Muốn đúng luật cũng không được

Hôm nay, việc xử phạt người đi bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông sẽ chính thức được thực hiện bắt đầu ở Hà Nội.

Một thống kê của CSGT Hà Nội cho biết, có đến 112 vụ tai nạn trong năm 2015 liên quan đến người đi bộ. Trên báo chí, tướng công an Trần Thế Quân nói đúng đến giật mình: “Ở nước ngoài, người đi bộ hầu như không bị phạt vì chấp hành luật lệ giao thông rất tốt. Một số trường hợp băng qua đường sai quy định thì lại là… người Việt sang đó”.

Nhưng ngay cả khi chẳng có con số nào được đưa ra thì việc xử phạt người vi phạm giao thông, dù họ đi bộ - là một chính sách đúng. Bởi thực tế cho thấy, không chỉ Hà Nội, đang tràn lan tình trạng người đi bộ vô tư phạm luật, thậm chí leo qua dải phân cách, vượt đèn đỏ, băng ngang dòng người xe… gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông và cả chính họ!

Nếu được thực thi một cách nghiêm túc, việc xử phạt sẽ trở thành một tiền đề để xóa bỏ một thứ “luật” bất thành văn: Xe to đền xe nhỏ, xe nhỏ đền không xe bất biết đúng-sai - từ lâu nay vẫn tồn tại trong xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề xử phạt lại hoàn toàn không dễ nếu như không nói là bất khả thi.

Năm 2003, TPHCM từng xét xử lưu động và phạt tù một phụ nữ đi bộ băng qua đường trên cầu Ông Lãnh khiến một thanh niên đi xe máy tử vong tại chỗ.

Khi đó, CSGT CA TPHCM đã khẳng định sẽ chú trọng xử phạt lỗi của người đi bộ. Còn dư luận, y hệt như bây giờ, tin rằng đó sẽ là một điểm khởi đầu cho lẽ công bằng. Chẳng khi nào và ở đâu lỗi trong các vụ TNGT luôn thuộc về người đi xe.

Nhưng sau 13 năm, không có thêm bất cứ vụ việc nào tương tự, thậm chí, việc xử phạt người đi bộ vi phạm đặt ra rồi cũng để đó.

Vấn đề ở ta muôn đời vẫn vậy: Không thiếu luật. Thậm chí luật rất hay, rất đúng, rất được người dân ủng hộ nhưng không thể thực thi!

Và vấn đề của hôm nay, có vẻ cũng lại y như 13 năm trước.

Theo quy định, người đi bộ buộc phải đi lên vỉa hè. Tuy nhiên, ngay ở Hà Nội có nhiều tuyến phố mà người đi bộ muốn đi đúng luật cũng không được, bởi vỉa hè đã bị “cướp sạch” làm nơi bán hàng, trông giữ xe…

Hơn nữa, làm thế nào để xử phạt người đi bộ, với phương tiện là đôi chân, lại hoàn toàn không dễ.

Kiểm tra giấy tờ tùy thân ư?

Chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt có kế hoạch mà thôi.

Mới nói một chính sách cần phải có sự đồng bộ từ hạ tầng giao thông, đến trình độ, thái độ ý thức của người dân chứ không dễ nói phạt là phạt được.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/muon-dung-luat-cung-khong-duoc-513685.bld