Mạn đàm về hình ảnh con khỉ trong đời sống văn hóa người Việt

Dù không phải là một hình tượng có vị trí quan trọng, cốt yếu trong đời sống văn hóa của người Việt, thế nhưng con khỉ lại là một hình ảnh quen thuộc đối với các tầng lớp nhân dân. Khỉ xuất hiện trong những loại hình nghệ thuật dân gian cũng như đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

TỪ HÌNH ẢNH CON KHỈ TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN...

Một họa phẩm về con khỉ ăn trộm đào.

Trong nền văn hóa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, con khỉ được biết đến như một biểu tượng cho sự nghịch ngợm, láu lỉnh, nhanh nhẹn... Tuy không được coi là một con vật thiêng (như long, ly, quy, phượng) nhưng sự xuất hiện của con khỉ trong một số loại hình nghệ thuật lại biểu trưng cho đời sống sinh hoạt phong phú của tầng lớp bình dân.

Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, con khỉ xuất hiện trong văn chương truyền khẩu của người Việt như trong bài dân ca Lý qua đèo ở Huế hay bài quan họ Ăn ở trong rừng ở Bắc Ninh. Ca trù thì có điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến vượn. Còn trong ca dao, tục ngữ khi nhắc đến hình ảnh con khỉ, người ta thường tỏ ý xa xôi, hoang dã hoặc tính cách hiếu động, nghịch ngợm của ai đó...

Theo TS. Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo bản địa Việt Nam (viện Nghiên cứu Tôn giáo) thì con khỉ còn xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Chuyên gia này phân tích: “Mặc dù trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ, hổ mới là con vật trung tâm, tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh nhưng con khỉ cũng là một hình ảnh dễ bắt gặp. Con vật này chủ yếu xuất hiện trong các bài hát văn, đi kèm với hình ảnh chim kêu, vượn hót để biểu trưng cho núi rừng đại ngàn. Ở lời hát văn ca ngợi các thánh trong phủ thượng ngàn như: Giá trâu bà, giá cô bé thượng ngàn, giá cô đôi hát trầu bé, phủ miền đất trời... con khỉ cùng với nhiều hình ảnh khác được dùng để mô phỏng cuộc sống rừng núi, thể hiện sự oai linh của núi rừng sâu thẳm. Những câu hát này là các bài thơ dân gian lưu truyền từ xưa tới nay, đa phần là khuyết danh. Có thể thấy rằng, hình tượng con khỉ tuy xuất hiện không nhiều và đậm đặc trong tín ngưỡng bản địa của người Việt nhưng nó cũng có những vai trò nhất định”.

TS. Nguyễn Ngọc Mai phân tích thêm: “Bên cạnh những ý nghĩa nêu trên, trong văn hóa tâm linh người Việt, hình ảnh con khỉ cũng có một vị trí quan trọng khác. Nó đứng vị trí thứ chín trong 12 con giáp và đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm Thân, tháng Thân, ngày Thân và giờ Thân. Hiện nay trong một số các kiến trúc điêu khắc, hình tượng con khỉ cũng xuất hiện, đặc biệt là ở kiến trúc đình làng thuộc khu vực Hà Tây (cũ). Cùng với hình ảnh của những con vật bình thường như: Cua, cá, chim, chóc, vượn... nó làm sinh động bức tranh thiên nhiên, quá trình tăng gia sản xuất của con người”.

...ĐẾN QUÁ TRÌNH GIAO THOA VĂN HÓA

Với những ý nghĩa dân gian như vậy, cùng với quá trình phát triển, hội nhập của văn hóa dân tộc, con khỉ dần trở thành một linh vật (dù không tiêu biểu) trong tâm thức người Việt. Và cùng với sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam, con khỉ ngày càng biểu trưng cho những triết lý Phật gia.

Tranh Phật giáo về con khỉ.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Ngọc Mai đã phân tích một ví dụ thú vị về chùa Cầu (ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Theo đó, chùa Cầu (hay còn gọi là cầu Nhật Bản) có tượng khỉ, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chùa Cầu được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII khi thương cảng Hội An đang phát triển phồn thịnh, thế nhưng nó lại ghi dấu ấn đậm nét của kiến trúc Việt Nam. Chùa này thờ thần khỉ và thần chó (những con vật mà người Nhật quý trọng) trên hai đầu cầu để yểm trừ thủy quái. Người dân hay gọi đây là “linh hầu”,“thần hầu” nhằm trấn giữ đất, không cho điều xấu xâm hại. Ai đi đến ngôi chùa cũng muốn tới thắp hương trước hai tượng thần hầu này mong bình an. Hiện nay trên nhiều bệ thờ của người Chiêm Thành còn sót lại ở miền Trung Việt Nam đều có mô phỏng hình dáng con khỉ, con chó đang nhảy múa.

