Mẹ mang thai có rhesus âm có gì đáng lo ngại?

Mỗi người được đặc trưng bằng một nhóm máu. Ngoài ra, còn có một yếu tố của hồng huyết cầu làm phân biệt giữa người này và người khác, đó là yếu tố Rhesus (RH).

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn

Theo thống kê thì có tới 85% con người có Rh dương tính, còn tỉ lệ người có nhóm máu hiếm (Rh âm tính) ở Việt Nam rất thấp (khoảng 0,04%). Người phụ nữ có Rh âm tính vẫn có khả năng sinh con bình thường chứ không phải vô sinh.

Tuy nhiên, nếu người chồng có Rh dương tính thì đứa bé sinh ra có thể là Rh dương tính (hoặc âm tính) và từ đứa bé thứ hai trở đi nếu bé là Rh dương tính thì khi sinh ra sẽ gặp nguy hiểm vì lúc đứa bé sinh ra máu của mẹ và của con sẽ tiếp xúc nhau và người mẹ có Rh âm tính sẽ tạo ra kháng thể chống lại yếu tố Rh dương tính của đứa bé sinh ra sau này và sẽ hủy hoại các hồng cầu của bé và gây ra thiếu máu trầm trọng, vàng da nặng cho bé, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hậu quả của sự bất đồng Rh trong thai kỳ

Nếu máu thai nhi là Rh dương, máu mẹ là Rh âm thì máu mẹ có thể tạo ra kháng thể kháng Rh. Kháng thể này có thể đi vào lại bánh nhau, đến máu thai nhi gắn lên hồng cầu của thai nhi gây nên hiện tượng tán huyết.

Hầu như trẻ sinh ra lần đầu tiên là bình thường vì hồng cầu của thai nhi mới đi qua máu mẹ vào thời điểm lúc sinh. Khi đó, trẻ được tách khỏi tuần hoàn của mẹ.

Đối với thai nhi thứ hai, có Rh dương, khi đó sẽ gây hiện tượng miễn dịch mạnh hơn, dẫn đến bất đồng nhóm máu Rh cho thai thứ hai.

Nhưng trường hợp mẹ bị Rh âm, trước đây có nhận máu của người Rh dương, hoặc đã từng nạo thai, thai ngoài tử cung, sảy thai, hoặc có can thiệp thủ thuật hoặc yếu tố nào đó gây xuất huyết qua bánh nhau rộng đều có nguy cơ dẫn đến trao đổi máu mẹ - thai mà thai có Rh dương thì thai đầu tiên cũng có bất đồng nhóm máu Rh nặng.

Tiêm phòng cho mẹ để dự phòng tán huyết

Khi người mẹ có thai mà Rh âm, cần xét nghiệm thêm người cha bé, nếu người cha bé có cùng Rh âm, người mẹ không cần tiêm anti – D immunoglobulin. Nếu cha bé có Rh dương hoặc không xác định được nhóm máu của người cha, thì người mẹ cần làm thêm xét nghiệm máu về kháng thể anti - D. Nếu người mẹ có kháng thể anti - D, mẹ cần theo dõi sát trong thai kỳ. Đến khi chuyển dạ sinh, bé được sinh ra, bé cần được gởi đến khoa dưỡng nhi để đề phòng thiếu máu tán huyết cho bé. Trường hợp người mẹ mang thai có Rh âm và không có kháng thể anti - D, nên được tiêm dự phòng anti - D immunoglobulin.

Cụ thể, trước tuần lễ 28 thai kỳ, không xử trí gì khác ngoài việc khám thai theo quy trình và sự hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Thai kỳ ở tuần lễ 28, tiêm một liều anti - D, tiêm bắp 1.000UI (200 microgram) hay 1.250UI (250 microgram). Đến khi thai được 34 tuần tuổi, tiêm nhắc lại một liều. Khi người mẹ sinh bé ra, 2 giờ đầu cần làm xét nghiệm máu mẹ để định lượng hồng cầu thai nhi trong tuần hoàn mẹ, với tên gọi xét nghiệm Kleihauer, lấy máu mẹ trước khi tiêm anti - D. Sau đó, trong vòng 72 giờ tiêm nhắc lại một liều cho mẹ khi xét nghiệm máu bé có Rh dương.

Dự phòng cho mẹ trong cuộc sinh và chuẩn bị máu hiếm

Trong cuộc chuyển dạ, không thể lường trước được tai biến có thể xảy ra hay không. Nếu có băng huyết sau sanh, việc truyền máu khác nhóm, nghĩa là truyền Rh dương cho người có Rh âm, sẽ gây nguy hiểm. Vì vậy, chuẩn bị máu cùng nhóm và cùng yếu tố Rh là điều cần thiết. Người mẹ cần được tư vấn trong lúc khám thai và đặc biệt đến khi chuyển dạ các nguy cơ tai biến băng huyết sau sinh vẫn có thể xảy ra.

Cho người mẹ nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần, để chuẩn bị 2 đơn vị máu hiếm. Kết hợp với ngân hàng máu dự trù máu hiếm.

Chuẩn bị cho bé sau sinh Ngay sau khi bé chào đời, lấy máu rốn của thai nhi, từ những người mẹ có Rh âm, để làm những xét nghiệm nhóm máu ABO - Rh, định lượng hemoglobin, Bilirubin và Test Coombs của bé. Bé sau khi được cắt rốn, tắm và tình trạng ổn định, bé cần được gởi khoa dưỡng nhi để đề phòng tình trạng thiếu máu tán huyết. Nguyên tắc sau khi bé chào đời, cần được hồi sức ngay tại phòng sinh hay ngay phòng mổ nếu là phải mổ lấy thai.Khi bé ổn định mới được di chuyển về khoa dưỡng nhi.

AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/20120808084735298p272c312/me-mang-thai-co-rhesus-am-co-gi-dang-lo-ngai.htm