Một cán bộ làm giả quyết định chế độ chất độc da cam

Không những thu tiền làm chế độ cho các nạn nhân chất độc da cam trái với quy định, một cán bộ Ban Thương binh xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) còn câu kết với những đối tượng không nghề nghiệp làm giả quyết định để lấp liếm cho những việc làm sai trái của mình.

Ông Vũ Văn Lợi.

Trao tiền thật, nhận quyết định giả

Năm 2005, thấy địa phương thông báo Nhà nước có đợt làm chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nhận thấy mình đủ điều kiện, ông Vũ Đức Thanh (trú tại xóm Nam Hải, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) đã làm hồ sơ gửi lên Ban Thương binh xã để làm chế độ. Tuy nhiên, khi nhận hồ sơ, ông Lê Thanh Cánh (Trưởng ban Thương binh xã) bảo ông nộp 7.000.000 đồng để làm lệ phí xét duyệt hồ sơ. Với suy nghĩ thời buổi này làm cái gì cũng phải có tiền, với lại muốn làm cho nhanh nên ông đã không ngần ngại giao đủ số tiền cho ông Cánh theo yêu cầu.

Ông Thanh kể: “Nhưng một thời gian sau, lấy lý do hồ sơ còn thiếu, ông Cánh đã bắt tôi nộp thêm tiền để đi lo chi phí cho các cơ quan giám định hồ sơ. Cứ như vậy từ năm 2007 đến năm 2011, ông Cánh lấy hết lý do này đến lý do khác yêu cầu tôi nộp thêm tiền. Đến nay, sau nhiều lần nộp tiền, tôi đã giao cho ông Cánh tổng số tiền là 15.000.000 đồng. Dù đã làm hồ sơ và giao tiền đầy đủ, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy mình được hưởng chế độ gì, tôi đã nhiều lần hỏi ông Cánh sao lâu thế, nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời chờ đi, sắp có quyết định rồi.

Đùng một cái, tháng 3.2011, ông Cánh mang 6 cái quyết định phôtô (quyết định hưởng chế độ chất độc da cam - PV) về giao cho 6 người cùng đợt làm với tôi. Tuy nhiên, 3 ngày sau ông Cánh đã thu hồi toàn bộ mấy quyết định phôtô đó lại để chờ quyết định có dấu đỏ rồi đưa sau. Song, đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, chẳng thấy quyết định có dấu đỏ đâu”.

Theo bản quyết định photocopy do ông Cánh trao, ông Thanh sẽ được hưởng chế độ từ ngày 1.4.2011, với mức hưởng là 1.800.000 đồng/tháng. Nhưng chờ mãi, ông Thanh vẫn không được nhận một đồng trợ cấp nào. Quá sốt ruột, ông đã cầm bản quyết định có số 2676/QĐ-LĐTBXH, do Phó GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định ký và đóng dấu đi hỏi các cơ quan chức năng. Và, ông đã ngã ngửa khi Phòng LĐTBXH và Sở LĐTBXH trả lời đó là bản quyết đinh giả và ông không có tên trong danh sách những người được hưởng chế độ chất độc da cam của tỉnh. “Giờ sự việc đã rõ ràng, tôi yêu cầu ông Cánh trả lại hồ sơ và tiền, nhưng ông Cánh cứ lảng tránh không trả” - ông Thanh bức xúc kể lại.

Ông Hoàng Văn Phúc - đội 2, Tân Phú, xã Bạch Long - cho biết: “Năm 2005 thấy người ta làm chế độ, tôi cũng đi xác minh hồ sơ để làm. Nhưng khi đưa hồ sơ lên Ban Thương binh xã, ông Cánh nói: “Hồ sơ đã đầy đủ, nhưng phải nộp 7.000.000 đồng để làm, không có thì nghỉ luôn”. Nghe nói vậy, tôi cũng cắn răng đi vay lãi để giao tiền cho ông Cánh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, tiền thì đã nộp, hồ sơ cũng đã xác minh xong, nhưng chẳng thấy quyết định hưởng chế độ đâu. Quá bức xúc, tôi đi hỏi ông Cánh, nhưng ông cứ hẹn ngày này qua ngày khác, rồi động viên: “Cứ yên tâm, chuẩn bị có rồi”. Đến giờ, do chờ quá lâu không thấy gì, tôi đòi lại tiền và hồ sơ thì ông Cánh trả lời “Bằng chứng tôi nhận tiền của ông đâu? Còn đòi nữa tôi đập chết”.