Trong các kinh sách của nhà Phật, khỉ được coi là đệ tử rất thành tâm đến với đức Phật. Vì thế, một số ngôi chùa hiện nay ở nước ta có trưng bày tượng ba con khỉ trong sân. Ngay tại di tích tháp Chương Sơn (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), các nhà khảo cổ cũng tìm thấy khá nhiều tượng khỉ, trong đó có bộ ba tượng khỉ che mắt, bịt tai, bịt miệng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bộ ba tượng khỉ này khá điển hình cho tượng khỉ trong kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, biểu trưng cho triết lý Tam không của đạo Phật là không nhìn điều xấu, không nói điều xấu và không nghe điều xấu. Đây cũng được coi là một hình ảnh cách điệu, có nguồn gốc từ tượng thần Vajrakilaya (ở Ấn Độ).

CON KHỈ BIỂU TƯỢNG CHO TÂM?

Quá trình giao thoa và ảnh hưởng của Phật giáo vào Việt Nam ít nhiều đã làm biến đổi ý nghĩa của con khỉ. Vậy ý nghĩa ban đầu của hình tượng này trong triết lý Phật gia là gì? Sư thầy Thích Minh Quang (trụ trì chùa Địa Tạng, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, Hà Nam) cho biết: “Kinh Phật từng ví tâm như khỉ vượn để nói tâm là vấn đề rất khó chế ngự, rất khó điều phục. Trong thiền học, khỉ được ví với sự sao nhãng, là vật cản cho sự đạt đạo của người tu hành. Khi thiền, chúng ta thấy rõ tâm như con khỉ chuyền cành, liên tục không ngừng nghỉ. Những con vật hung dữ khác như bò tót, như hổ nhưng tâm không động bằng con khỉ. Vì thế trong tranh Phật giáo, người ta thường vẽ một con khỉ bám nhành cây mà bớp tai, đấm vào đầu con hổ đang rất mệt mỏi cố ngủ dưới bóng cây”.

Sư thầy Thích Minh Quang kể với PV một câu chuyện chép trong kinh Phật. Chuyện kể rằng có một người nài nỉ xin vị sư truyền cho câu thần chú. Sư bằng lòng và chỉ dặn: “Lúc niệm thần chú này đừng nghĩ đến con khỉ, ắt sẽ linh nghiệm. Người kia mừng rỡ và đầy tự tin đáp: Tưởng gì chứ không nghĩ đến con khỉ thì quá dễ. Thế nhưng mỗi lần niệm câu thần chú, hình ảnh con khỉ cứ xuất hiện quấy nhiễu. Anh càng xua đuổi, hình ảnh khỉ càng nhảy vào đầu giẫm đạp lên từng chữ của câu thần chú”. “Đã biết tâm như khỉ vượn thì nên tìm cách thân thiện với những trạng thái của tâm chứ ngăn chặn có chăng là ảo tưởng mà thôi”, thầy Thích Minh Quang chia sẻ.

Những con khỉ được thần thánh hóa

Trong đời sống văn hóa thế giới nói chung, con khỉ là một hình tượng quan trọng, nhất là với nền văn hóa phương Đông. Nhiều nơi họ thần thánh hóa con khỉ và coi nó như một vị thần bảo trợ. Tiêu biểu nhất là khỉ thần Hanuman - một nhân vật trong thần thoại Hindu được kể lại trong sử thi Ramayana của Ấn Độ. Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy, biểu tượng của lòng dũng cảm. Ở một số chùa của Trung Quốc, Việt Nam người ta thờ con khỉ Tôn Ngộ Không trong hình ảnh bốn thầy trò đang đi thỉnh kinh.

P. THIỆU – P. ANH

Video tin tức được xem nhiều:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/hinh-anh-con-khi-trong-doi-song-van-hoa-nguoi-viet-a131908.html