Một câu chuyện về lòng kiên trì

Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở Des Moines (Mỹ). Trong suốt 30 năm dạy nhạc, tôi chưa bao giờ có hứng thú với học sinh thuộc dạng cần nâng đỡ. Tuy nhiên, tôi cũng dành thì giờ cho những học sinh mà tôi gọi là “trơ nhạc”. Một trong những học sinh đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu đưa đến lớp học dương cầm buổi đầu tiên. Tôi thích những học sinh bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy, tôi đã nhận cậu vào học. Thế nhưng, Robby càng cố gắng, tôi càng thấy cậu không có khả năng về âm nhạc. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn những bản nhạc mà tôi dạy. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cậu luôn nói: “Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn”. Nhưng điều đó dường như vô vọng. Thế rồi, một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà các học sinh của mình tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby hỏi xem cậu có được tham gia hay không. Tôi bảo, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm nên không thể chở cậu đi học, nhưng cậu vẫn luyện tập. “Cô Hondorf, cô cho em diễn một lần thôi”, cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Đêm biểu diễn đã đến. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. Áo quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ. Robby mở nắp đàn và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Hơn 6 phút sau cậu kết thúc bản nhạc với một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu, ôm lấy Robby trong hạnh phúc: “Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó? “. Robby giải thích qua chiếc micro: “Thưa cô Hondorf, cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em bị ung thư và bà đã qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt”. Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở trại xã hội đưa cậu từ sân khấu về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và mọng nước. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào cần nâng đỡ, nhưng đêm đó tôi trở thành người được Robby nâng đỡ. Cậu là thầy của tôi. Cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta. Điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=8441