MC - Giám đốc marketing Quỳnh Trâm

(TNTS) Quỳnh Trâm hiện là một trong những MC của Đài truyền hình TP.HCM được khán giả yêu mến. Thời gian qua, nhiều thực khách tại hệ thống nhà hàng bún bò Huế 3A3 liên tục gặp Quỳnh Trâm. Hỏi ra mới biết hơn 2 năm nay, cô là giám đốc marketing của chuỗi 11 nhà hàng này.

Quỳnh Trâm bước vào lĩnh vực kinh doanh với ý nghĩ thử sức mình xem có phù hợp không. Làm công việc của một MC - biên tập viên của đài truyền hình quá bận rộn, có hôm Quỳnh Trâm biên tập nội dung đến 2 giờ sáng thì 5 giờ sáng đã phải thức dậy trang điểm để 6 giờ lên sóng truyền hình là chuyện bình thường. Nhưng khi thử bước vào kinh doanh thì Quỳnh Trâm thấy không còn bị áp lực nữa mà ngược lại cô trở nên linh hoạt, đam mê hơn bao giờ. Thấm thoát, Quỳnh Trâm đã có 3 năm làm việc tại Công ty Thành Nội với chuỗi nhà hàng bún bò Huế 3A3 (TP.HCM). Khởi đầu của mối duyên kinh doanh này khá tình cờ. Giám đốc điều hành Công ty Thành Nội là người em của Quỳnh Trâm và mới đầu chỉ là một quán ăn Huế trên đường Đặng Trần Côn. Cô nhận lời hỗ trợ marketing cho quán để nâng thương hiệu này trở thành điểm dừng chân của những người thích ăn món Huế. Sau một thời gian, em của Trâm quá bận rộn và chính Trâm cũng thấy mình có khả năng kinh doanh nên cô nhận lời làm giám đốc marketing. Khi đảm đương công việc, Trâm không tưởng tượng được một ngày của mình có quá nhiều việc phải giải quyết: chế độ nhân viên, chất lượng món ăn, tiếp xúc với đối tác khách hàng muốn mua lại thương hiệu... Nhưng càng làm việc Trâm càng nể phục những người đã xây dựng nên thương hiệu để nó thật sự thành công. Với vai trò MC - biên tập của đài truyền hình, Trâm có thế mạnh là khả năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục người nghe và cô đã tận dụng thế mạnh này trong công việc. Tuy vậy cô luôn khiêm tốn cho rằng từ khi về Công ty Thành Nội với chức vụ giám đốc marketing tự cô thấy một mình không thể làm được gì nếu không có sự cộng tác của cả một tập thể. Từ bảo vệ, nhân viên đến đầu bếp đều có công lớn trong việc xây dựng thành công thương hiệu. Để cân bằng công việc, yêu cầu đầu tiên Trâm đặt ra cho mình là sắp xếp thời gian để mọi việc không bị tồn đọng. Ngoài ra, biết ưu tiên việc cần làm và biết từ chối khi không đủ thời gian chứ không ôm đồm, tham công tiếc việc. Tiếp đến, Trâm có được sự hỗ trợ tốt nhất từ đội ngũ nhân viên có chuyên môn giỏi. Tự nhận mình là người rất cầu toàn và khó tính, Trâm luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng muốn được phục vụ ra sao, muốn thưởng thức món ăn như thế nào. Và cô đã lấy tiêu chí đó đặt ngược vào vị trí lãnh đạo để hướng dẫn nhân viên phải làm. Bên cạnh đó, cô cũng là người biết lắng nghe. Cô thừa nhận ý kiến của bếp trưởng chắc chắn là cần thiết vì họ có kinh nghiệm hơn trong chế biến, bài trí món ăn. Chuyên môn quản lý nhân sự, quản lý nhà hàng cũng là những nhân viên tốt nghiệp loại ưu và có thâm niên trong nghề. Để giữ chân những người giỏi, Trâm cho rằng phải đối đãi công bằng và đặt tình cảm lên hàng đầu. Chẳng hạn đối với những nhân viên phải làm việc xa tận quận 7 hay Etown Tân Bình thì công ty hỗ trợ phương tiện đi lại. Bên cạnh chế độ lương, thưởng, bảo hiểm quy định, khi nhân viên gặp khó khăn trong cuộc sống như cần ngay một số tiền để lo việc gia đình thì công ty luôn hỗ trợ ban đầu để họ yên tâm làm việc. Có như thế khi vượt qua được giai đoạn khó khăn đó họ sẽ gắn bó với công việc hơn để mà đền đáp lại sự hỗ trợ của công ty, Trâm chia sẻ. Thủy Tâm

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200934/20090820165154.aspx