồng, bị phụ thu thêm “tiền tết” 12.000 đồng, gần 60% giá trị thức uống!

Hỏi một nhân viên về mức lương trong ngày tết, nhân viên này cho biết: “Ngày thường, tụi em được trả 1 giờ làm là 11 ngàn. Mồng Một, mồng Hai được trả 33 ngàn. Hai ngày mồng Bốn, mồng Năm giảm xuống còn 22 ngàn. Qua mùng Năm giá nước trở lại bình thường, lương tụi em cũng chỉ còn 11 ngàn đồng/giờ”. Kể ra, chủ quán cũng có lý do để phụ thu và lịch sự thông báo trước cho khách việc phụ thu , được dán ngày bìa cuốn menu.

Tại quán cà phê Đ.L.P (đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 10), giá nước cũng được phụ thu từ 29 tết, trong khoảng 20% giá trị thức uống.

Khách đi chùa trong ngày đầu năm là đối tượng "chém" của những bãi giữ xe. Ảnh: Dương Cầm

Quán ăn cũng tăng giá. Từ quán cháo lòng bình dân, quán bún bò, quán lẩu cho đến nhà hàng đều tăng giá, “nhẹ, nặng” tùy vào lòng hảo tâm của chủ quán. Một cái lẩu dê tại một quán có tiếng trên đường Trương Định ngày thường giá khoảng 250.000 đồng, ngày tết phải trả thêm 50.000 đồng. Lẩu cá kèo phố Bà Huyện Thanh Quan cũng tăng giá tương tự. Các quán vẫn đông khách, vì những ngày này không phải hàng quán nào cũng mở cửa. Có chỗ để ghé ăn là mừng rồi.

Ăn một tô bún bò tại một quán nổi tiếng trong khu phố Tây (quận 1), ngày thường chỉ phải móc ra 50.000 đồng, trong những ngày tết, khách phải trả thêm 10.000 đồng. Chủ quán xuề xòa: “Tết mà. Qua tết giá lại như cũ thôi”.

Ngay cả việc mua bó rau, các bà nội trợ cũng bị chém không thương tiếc. Chiều ngày mồng Hai, tại chợ Tân Quy (Quận 7) một ký rau nhút giá 70.000 đồng, tăng gần như gấp đôi so với ngày bình thường.

Các mặt hàng cá, thịt, rau củ đều tăng lên đột biến tại các chợ ở TP.HCM trong những ngày đầu năm.

Lê Ngọc Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/muon-kieu-chat-gia-dip-tet-giua-sai-gon-287974.html