Một nhà sáng chế sống khắc khổ ở Đà Nẵng

Dù với nhiều bằng sáng chế được nhà nước cấp chứng nhận, được cả Mỹ chứng nhận, nhưng khi tận mắt căn phòng thuê vừa làm trụ sở công ty vừa làm chỗ ngủ của ông Phan Đình Phượng thì mới thấy nhà sáng chế sống khắc khổ ở giữa Đà Nẵng như thế nào.

Nhà sáng chế Phan Đình Phượng.

Có thể bạn quan tâm

Ông Phan Đình Phượng sinh năm 1950, quê gốc huyện Gio Linh (Quảng Trị), hiện là Giám đốc Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng).

Ông kể thời trẻ đi bộ đội lúc đang là sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội. Trải qua bom đạn chiến tranh, năm 1976 ông giải ngũ về làm tại nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng.

Sau khi về hưu, đến tháng 10.2009, ông lập ra Công ty An Sinh Xanh. Công ty trải qua nhiều bết bát khó khăn, nay chỉ còn 2 thành viên.

Bằng sáng chế của ông Phượng.

Trụ sở công ty ông thuê tại một tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo, TP.Đà Nẵng. Đây cũng là nhà ở của ông. Căn phòng chừng vài chục mét vuông. Trước khi dẫn khách vào, ông chỉ những vết giấy dán niêm phong ở nắm khóa, đó là những lần chưa trả được tiền thuê phòng, bị chủ nhà niêm phong lại.

Kể về nghiệp phát minh của mình, ông lùi lại quá khứ từ thời còn ở bộ đội. Lúc đó, nguyên là sinh viên khoa nhiên liệu nên ông được điều về làm tại Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Phòng không không quân. Nhiệm vụ của ông là kiểm tra và pha chế xăng dầu nhớt cho máy bay ta tiếp quản được sau giải phóng. Duyên cơ biết được việc nhận biết và sử dụng nhiên liệu này từ sau khi ông tìm và chép lại được nguyên bản cuốn "Nhiên liệu dầu mỡ nhờn và các chất lỏng chuyên dụng tương đương của khối NATO và khối Varsava" do Bộ Quốc phòng Liên Xô xuất bản.

Hoàn thành nhiệm vụ của người lính, ông về tiếp quản tại nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng. Lúc đó nhà máy chỉ lấy được khí oxy nhưng sau đó ông nghiên cứu ra cách lấy cả khí ni tơ. Việc lấy được khí ni tơ áp dụng ngay cho sự bảo quản ướp lạnh tinh trùng bò do Cuba hỗ trợ Việt Nam thời gian đó. Ông kể: “Việc bảo quản phải dùng khí ni tơ. Tuy nhiên hàng viện trợ từ Cuba bay qua đến Việt Nam thì đã hết ni tơ bảo quản. Khi nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng lấy được khí ni tơ thì đã có khí bảo quản để tiếp tục đưa hàng đi khắp cả nước”.

Từ lúc ra lập công ty đến nay, rất nhiều phát minh của ông đã được cấp bằng sáng chế, phần lớn là thiết bị chữa cháy và thu gom rác.

Quân đội thử nghiệm xe chữa cháy của công ty An Sinh Xanh.

Ông kể: “Đến nay tui có hơn chục bằng sáng chế, mỗi bằng cho một sản phẩm. Ví dụ như xe chữa cháy không cần nổ máy được Viện Năng lượng nguyên tử VN giới thiệu cho IAEA. Hay như thiết bị phun chữa cháy bằng khí khô của tôi, nếu có vụ cháy như ở Thiên Tân (TQ) vừa rồi khi sử dụng nó thì sẽ hạn chế được sự phát nổ”.

Thiết bị nói trên, ông kể rằng đã có 2 vị phụ trách kỹ thuật của Liên đoàn Điện hạt nhân Nhật Bản qua làm việc và khẳng định công nghệ này áp dụng cho điện hạt nhân sẽ rất an toàn.

Chính ông Phượng là người thiết kế việc phun nước cho cầu Rồng ở Đà Nẵng theo nhiều phương án, vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa có thể tạo độ phun sương mạnh.

Các thiết bị chữa cháy được ông chế tạo như bình đẩy, xe chữa cháy, ba lô chữa cháy… áp dụng theo nguyên lý dùng khí đẩy nước.

Ông là người Việt Nam đầu tiên được Cơ quan phát minh sáng chế Mỹ cấp bằng độc quyền cho máy chữa cháy với các tiêu chí cụ thể gồm "4 không" (không cần bơm nước, không cần điện, không cần máy nổ và không ngủ-luôn tự động chữa cháy 24/24giờ) và "4 được" (chữa cháy được cho chất lỏng, chất khí, chất rắn và điện). Một lít nước hầu như không chữa được một đám cháy, nhưng chiếc máy này có thể chuyển một lít nước thành 1,5 ngàn lít hơi nước trong chốc lát.

Những giải pháp của máy chữa cháy này đã được nhà nước xây dựng thành tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy quốc gia, xuất bản lần 1 vào năm 2008.

Năm 2011, ông đưa ra giới thiệu máy hút rác, bụi bằng khí động lực cao tốc có giá thành chỉ bằng 1/5 máy cùng loại của nước ngoài. Những loại máy này lần đầu tiên được nghiên cứu, chế tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay máy móc mà ông thiết kế ra vẫn chất kho ở Vũng Thùng (Đà Nẵng), đơn đặt hàng rất ít.

Công ty của ông trước đây có khoảng vài chục người, nhưng sau khi đầu tư cho dự án ở cầu Rồng thì đổ nợ, đến nay chỉ có 2 người.

Nơi ở của nhà sáng chế.

Hiện tại, con cái của ông đều ở Đà Nẵng nhưng ông vẫn sống một mình trong phòng thuê để tiện cho công việc và sáng chế. Già rồi nhưng vẫn cô độc, cơm bụi. Chỗ ngủ của ông là một chiếc chiếu trải ở góc phòng chen lẫn với bàn ghế, giấy tờ, thiết bị. Ông khoe mới mua thêm được một cái nệm nhỏ. Việc kinh doanh của công ty, theo ông là không đủ tiền để bỏ vào việc phát minh.

Mới đây, công ty ông đã bị xóa tên hội viên tập thể khỏi hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, vì không có tiền nộp hội phí. Tôi hỏi "ông có được thành phố Đà Nẵng quan tâm gì không?". "Không!", nhà sáng chế khắc khổ nói gọn.

Thạch Châu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/doi-song/mot-nha-sang-che-song-khac-kho-o-da-nang-240140.html