“Năm 2007, tôi phải đi vay lãi 4 chỉ vàng bán nộp cho ông Cánh 7.000.000 đồng, để ông ấy làm chế độ cho. Một thời gian sau, ông Cánh lại bảo tôi phải đưa thêm 2.500.000 đồng để giám định hồ sơ ở cấp tỉnh và 500.000 đồng để giám định ở cấp xã. Đến nay, hơn 6 năm trôi qua, tiền đã trao đầy đủ, nhưng cái quyết định được hưởng chế độ tôi vẫn chưa thấy đâu, bức xúc lắm anh ạ” - ông Vũ Văn Lợi (xóm Hoàng Tiến, xã Bạch Long) nói.

“Tôi năm nay hơn 70 tuổi, sức yếu lắm rồi, nhưng hàng ngày vẫn phải phơi nắng ngoài đồng làm muối kiếm mấy chục nghìn để trả tiền lãi 4 chỉ vàng. Vì vậy nếu không làm được chế độ, chỉ mong ông Cánh trả tiền để tôi mua vàng trả cho người ta, chứ cứ như này không biết bao giờ tôi mới trả được nợ. Nói thật, tôi mất niềm tin rồi. Nếu giờ có làm được chế độ, tôi cũng chẳng thiết nữa. Bởi chẳng biết còn sống được bao lâu nữa mà làm cho mất công” - ông Lợi cho biết thêm.

Ông Vũ Đức Thanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Cánh thừa nhận những việc làm của mình là sai với chính sách và pháp luật của Nhà nước. “Sau khi nhận hồ sơ và tiền của những cựu chiến binh của xã, tôi liên kết với một số đối tượng ở thành phố Nam Định (trong đó có ông Hán - một đối tượng không nghề nghiệp) để làm chế độ chất độc da cam. Do các đối tượng chờ lâu, giục liên tục nên ông Hán bảo tôi cứ đưa quyết định phôtô về cho các đối tượng phấn khởi đã. Tôi không biết ông Hán làm cách nào, nhưng thấy ông ấy bảo đã làm việc với Sở LĐTBXH rồi nên mới có quyết định. Thấy ông Hán bảo thế thì tôi cũng đưa về cho họ, chứ tôi có biết gì đâu. Nếu biết đó là quyết định giả thì tôi chẳng đưa cho các đối tượng nữa. Vì tôi tin người ta quá, giờ đâm ra mắc tội như thế này” - ông Cánh phân trần.

“Tôi là người thật thà, người ta bảo giúp thì giúp. Tôi cũng cố giúp người ta, cũng đưa hồ sơ lên huyện, tỉnh nhưng hồ sơ của một số người không đầy đủ nên không được thì cũng phải chịu thôi. Tôi biết tôi cầm tiền của người ta là sai, nhưng tôi cầm tiền đi lo công việc, chứ không phải tôi cầm hết của người ta” - ông Cánh cho biết thêm.

Dù sự việc đã rõ ràng, nhưng ông Nguyễn Hồng Khang - Chủ tịch UBND xã Bạch Long - cho biết, đến thời điểm này, ông mới chỉ biết qua báo cáo của Phòng LĐTBXH huyện Giao Thủy, chứ xã chưa nắm bắt được rõ vấn đề. Về phía địa phương không ai chỉ đạo làm việc này. “Hiện lực lượng công an, thanh tra đang điều tra vụ việc, nên khi nào các cơ quan đưa ra kết luận thì mới có hướng xử lý chính xác được. Tuy nhiên, vụ việc này do các ông đó tự làm với nhau, nên xã không liên quan và không xử lý” - ông Khang khẳng định.

Quyết định không có thực

“Sở LĐTBXH đã nhận được đơn thư của ông Vũ Đức Thanh phản ánh về việc ông đã có quyết định hưởng chế độ chất độc da cam của sở từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận một đồng nào. Sau khi nhận được đơn thư, sở đã xác minh đó là quyết định giả mạo, không có hồ sơ lưu tại sở. Cả sở tôi là giám đốc và 4 phó giám đốc không ai ký quyết định đó cả” - ông Nguyễn Văn Vinh (Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định) khẳng định.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/mot-can-bo-lam-gia-quyet-dinh-che-do-chat-doc-da-cam/121242.bld